Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
Sự phục hồi của doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản quý I/2024 ra sao, thưa ông?
Trong quý I/2024, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, cao hơn mức tăng trưởng GDP của cả nước (5,66%). Dù vậy, nói một cách khách quan, ngành công nghiệp xây dựng tăng trưởng chủ yếu do đầu tư công, sự tăng trưởng này phân bổ không đồng đều trong ngành. Các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ (vốn chiếm đa số), vẫn vô cùng khó khăn vì rất khó tiếp cận các dự án đầu tư công.
Riêng thị trường bất động sản tuy có dấu hiệu ấm lên từ cuối năm 2023 do lãi suất giảm, tâm lý của nhà đầu tư tư nhân hồi phục, hành lang pháp lý thông thoáng hơn nhờ sự ban hành 3 luật mới (Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi). Dù vậy, thị trường chưa thực sự phục hồi. Trong quý I/2024, TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Mặc dù ngân hàng thừa vốn, nhưng vốn chưa tới được các doanh nghiệp, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay với các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản rất lớn. Chỉ khi tháo gỡ được pháp lý và vốn, ngành xây dựng, bất động sản mới thực sự vượt qua khó khăn.
Đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn được Chính phủ rốt ráo triển khai từ năm 2023 đến nay. Vậy doanh nghiệp cần thêm các giải pháp tháo gỡ cụ thể nào nữa, thưa ông?
Chưa bao giờ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ lại vào cuộc quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như thời gian qua. Tính từ năm 2023 đến nay, đã có rất nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… cho doanh nghiệp bất động sản.
Hiện 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là về pháp lý. Tuy nhiên, vướng mắc của doanh nghiệp lại chủ yếu ở địa phương và một số bộ, ngành. Chúng tôi rất mong sự quyết liệt đó của Chính phủ lan xuống được các địa phương, bộ, ngành.
Riêng về tài chính bất động sản, hiện doanh nghiệp trông chờ vào 4 nguồn (huy động từ nhà đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, vốn chủ sở hữu). Tín dụng là nguồn vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp, song tiền chảy ra thị trường vẫn còn hạn chế do điều kiện vay khó khăn, dù ngân hàng đang thừa vốn. Bên cạnh đó, tuy lãi suất huy động đã giảm xuống rất thấp, nhưng lãi vay chưa hạ tương xứng. Ngoài ra, một số giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra như cho phép doanh nghiệp được chuyển khoản vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác… cũng khó triển khai trên thực tế.
Tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đang chậm lại. Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân dám mạnh dạn bỏ vốn đầu tư?
Với ngành xây dựng, hiện nay động lực tăng trưởng đến từ đầu tư công. Các doanh nghiệp lớn tiếp cận các dự án đầu tư công rất tốt, song các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận. Chúng tôi đang dự kiến đề xuất Chính phủ xem xét lại cơ chế giao thầu và chỉ định thầu, để mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các gói thầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc thù của thị trường Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, nên hầu như các công trình lớn, doanh nghiệp trong nước không thể tiếp cận. Chỉ khi cơ chế giao thầu và chỉ định thầu được xem xét, sửa đổi, doanh nghiệp trong nước mới có cơ hội phát triển.
Ngoài ra, lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng hiện nay quá nhỏ, cơ chế giải quyết quyền lợi với nhà thầu khó khăn. Do đó, cần thay đổi cơ bản về pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu.
Thị trường bất động sản mới phục hồi, nhưng đã có dấu hiệu sốt nóng ở phân khúc chung cư. Thưa ông, làm thế nào để thị trường phát triển lành mạnh?
Giá chung cư gần đây tăng vọt vì cung - cầu bị chênh lệch. Vừa rồi, Chính phủ giao một số bộ, ngành lập Đề án Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác. Nếu đề án này sớm được triển khai, theo tôi, sẽ góp phần tăng cung nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ, từ đó góp phần giải quyết được chênh lệch cung cầu, thị trường bất động sản sẽ gỡ được cung và đứng trước cơ hội phát triển rất nhanh.
Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, thị trường bất động sản năm 2024 sẽ tốt lên. Với dân số 100 triệu người, tốc độ đô thị hóa lớn, bất động sản Việt Nam là thị trường hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư đã nói với tôi rằng, nên mua bất động sản ở 3 nơi trên thế giới, đó là Việt Nam, Mỹ và Đài Loan. Nếu được tháo gỡ kịp thời, bất động sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP.