Đó là đánh giá của ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) khi trao đổi với ĐTCK.
Theo ông, đâu là giải pháp mới cần triển khai, để tăng sức hấp dẫn cho TTCK trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài?
Tuy TTCK còn đối mặt với không ít khó khăn, nhưng năm 2012 vẫn thể hiện là một kênh đầu tư hấp dẫn. 6 tháng đầu năm nay, với mức tăng trưởng trên 22%, VN-Index lọt vào top 5 thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, để Việt Nam thực sự lọt vào tầm ngắm của các NĐT lớn, bên cạnh những nỗ lực khác, tôi cho rằng, một yếu tố rất quan trọng là cần có kế hoạch hành động mang tính kỹ thuật để đưa vị thế TTCK ra khỏi nhóm thị trường cận biên (frontier) theo phân loại của tổ chức MSCI, để chuyển sang nhóm thị trường mới nổi (emerging).
Cũng giống như việc cải thiện định mức tín nhiệm theo đánh giá của các tổ chức định tín nhiệm quốc tế như S&P hay Moody’s, sự cải thiện về vị thế của TTCK Việt Nam từ “cận biên” sang “mới nổi” theo phân nhóm của MSCI, sẽ tạo tiền đề để các tổ chức đầu tư quốc tế có thể nâng cao đáng kể tỷ lệ phân bổ vốn trong danh mục đầu tư của họ. Trong khu vực ASEAN, Singapore là nước đã làm rất tốt việc này. Với vị thế hiện tại là thị trường phát triển (developed), Singapore thậm chí được xếp ở vị thế cao hơn so với các thị trường như Hàn Quốc và Đài Loan.
Sự thăng hạng vừa qua của TTCK Qatar hay Các tiểu vương quốc Arập đã minh chứng cho điều đó. Ngay sau khi được MSCI chuyển sang nhóm thị trường mới nổi, TTCK các nước này đã gặt hái được sự tăng trưởng bùng nổ. Có thể nói, đây là một nỗ lực thiên về kỹ thuật, nhưng có thể mang lại sự thay đổi cơ bản cho TTCK Việt Nam. Nó đòi hỏi Việt Nam phải đặt mục tiêu cụ thể và có sự chuẩn bị tốt “bài tập về nhà”.
Trong điều kiện Việt Nam, còn giải pháp quan trọng nào khác cần chú ý liên quan đến thu hút dòng vốn ngoại, thưa ông?
Việt Nam đang chuẩn bị triển khai quỹ ETF. Đây là một công cụ hiệu quả trong thu hút sự tham gia của các NĐT nhỏ lẻ với chiến lược đầu tư thụ động. Điều quan trọng là không nên chỉ dừng lại ở phát triển quỹ ETF trong nước, mà cần hướng tới việc tạo ra các quỹ ETF niêm yết và giao dịch ở các TTCK ngoài Việt Nam, để qua đó đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư vào các cổ phiếu cơ sở của ETF tại Việt Nam. Muốn thực hiện được điều này, Việt Nam cần chú trọng đến quy mô, tính minh bạch và thanh khoản của thị trường cổ phiếu. Đồng thời tránh xây dựng các chỉ số mang tính hình thức, mà phải hướng tới các chỉ số thực sự có giá trị sử dụng để làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư trên cơ sở xác định các nhu cầu đầu tư cụ thể của NĐT.
Thực tiễn từ thị trường Hồng Kông cho thấy, DB Tracker là một quỹ ETF phi vật lý (synthetic) đầu tư theo một chỉ số do FTSE phát triển dựa trên danh mục gồm 22 mã chứng khoán trên HOSE. ETF này được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK Hồng Kông và thu hút được sự quan tâm lớn của NĐT trên thế giới, đặc biệt là các NĐT nhỏ lẻ tại Nhật Bản. Tuy NĐT chỉ mua bán chứng chỉ quỹ ETF dựa trên nền tảng của 22 cổ phiếu đại diện trên TTCK Việt Nam, nhưng đây là kênh dẫn vốn hiệu quả của khối ngoại đến TTCK Việt Nam.
Trong bối cảnh chưa nới room cho NĐT nước ngoài, cũng như thanh khoản của thị trường Việt Nam còn hạn chế, việc phát triển các công cụ, sản phẩm đầu tư như quỹ ETF ở nước ngoài như ông vừa nêu là không dễ?
Đúng vậy. Việc phát hành ETF vật lý (physical) ở thị trường nước ngoài sẽ khó khả thi khi tổ chức phát hành không thể mua được đủ danh mục cổ phiếu cơ sở do hết room. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của NĐT ngoại hiện nay là Việt Nam có nới room cho khối này lên trên mức 49% hiện tại hay không. Trong đó, phải kể đến một nhu cầu đáng quan tâm là được sở hữu cổ phần tại các DN Việt Nam để hưởng các lợi ích kinh tế và tăng giá của cổ phiếu, mà không quan tâm đến việc kiểm soát hay quyền biểu quyết tại DN. Do đó, cần sớm có giải pháp cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu trên mức 49%, với phần sở hữu vượt quá chịu sự hạn chế về quyền biểu quyết.
Vấn đề kế tiếp là quy mô và tính thanh khoản của thị trường. Sẽ khó khả thi và khó có sự quan tâm của các nhà phát hành ETF quốc tế, nếu giá trị tài sản quản lý (AUM) và tính thanh khoản không đảm bảo. Tuy thanh khoản của TTCK Việt Nam đã có sự cải thiện, nhưng vẫn chưa hẳn đáp ứng được kỳ vọng của các tổ chức đầu tư quốc tế. Theo tính toán của FTSE, để giải ngân 30 triệu USD vào 22 cổ phiếu hàng đầu trên HOSE trong danh mục quỹ DB Tracker, NĐT cần thực hiện liên tục tới 18 phiên giao dịch. Điều này phản ánh quy mô và thanh khoản của TTCK Việt Nam còn rất hạn chế. Những con số này cũng cho thấy thách thức lớn đối với việc xây dựng chỉ số tạo nền tảng hiệu quả cho danh mục đầu tư, đồng thời cũng gợi ý cho DN niêm yết cần có mặt ở đâu nếu muốn lọt vào tầm ngắm của cộng đồng đầu tư quốc tế.