Một số trang bìa BCTN được thể hiện khá ấn tượng trong mùa giải năm nay

Một số trang bìa BCTN được thể hiện khá ấn tượng trong mùa giải năm nay

Muốn hút vốn lớn, doanh nghiệp trước hết phải “sạch nước cản”

(ĐTCK) Cùng các Sở GDCK lớn như New York, Nasdaq, London, Singapore, Thái Lan, Malaysia tham gia ký cam kết đối tác của Sáng kiến Sở GDCK Phát triển bền vững (SSE Initiative) của Liên Hợp quốc (UN), ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, Sở đã và sẽ tiếp tục nỗ lực giúp DN hiểu và dần thực thi các nguyên tắc phát triển bền vững.

Một số DN lớn Việt Nam từng đối mặt với rủi ro của việc bị quy kết vi phạm các nguyên tắc về phát triển bền vững trong các hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường. Để tránh khả năng phải đối mặt với khủng hoảng như vậy, các DN niêm yết nên hành xử như thế nào, thưa ông?

Hiện Sáng kiến Đầu tư có trách nhiệm của Liên Hợp quốc đề ra 6 nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm được trên 1.000 chủ thể liên quan trong lĩnh vực đầu tư cam kết sẽ áp dụng trước khi quyết định những khoản đầu tư cụ thể vào DN.

Các tổ chức này, khi nghiên cứu cơ hội đầu tư, không chỉ xem xét tiềm năng DN hay hiệu quả sinh lời, mà còn xem xét sự tuân thủ của DN với những nguyên tắc phát triển bền vững. Vì sao các DN nên hiểu và tuân thủ những quy tắc này?

Các DN cần ý thức rằng, điều này cũng giống như hiểu và tuân thủ luật giao thông khi tham gia giao thông vậy. Việc tuân thủ quy tắc này trước hết sẽ giúp các DN tự bảo vệ mình trước các rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.

Muốn hút vốn lớn, doanh nghiệp trước hết phải “sạch nước cản” ảnh 1

Ông Lê Hải Trà
 

Nói một cách ngắn gọn, phát triển bền vững bao gồm những yếu tố nào, thưa ông? Sở sẽ làm gì để giúp các DN ngấm dần và thực thi nghĩa vụ này?

Phát triển bền vững (ESG) dựa trên 3 yếu tố nền tảng: tác động đến môi trường (environment), trách nhiệm xã hội của DN (social responsibility) và chất lượng quản trị công ty (governance).

Các tổ chức đầu tư sẽ cân nhắc đến 3 yếu tố này trong quá trình tìm hiểu, cân nhắc quyết định đầu tư của mình. Nếu các công ty đại chúng muốn loại bỏ các rủi ro cũng như các rào cản trên con đường thu hút các quỹ đầu tư quan tâm đến mình, cần phải nỗ lực hoàn thiện trên 3 yếu tố đó.

Tại Việt Nam, phát triển bền vững vẫn là một khái niệm mới mẻ. Ở vị trí của Sở, chúng tôi sẽ phối hợp với các thành viên thị trường từng bước nâng cao nhận thức cho DN niêm yết.

DN niêm yết muốn phát triển, muốn hấp dẫn các tổ chức đầu tư, đặc biệt là với các tổ chức đầu tư tuân thủ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm, phải gạt bỏ được những rào cản và mở đường cho họ đến với mình.

Tham gia ký cam kết đối tác của Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững, có nghĩa là HOSE sẽ làm gì, thưa ông?

Sở GDCK là tổ chức vận hành thị trường, có vai trò làm cầu nối giữa các DN niêm yết và cộng đồng đầu tư. Khi các nhà đầu tư tổ chức đã đặt ra những nguyên tắc đầu tư nhất định, thì các DN trên sàn, muốn thu hút được nhà đầu tư, thu hút vốn, phải tìm cách đáp ứng các nguyên tắc này.

Ở vai trò của Sở, chúng tôi phải khuyến khích bên mua có tiếng nói rõ ràng, cụ thể hơn để hướng các DN niêm yết đến những nguyên tắc phát triển bền vững.

Ở khía cạnh khác, Sở cũng sẽ hỗ trợ các DN niêm yết nhận thức và quan tâm thực thi các thông lệ phát triển bền vững để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Nỗ lực này sẽ phải thực hiện theo lộ trình.

Trước hết là khuyến khích DN niêm yết tự nguyện công bố thông tin về thực thi các nguyên tắc phát triển bền vững, tiến tới đưa nội dung phát triển bền vững vào nghĩa vụ công bố thông tin của DN niêm yết.

Ngoài DN niêm yết, các thành viên khác đang tham gia TTCK có nhất thiết phải quan tâm đến phát triển bền vững không, thưa ông?

Bằng việc nâng cao nhận thực và thực thi các nguyên tắc phát triển bền vững, dần dần các chủ thể trên TTCK sẽ tạo nên những mảnh ghép thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững.

Từ trước đến nay, các DN thường quan niệm, mục tiêu đầu tiên cần quan tâm là tạo ra lợi ích cho cổ đông (shareholder’s values). Tuy nhiên, khi khái niệm phát triển bền vững ngấm sâu hơn vào DN thì mối quan tâm hàng đầu của DN sẽ có sự thay đổi.

Theo đó, lợi ích của cổ đông vẫn là mục tiêu trọng tâm, nhưng lợi ích này được đặt trong mối quan hệ tổng hòa với các bên có liên quan, ngoài cổ đông còn có khách hàng, đối tác, người lao động, cơ quan quản lý và xã hội.

Việc quan tâm đến lợi ích các bên liên quan (stakeholder’s values) trong thực thi các nguyên tắc phát triển bền vững sẽ tạo ra sự ủng hộ rộng rãi, nâng cao hình ảnh, uy tín của DN; qua đó nâng cao giá trị DN hay cũng chính là giá trị cho cổ đông.

Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững là gì?

SSE là tổ chức do Liên Hợp quốc thành lập nhằm tạo nên một mạng lưới ngang hàng (peer – to – peer) để tìm hiểu xem mức độ mà các sàn GDCK kết hợp cùng với các nhà đầu tư, các công ty, những người làm luật trong việc nâng cao mức độ minh bạch của thị trường và sau cùng là dựa vào ESG nhằm khuyến khích phát triển bền vững.

SSE Initiative mời các sàn GDCK trên toàn cầu trở thành đối tác cùng với SSE bằng cách: các sàn này tình nguyện cam kết một cách công khai đẩy mạnh việc hoàn thiện các thông tin ESG và việc thực hiện các nội dung này trong số các công ty niêm yết. Thêm vào đó, SSE chào đón các thành viên đến từ những người làm luật, nhà đầu tư, công ty và các cổ đông chiến lược khác tại Nhóm tư vấn (Consultative Group).

The United Nations-supported Principles for Responsible Investment (PRI) Initiative – Sáng kiến Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm do Liên Hợp quốc hỗ trợ.

PRI Initiative là mạng lưới quốc tế các nhà đầu tư làm việc cùng nhau nhằm đưa 6 nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm đi vào thực tế. Mục đích của PRI là lôi kéo, giúp các nhà đầu tư hiểu được sự quan trọng của đầu tư bền vững và hỗ trợ các bên ký vào cam kết có thể kết hợp chặt chẽ 6 nguyên tắc này vào quá trình đưa ra quyết định đầu tư cũng như thực tế thực hiện.

Hiện tại, có 1.368 đối tượng cam kết thực hiện các nguyên tắc này (bao gồm cá nhân sở hữu tài sản, nhà đầu tư, công ty quản lý và các tổ chức dịch vụ đầu tư chuyên nghiệp).

Đầu tư có trách nhiệm (Responsible Investment) là một phương pháp đầu tư dựa trên sự nhận biết rõ ràng của nhà đầu tư đối với vấn đề môi trường, xã hội và yếu tố quản trị (ESG), cũng như sức khỏe và sự ổn định lâu dài của toàn thị trường.

Đầu tư có trách nhiệm đòi hỏi các nhà đầu tư và các công ty phải có một tầm nhìn rộng hơn, có hiểu biết đầy đủ về các cơ hội cũng như những mối nguy cơ khi đối mặt với chúng, nhằm sắp xếp nguồn lực theo cách thức mang lại cả lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn cho khách hàng và những người hưởng lợi khác.

1. Kết hợp chặt chẽ các nội dung ESG trong việc phân tích đầu tư và quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

2. Hoạt động một cách tích cực và kết hợp các nội dung ESG vào các chính sách sở hữu và thói quen thường ngày.

3. Tìm kiếm cách thức thích hợp để phản ánh đầy đủ các nội dung ESG vào đối tượng đầu tư

4. Nâng cao nhận thức cũng như sự thực hiện các nguyên tắc này tại lĩnh vực công nghiệp mà nhà đầu tư đầu tư

5. Làm việc cùng nhau để nâng cao hiệu lực của việc thực thi đầy đủ các nguyên tắc trên

6. Báo cáo các hoạt động tích cực và tiến độ thực thi đầy đủ các nguyên tắc này.

Các nguyên tắc của đầu tư có trách nhiệm trên đã được phát triển bởi tổ chức quốc tế của các tổ chức đầu tư, phản ánh thích hợp vai trò của môi trường, xã hội và vấn đề quản trị trong thực tế đầu tư.

Với việc đồng ý thực hiện các nguyên tắc trên, các nhà đầu tư cam kết thừa nhận và thực thi đầy đủ các nguyên tắc này. Đổi lại, PRI cam kết thực hiện các lớp đào tạo, hỗ trợ trong việc áp dụng các nguyên tắc vào thực tế, cung cấp các thông tin về đầu tư, đối tượng đầu tư cho tổ chức ký cam kết.

Tin bài liên quan