Theo hồ sơ, Nguyễn Ngọc Hùng Anh (SN 1975, ở Tiền Giang, nguyên Giám đốc CTCP Đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Tín Nghĩa) và Huỳnh Thị Hạnh là môi giới bất động sản. Cả hai biết rõ có nhiều cá nhân, doanh nghiệp dùng tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng nhưng cần giảm nợ hoặc giãn nợ hoặc những người muốn vay nhưng không có điều kiện hoặc quan hệ để vay vốn.
Cả hai bàn nhau, Hùng Anh sẽ đưa thông tin gian dối là có quen biết với lãnh đạo các ngân hàng, tòa án…, có khả năng can thiệp để giãn nợ, giảm nợ. Còn Hạnh sẽ soạn thảo các hợp đồng và hướng dẫn khách hàng.
Để tìm khách hàng, cả hai liên hệ với bà Khuất Thị S. cũng là môi giới nhà đất. Với thủ đoạn trên, từ năm 2013-2016, Hạnh soạn thảo 22 hợp đồng để Hùng Anh ký với 14 người, chiếm đoạt 17 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2014, Công ty Hồng Long có khoản vay tại các ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietinbank với số nợ 100 tỷ đồng, cần giãn nợ. Ông Nguyễn Văn Q. – Giám đốc Công ty Hồng Long đã gặp Hùng Anh để nhờ xin giãn nợ, giảm nợ.
Ngày 19/9/2014, Hạnh soạn thảo hợp đồng giãn nợ để hai bên ký kết. Theo đó, Hùng Anh tư vấn, hướng dẫn, thay mặt công ty làm việc với các ngân hàng, tòa án, thi hành án… để tài sản bảm đảm không bị phát mại. Với hợp đồng này, công ty phải trả cho Hùng Anh 7 tỷ đồng. Ngoài ra, theo cam kết, Công ty Hồng Long còn phải trả thêm 50%/số tiền được miễn giảm.
Thực hiện hợp đồng trên, Công ty Hồng Long đã chuyển số tiền 580 triệu đồng. Nhận tiền nhưng các bị cáo không thực hiện như cam kết. Khi biết thông tin Hùng Anh và Hạnh bị bắt, Công ty Hồng Long đã có đơn tố cáo.
Một trường hợp khác là Công ty Vạn Thành cũng vướng vào bẫy lừa của cặp đôi này. Do có khoản nợ ngân hàng cần giãn nợ, Công ty Vạn Thành chuyển cho Hùng Anh khoản tiền 498 triệu đồng. Hay như Công ty Phú Ngọc cũng chuyển cho Hùng Anh 462 triệu đồng để nhờ giãn nợ…
Có trường hợp để tạo niềm tin cho doanh nghiệp như Công ty Bình Hưng, Hùng Anh đã nhờ người soạn giả thông báo của ngân hàng về việc cấp tín dụng mới tại Ngân hàng NCB. Tuy nhiên, khi giám đốc công ty này liên hệ thì ngân hàng cho biết công ty không đủ điều kiện vay. Lúc này, Hùng Anh tiếp tục vòi doanh nghiệp phải trả nốt tiền phí hợp đồng. Đến khi nhận tiền thì Hùng Anh và Hạnh cắt đứt liên lạc.
Một trường hợp khác, Hùng Anh cũng nhận hơn 1 tỷ đồng để giúp vay vốn ngân hàng cho khách hàng cá nhân.
Năm 2018, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Hùng Anh mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Hạnh 16 năm tù. Sau phiên tòa trên, bị cáo Hùng Anh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm. Theo HĐXX, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo chiếm đoạt số tiền hơn 17 tỷ đồng là rất lớn. Các bị hại là cá nhân, công ty đang khó khăn tài chính. Hành vi của bị cáo càng làm cho bị hại khó khăn hơn. Bị cáo phạm tội nhiều lần, trong thời gian dài. Do tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không xuất trình được chứng cứ mới nên tòa án không chấm nhận đơn kháng cáo.