Từ huy động qua thị trường chứng khoán…
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khải Hoàn Land (mã KHG) đã thông qua nghị quyết về việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản với phương án phát hành riêng lẻ. Theo đó, Công ty dự kiến chào bán 180 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 1.800 tỷ đồng.
Mục đích của đợt phát hành là dùng 1.250 tỷ đồng để đầu tư vào Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn - Vũng Tàu, đảm bảo một phần vốn đối ứng thực hiện dự án Khu đô thị mới Gò Găng tại TP. Vũng Tàu; góp 450 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bất động sản Khải Minh Land để đảm bảo một phần đối ứng thực hiện dự án Khu đô thị mới và tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng Tân Quới tại Vĩnh Long và bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty.
Để trả nợ vay các cá nhân, tổ chức tín dụng và bổ sung vốn lưu động, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH) có kế hoạch chào bán hơn 15,2 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 15,856%. Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần, nếu đợt phát hành thành công, TNH sẽ thu về 152 tỷ đồng. Thời gian tiến hành dự kiến trong quý III – IV/2023.
Tương tự, ngày 22/8/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với phương án chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phần, với giá 10.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.300 tỷ đồng sẽ dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do Công ty phát hành ngày 18/6/2012 là 323 tỷ đồng; cơ cấu lại các khoản nợ vay tại TPBank cho công ty con là Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang trị giá 277 tỷ đồng; bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai là 700 tỷ đồng.
Hồi tháng 4 năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đã chào bán không thành công 161,9 triệu cổ phần riêng lẻ, với giá 10.500 đồng/cổ phần nhằm huy động gần 1.700 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu. Việc phát hành bất thành do “diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư từ chối mua”. Trong cuộc gặp nhà đầu tư vào tháng trước, Công ty cho biết sẽ tìm cách trả hết 7.600 tỷ đồng nợ ngân hàng trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán khởi sắc, dòng tiền vào thị trường dồi dào hơn đang thúc đẩy nhiều doanh nghiệp triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như phát hành riêng lẻ.
Không chỉ huy động vốn trên thị trường cổ phiếu, một số doanh nghiệp cũng gọi vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land) vừa phát hành thành công lô trái phiếu 200 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 11%/năm. Hay Bất động sản Lan Việt mới đây công bố huy động hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất phát hành cố định 13,3%/năm, kỳ hạn 15 tháng.
Cuối tháng 8, Công ty cổ phần Bất động sản Phú Thọ Land cũng huy động lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cố định 10,5%/năm. Trước đó, đầu tháng 8, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 1.750 tỷ đồng.
… Tới vay vốn công ty chứng khoán, quỹ ngoại
Bên cạnh kênh chứng khoán, vay vốn từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế là phương thức nhiều doanh nghiệp áp dụng để xoay xở nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Công ty cổ phần Kinh doanh F88 vừa huy động thành công khoản vay nước ngoài mới trị giá 50 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) từ Quỹ Lending Ark Asia. Đây là khoản vay thứ hai F88 nhận được từ Lending Ark Asia sau khoản vay đầu tiên trị giá tương tự vào tháng 11/2022.
“Khoản tín dụng mới sẽ được sử dụng để thúc đẩy kế hoạch tăng trưởng kinh doanh của F88. Với nguồn vốn này, Công ty mở rộng việc cung cấp các dịch vụ tài chính dễ dàng và minh bạch cho tệp khách hàng dưới chuẩn ngân hàng tại Việt Nam”, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc F88 cho biết.
Nửa đầu năm nay, doanh thu của F88 tăng 52% so với cùng kỳ 2022. Số lượng khách hàng tại thời điểm 30/6/2023 đã tăng 30% so với cuối năm 2022. Công ty đã chi trả 1.250 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn; tỷ lệ nợ vay so với vốn chủ sở hữu (tỷ lệ D/E) được duy trì an toàn quanh mức 1 lần. Fiin Ratings tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm cho F88 ở mức BBB-.
Lending Ark Asia là đơn vị tư vấn chiến lược về tín dụng tư nhân hàng đầu của CLSA Capital Partners, có trụ sở chính tại Hồng Kông (Trung Quốc). Quỹ này chuyên phê duyệt và quản lý các khoản đầu tư vào lĩnh vực cho vay cá nhân trên khắp châu Á, Úc và New Zealand với tổng giá trị đầu tư vượt trên 1,1 tỷ USD.
Việc tìm kiếm kênh vay vốn nước ngoài là mục tiêu nhiều doanh nghiệp, dự án hướng đến. Trong thông báo cập nhật đến các trái chủ mới đây, Công ty TNHH NamLand, tổ chức phát hành lô trái phiếu 900 tỷ đồng đang bị chậm trả lãi và gốc trái phiếu cho biết, doanh nghiệp đang làm việc với nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó có Mitshubishi Estate để đề xuất tài trợ cấu trúc tài chính và tiếp tục phát triển dự án với điều kiện dự án được cấp thông báo đủ điều kiện bán hàng.
NamLand đã gửi hồ sơ cho MBGI (Millenium Bridge Global Investors) và đề nghị vay để tái cấu trúc tài chính và tiếp tục phát triển dự án, WMC đề xuất cung cấp khoản vay tối thiểu 100 triệu USD.
“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ ký kết các tài liệu hợp tác chính thức với một trong các đối tác để tiếp tục thực hiện dự án Shizen Home”, ông Nguyễn Thúc Anh Thi, Chủ tịch NamLand nói.
Ghi nhận thông tin từ giới tư vấn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu vốn cao. Nếu như giai đoạn cuối 2022, nhu cầu môi giới bán tài sản là phổ biến vì các “cửa” gọi vốn khác gần như “bít kín” thì hiện nay, một trong những cách thức được “đặt hàng” là sử dụng tạm nguồn cho vay từ hợp đồng hợp tác ba bên ở công ty chứng khoán - một hình thức cho vay margin, rút tiền. Khách hàng sử dụng tài khoản margin này vừa để phục vụ mục đích trading cổ phiếu, vừa có thể rút tiền mặt ra để xử lý các vấn đề vốn ngắn hạn, tức thời ở doanh nghiệp nếu có nhu cầu.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm là cơ sở để giải ngân tín dụng dễ dàng hơn, bên vay cũng mạnh dạn tiếp cận vốn ngân hàng. Ghi nhận tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hiện giảm về còn 5%/năm, tiền gửi 1 tháng chỉ còn khoảng 3%/năm. Cán bộ ngân hàng cho biết, gần đây tín dụng đã bắt đầu khơi thông, giải ngân mạnh.