Nhiều lý do muốn lãi suất giảm thêm
Tại hội nghị “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Huyền Thương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ giảm lãi suất theo đúng định hướng. Tuy nhiên, lãi suất thực tế dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nên các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất và sớm triển khai thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trước câu hỏi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng rằng, chi phí tài chính hiện chiếm bao nhiêu phần trăm trong chi phí của doanh nghiệp, bà Thương cho hay, trong khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu, chi phí của doanh nghiệp chiếm khoảng 20%, trong đó chi phí tài chính chỉ chiếm 3-5% (bao gồm cả chi phí lãi vay). Tuy nhiên, bà Thương cho rằng, thời gian qua, nhu cầu và sức mua giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, tăng khuyến mại, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ cho đối tác…
“Bởi vậy, đề nghị các ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đồng thời điều chỉnh tiêu chí đánh giá xếp loại doanh nghiệp để xét duyệt cho vay”, bà Thương kiến nghị.
Cũng liên quan đến câu chuyện lãi suất, ông Nguyễn Trọng Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép cho biết, hiện lãi suất doanh nghiệp đang vay là 7,5%/năm và “như thế cũng là rẻ rồi”. Hơn nữa, ngân hàng luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp từ khi thành lập cho đến nay.
“Tuy nhiên, nếu so với mức lãi vay chỉ khoảng 2-3%/năm ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì lãi vay ở Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể. Do đó, tôi vẫn đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới”, ông Hoa nói.
Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội, việc giảm lãi suất không kịp thời là yếu tố góp phần dẫn tới doanh nghiệp càng khó khăn hơn, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Do đó, ông Sơn gợi ý giải pháp: “Giảm lãi suất trực tiếp 1-2%/năm từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới phát sinh. Doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng thương mại cổ phần khác cân đối để triển khai sớm việc giảm lãi suất”.
Xung quanh vấn đề hạ lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng số tiền giảm lãi suất và phí từ nguồn lực của các tổ chức tín dụng từ năm 2020 đến nay là 60.000 tỷ đồng. Đây là khoản hỗ trợ không nhỏ của ngân hàng đối với khách hàng.
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng ngân hàng thương mại giảm xuống 5,9%/năm vào tháng 8/2023, giảm hơn 0,5%/năm trong cuối tháng 7 và 2%/năm so với cuối năm 2022. Lãi suất huy động chạm đáy do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.
Ông Hinh kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2023 và ban hành Thông tư 02/2023 cho phép gia hạn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm 1-1,5%/năm trong những tháng cuối năm 2023 và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân”, ông Hinh nhấn mạnh.
Người mừng, kẻ lo
Tỷ giá tăng gây tác động 2 chiều tới nền kinh tế, cụ thể là làm tăng nghĩa vụ nợ (đặc biệt là đối với khu vực tư nhân) và tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước.
Có nhóm doanh nghiệp muốn ngân hàng hạ lãi suất thật nhanh và thật nhiều, nhưng cũng có nhóm doanh nghiệp lại đặt vấn đề ngược lại, bởi hạ lãi suất sẽ tác động đến thị trường ngoại hối khiến doanh nghiệp “méo mặt” khi tỷ giá “nhảy múa”.
Ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách Tài chính - Kế toán, Công ty Cơ khí Đông Anh cho hay: “Lãi suất cho vay mà doanh nghiệp ông đang trả không cao, vào khoảng 5,2-5,6%/năm. Đề nghị ngân hàng cần duy trì mặt bằng lãi suất ổn định để doanh nghiệp yên tâm làm ăn, bởi mỗi lần ngân hàng giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng vọt, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại, nhất là những đơn vị có hoạt động nhập khẩu”.
Lãnh đạo cấp cao Công ty May 10 cho biết, tỷ giá tăng sẽ khiến giá trị hàng xuất khẩu tăng, đặc biệt là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày… Thế nhưng, mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhiều hơn, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, chỉ số DXY tăng lên 104,8 điểm vào ngày 13/9/2023, tức tăng 2,9% so với cuối tháng 7/2023. Theo ông Hinh, sự gia tăng của chỉ số này được thúc đẩy bởi: Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gia tăng khả năng tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay do dữ liệu kinh tế khả quan; thứ hai, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao do chính phủ nước này tăng cường số lượng phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách. Chỉ số DXY tăng đã gây áp lực lên VND khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng leo lên mức 24.147 VND/USD vào ngày 13/9/2023 (tức tăng 1,9% so với cuối tháng 7/2023 và tăng 2,2% so với đầu năm).
Sức ép càng gia tăng bởi Trung Quốc nới lỏng tiền tệ gây áp lực lên đồng nhân dân tệ (CNY) và ông Hinh nhận thấy rằng, trong quá khứ, VND có tương quan cao với CNY, đồng thời áp lực lạm phát trong nước cũng tăng lên trong những tháng cuối năm 2023. Trong khi đó, USD cũng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, đáng chú ý có đồng Peso Philippines (+1,8% so với đầu năm), Baht (+3,2% so với đầu năm), CNY (+5,1% so với đầu năm) và Ringgit Malaysia (+6,3% so với đầu năm).
Cũng theo ông Hinh, tỷ giá tăng gây tác động 2 chiều tới nền kinh tế, cụ thể là làm tăng nghĩa vụ nợ (đặc biệt là đối với khu vực tư nhân) và tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước. Vì vậy, khi áp lực từ tỷ giá càng lớn thì càng ít dư địa cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành.
“Chúng tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 vì cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng”, ông Hinh nói.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: “Việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy cần đảm bảo việc quản lý ngoại hối linh hoạt để ứng phó với các điều kiện bên ngoài”.
Tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tỷ giá và lãi suất là bài toán tổng thể, rất khó và phải đánh đổi lẫn nhau, muốn giảm nhiều lãi suất thì tỷ giá phải tăng lên. Với Ngân hàng Nhà nước, khi điều hành chính sách tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu, nếu được lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thì sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu vì phải chịu thêm chi phí từ biến động tỷ giá.
“Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế khi điều hành tỷ giá”, Thống đốc nhấn mạnh.