Muốn lắp điện mặt trời mái nhà phải đăng ký với UBND tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương đề nghị cho phép điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết với lưới điện, nhưng không phát điện lên lưới điện quốc gia.
Muốn lắp điện mặt trời mái nhà phải đăng ký với UBND tỉnh

Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam, Bộ Công thương cho hay, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Điện VIII có đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu được đặt ra là 2.600 MW.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cho rằng, với quy mô này, thì không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Vì chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 01 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021-2030) được đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.

Đó là chưa kể điện mặt trời trên mái nhà của cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản, tự tiêu và đặc biệt là điện mặt trời mái nhà nêu tại khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2-23/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đó là “UBND TP.HCM quyết định việc sử dụng mái nhà đảm bảo điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó. Phần điện còn thừa do không sử dụng hết thực hiện quy định của pháp luật về điện lực”.

Bộ Công thương cũng cho biết, theo báo cáo của EVN, tới ngày 31/12/2020, cả nước có 103.809 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt khoảng 9.608 MWp (khoảng 7.686 MW). Từ năm 2021 tới nay, việc phát triển điện mặt trời mái nhà chủ yếu là tự phát để tự sử dụng và chưa được kiểm soát.

Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với UBND các tỉnh và EVN rà soát tình hình lắp đặt điện mặt trời mái nhà sau năm 2020 và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi hoàn thành.

Các giải pháp được Bộ Công thương đưa ra là phân bổ phát triển điện mặt trời cho các địa phương trên cơ sở cường độ bức xạ, số giờ nắng trung bình trong năm và phụ tải hiện có.

Đồng thời hạn chế đối tượng áp dụng cơ chế, chỉ các đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được triển khai phát triển. Cạnh đó, việc kiểm soát phát triển điện mặt trời áp mái sẽ được giao cho các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm.

Liên quan đến quản lý vận hành điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương cũng cho rằng, trường hợp không liên kết với lưới điện quốc gia thì chủ đầu tư tự cân đối nguồn - tải tại chỗ. Trong trường hợp này chủ đầu tư cần bổ sung hệ thống lưu trữ điện, dẫn tới tăng chi phí đầu tư. Do đó, với yêu cầu không bán điện cho tổ chức cá nhân khác và không phát điện dư vào lưới quốc gia nhưng trong quá trình hoạt động điện mặt trời mái nhà vẫn phải liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ mua điện).

Như vậy, Bộ Công thương thấy cần thiết phải có sự quản lý của nhà nước, giám sát về phát triển và kiểm tra của các cấp, các ngành để đảm bảo việc phát triển điện mặt trời mái nhà đúng với cơ cấu nguồn trong hệ thống điện, không ảnh hưởng đến vận hành an toàn, ổn định của hệ thống điện quốc gia, phù hợp với Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt.

Trước thực trạng này, Bộ Công thương cũng kiến nghị cho phép điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát điện lên lưới. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích này. Tuy nhiên, việc xây dựng hoàn thiện cơ chế cần có thời gian vì tuân thủ theo trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, điện mặt trời mái nhà liên kết với hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối.

Các cơ quan, tổ chức cá nhân đăng ký với UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được giao về quản lý phát triển điện mặt trời mái nhà. Tiếp đó thực hiện đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành gồm đầu tư, đầu tư công, xây dựng, điện lực, môi trường, phòng cháy chữa cháy sau khi UBND tỉnh hoặc cơ quan được giao quản lý có ý kiến về công suất phát triển.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đề xuất xây dựng chương trình vận động tuyên truyền đến người dân và công sở để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự dùng.

Đồng thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân lắp thiết bị chống phát lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà vào lưới điện quốc gia. Theo dõi, kiểm tra, xử lý và kiến nghị xử lý với các trường hợp làm ảnh hưởng đến vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.

Trong số các ý kiến đóng góp tới thời điểm Bộ Công thương gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ vào ngày 26/7/2023 cũng chưa thấy có ý kiến đóng góp của EVN cùng các tổng công ty phân phối là những đơn vị trực tiếp đảm trách việc cấp điện tới các khách hàng cụ thể.

Theo các chuyên gia, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu như Bộ Công thương đang nhắc tới là một trong những giải pháp bổ sung thêm nguồn cung điện nhất là tại một số khu vực có nhu cầu tăng trưởng tiêu thụ cao nhưng nguồn cung mới lại ít như miền Bắc. Cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang muốn có chứng chỉ xanh để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của một số thị trường nhập khẩu nên cũng đang triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.

Tuy nhiên, do tính chất không ổn định của điện mặt trời nên việc phối hợp với bên điện lực để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được các doanh nghiệp rất quan tâm.

Tin bài liên quan