Phụ huynh châu Á thích cho con đi du học
Theo báo cáo mới nhất “Không ngừng vươn cao” trong chuỗi khảo sát giá trị của giáo dục của Tập đoàn HSBC, xu hướng du học trên toàn cầu không hề cho thấy dấu hiệu dừng lại.
Hơn 2/5 (42%) trong tổng số hơn 8.000 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ cân nhắc cho con đi học đại học ở nước ngoài, cao hơn 7 điểm phần trăm so với kết quả của cuộc khảo sát năm ngoái (35%).
Trong số năm quốc gia/lãnh thổ có tỷ lệ cha mẹ sẽ cân nhắc cho con đi du học cao nhất có bốn quốc gia/ lãnh thổ Châu Á cho thấy, khát vọng du học ở khu vực này đang mạnh mẽ.
Cụ thể, Ấn Độ là 62% (tăng 15 điểm phần trăm), Indonesia là 61% (tăng 1 điểm phần trăm), Trung Quốc là 59% (tăng 15 điểm phần trăm) và Hồng Kông (Trung Quốc) là 52% (giảm 2 điểm phần trăm).
Kết quả trên tương ứng với số liệu của OECD cho thấy, sinh viên châu Á đang chiếm khoảng 53% tổng số du học sinh trên toàn cầu.
Theo ước tính của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), đối tác của HSBC, Trung Quốc dẫn đầu về số lượng du học sinh đại học và sau đại học, với 801.000 sinh viên Trung Quốc đi du học trong năm 2016, tiếp theo là Ấn Độ với 182.000 sinh viên (số liệu năm 2015).
Tại Việt Nam cũng đang diễn ra một xu hướng tương tự, với số lượng đáng kể 63.703 sinh viên Việt Nam đang theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học ở khắp nơi trên thế giới, theo thống kê của UNESCO.
Nhìn chung, xu hướng du học đang tiếp tục gia tăng. So với chỉ 2,1 triệu trong năm 2001, số lượng sinh viên đang theo học các chương trình đại học và sau đại học trên thế giới trong năm 2017 đã lên tới hơn 4,6 triệu.
Các điểm đến hàng đầu cho du học đại học
Các bậc cha mẹ cho rằng, những lợi ích chính của việc học đại học ở nước ngoài là giúp con họ có kinh nghiệm làm việc quốc tế (49%), phát triển các kỹ năng ngôn ngữ (49%) và được tiếp cận với các trải nghiệm, ý tưởng, và nền văn hóa mới(48%).
Nhìn chung, Mỹ (47%) là điểm đến được các bậc cha mẹ ưa thích nhất, tiếp đó là Úc (40%), Vương quốc Anh (39%), Canada (25%) và Đức (23%).
Sự ưu tiên của các bậc cha mẹ đối với Mỹ là do họ tin rằng đây là nơi tốt nhất cho triển vọng nghề nghiệp của người mới tốt nghiệp (86%). Trong khi đó, những người lựa chọn Vương quốc Anh cho rằng nơi này có các trường đại học và cao đẳng chất lượng cao (94%),còn những người cân nhắc Canada nghĩ rằng quốc gia này mang đến chất lượng cuộc sống tốt cho sinh viên (83%).
Ảnh minh họa Internet
Bảng xếp hạng trên cũng phản ánh sự lựa chọn của người Việt Nam.
Theo số liệu của UNESCO, 5 điểm đến hàng đầu về số lượng du học sinh Việt Nam học đại học/sau đại học là Mỹ (19.336 sinh viên), Úc (13.147), Nhật Bản (6.071), Pháp (5.284) và Vương quốc Anh (4.236).
Bên cạnh đó, khoảng 39% các bậc cha mẹ tham gia khảo sát cho biết, họ đã nhắm tới một số trường đại học cho con mình, dựa trên sự cân nhắc về chất lượng giảng dạy, uy tín của trường và khả năng mở ra những cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Chính sách và Thực hành (IIE) Rajika Bhandari cho biết: “Với hơn một triệu sinh viên quốc tế, Mỹ rất thành công trong việc thu hút du học sinh, những người công nhận rằng các chương trình giáo dục đại học và sau đại học tại đây là một sự đầu tư thích đáng cho những kỳ vọng cá nhân lẫn mục tiêu sự nghiệp của họ.
Cụ thể, họ đánh giá cao tầm quan trọng của tư duy phản biện, sự phong phú về nguồn lực tại chỗ và những hoạt động ngoại khóa đa dạng mà hơn 4.000 trường đại học tại Mỹ mang lại. Ngoài ra, nơi đây cũng có nhiều chương trình tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế có trải nghiệm làm việc và nhất là được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp”.
Chi phí và giá trị của nền giáo dục quốc tế
Đa số các bậc cha mẹ (73%) cân nhắc cho con đi du học dự trù họ sẽ chịu trách nhiệm chính cho ngân sách học tập của con, và ước tính rằng chi phí trung bình để hoàn tất chương trình đại học và sau đại học ở nước ngoài là 157.782 USD (trong đó, 71.580 USD là cho chương trình đại học và 86.202 USD là cho chương trình sau đại học - khoảng 3,5 tỷ đồng).
Nhiều bậc cha mẹ (45%) còn suy nghĩ xa hơn và họ cho biết sẽ cân nhắc mua bất động sản ở nước ngoài nơi con họ theo học.
Việc các bậc cha mẹ sẵn lòng đầu tư cho con cái đi du học mang lại một nguồn lợi kinh tế khổng lồ cho quốc gia chủ nhà. Nghiên cứu của IIE cho thấy, các sinh viên quốc tế đang theo đuổi các chương trình đại học/sau đại học đã đóng góp 39,4 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2016, là ngành dịch vụ xuất khẩu lớn thứ năm của quốc gia này.
Trista Sun, Giám đốc phụ trách mảng Dịch vụ xuyên quốc gia, Tập đoàn HSBC, cho rằng, Báo cáo của HSBC cho thấy ngày càng có nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là những người ở châu Á và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, sẵn sàng đầu tư cho con đi du học để giúp con họ cải thiện các kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp.
Chi phí trung bình để hoàn tất chương trình đại học là 72.000 USD là một khoảng đầu tư đáng kể của các bậc cha mẹ. Họ cần phải lập kế hoạch từ trước và dự trù tất cả các yếu tố liên quan đến việc đóng góp tài chính cho du học.
“Con số 39% các bậc cha mẹ đã có sẵn trong đầu một số trường đại học cho con mìnhcho thấy sự đầu tư của họ thường vượt ra ngoài phạm vi tài chính. Cha mẹ đang bỏ ra nhiều thời gian và công sức để giúp con mình có một hồ sơ học tập tốt và nền tảng tin cậy để con họ có thể đáp ứng điều kiện của các trường đại học uy tín”, Rajika Bhandari nói.
Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ
Cân nhắc các lợi ích của việc học tập ở nước ngoài: Du học có thể giúp cho con bạn trở nên tự lập và gia tăng các triển vọng nghề nghiệp.
Hãy suy nghĩ thực tế về vấn đề chi phí: Đảm bảo rằng bạn đã dự trù tất cả những yếu tố liên quan như học phí, chi phí đi lại, chỗ ở, chi phí hằng ngày và sự thay đổi tỷ giá.
Lên kế hoạch sớm: Việc lên kế hoạch và bắt đầu tiết kiệm sớm cho mục đích du học có thể giúp cho con bạn phát huy tiềm năng và giảm bớt áp lực về tài chính cho gia đình. Tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia tài chính có thể giúp bạn lên kế hoạch và có được các lựa chọn tốt.
Lời khuyên dành cho sinh viên
Trước khi đến, hãy tìm hiểu kỹ về quốc gia nơi bạn theo học, văn hóa và phong tục của quốc gia đó.
Đăng kí các khóa học hay tập huấn do trường đại học tổ chức nhằm giúp du học sinh tìm hiểu về môi trường mới.
Nói chuyện với các sinh viên mới tốt nghiệp về kinh nghiệm học tập ở nước ngoài, các trải nghiệm của chính bản thân họ để giúp bạn có thể thích nghi nhanh hơn.
Hãy khám phá đất nước mới và sẵn sàng kết bạn.
Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, tận dụng các ưu điểm của hoạt động đội nhóm, thể thao, câu lạc bộ những người cùng sở thích và các sự kiện giao lưu để hòa mình vào cộng đồng sinh viên đa dạng.