1. Chính phủ ban hành Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 101/2013/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật của Doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm khi Doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bắt đầu thực hiện chính sách an sinh xã hội theo quy định của Thông tư 115/2013/BTC về Bảo hiểm hưu trí tự nguyện và Quỹ Bảo hiểm hưu trí, nhằm đảm bảo cho người lao động (cả người dân, thợ thủ công, tiểu chủ, tiểu thương, lao động tự do) có thu nhập từ hưu trí tự nguyện khi hết độ tuổi lao động.
3. Mặc dù phí bảo hiểm thu được chỉ bằng 1/3 số tiền bồi thường do tổn thất bị dịch bệnh và những dấu hiệu trục lợi bảo hiểm cần được làm rõ nhưng Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare tiếp tục thực hiện chính sách của Chính phủ tiến hành thí điểm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi, thủy sản trên 20 tỉnh thành phố cả nước.
4. 7 Doanh nghiệp bảo hiểm (Bảo Minh, Bảo Việt, PVI, Bảo Việt Tokiomarine, QBE, AIG, UIC) tiếp tục thực hiện chính sách thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu mặc dù hai năm qua (2011-2012) phí bảo hiểm thu được 9,62 tỉ đồng nhưng bồi thường lên tới 13,33 tỉ đồng.
5. ABIC là Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên với trách nhiệm của người đứng đầu trong hợp đồng bảo hiểm đã vay ngân hàng hơn 400 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu bồi thường cho vụ tàu Vinalines’Queen bị tổn thất khi chở quặng niken. Sau đó, ABIC phân bổ số tiền bồi thường cho các nhà đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm liên quan.
6. Lần đầu tiên thị trường bảo hiểm Phi nhân thọ Quý 1/2013 tăng trưởng âm (-5%) với rất nhiều Doanh nghiệp bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm tăng trưởng âm trong cùng thời gian này. Có thể lý giải nguyên nhân là khó khăn nền kinh tế tiết giảm đầu tư chi tiêu công và tăng trưởng tín dụng thấp, nhiều cơ sở ngừng trệ làm giảm nhu cầu bảo hiểm và tình trạng dấu Doanh thu năm 2012 chuyển sang đầu năm 2013 để không phải giao kế giao kế hoạch cao đã không xảy ra do doanh nghiệp đã kiểm soát chi nhánh chặt chẽ. Rất mừng là 6 tháng tăng trưởng 2,5%, 9 tháng tăng trưởng 8%, cả năm tăng trưởng 8%.
7. Thị trường bảo hiểm nhân thọ không bị áp lực cạnh tranh do tiền nhàn rỗi dân cư gửi vào ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản giảm. Đồng thời người dân đã thấy rủi ro khi khủng hoảng tài chính xảy ra tại Châu Âu. Bảo hiểm Nhân thọ nắm bắt cơ hội phát triển sản phẩm, tăng cường chăm sóc khách hàng, đưa doanh thu ước đạt 21.000 tỉ đồng tăng trưởng 15%.
Bảo hiểm phi nhân thọ vượt khó khăn, thách thức, ước đạt doanh thu 23.600 tỉ đồng, tăng trưởng 8%, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lãi về nghiệp vụ bảo hiểm, không trông chờ lấy lãi đầu tư tài chính bằng tiền nhàn rỗi (khi lãi suất đầu tư giảm) bù đắp cho lỗ nghiệp vụ như trước đây thường làm.
8. Năm 2013 là năm có nhiều bão nhất, trong đó cơn bão số 10, 11 gây thiệt hại nặng nề tại miền Trung, lũ lụt, giá rét, sương muối xảy ra ở vùng núi phía Bắc, tôm bị dịch bệnh tại miền Tây, hỏa hoạn và thiệt hại về tài sản, tính mạng trong tai nạn giao thông làm gia tăng số tiền bồi thường của Doanh nghiệp bảo hiểm.
9. Toàn ngành bảo hiểm đầu tư vào nền kinh tế quốc dân ước đạt 105.000 tỉ đồng, tăng trưởng 5 tỉ USD là nguồn vốn trung và dài hạn quý báu để xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho 240.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ, 60 người ngàn đại lý bảo hiểm phi nhân thọ từ lao động dôi dư của các DN bị đình trệ và có trên 25.000 cán bộ nhân viên bảo hiểm.
10. Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức thành công các Hội nghị của các nhà quản lý bảo hiểm và các Hiệp hội Bảo hiểm của các nước ASEAN tại Đà Nẵng do Việt Nam đăng cai, tổ chức tổng kết 20 năm phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam. Ngày 18/12 hàng năm được Cơ quan Quản lý Nhà nước quy định là ngày thị trường Bảo hiểm Việt Nam.