Mừng, lo 2022

Mừng, lo 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý lo âu của nhiều nhà đầu tư đã được giải tỏa trong những phiên giao dịch cuối tuần qua khi nhóm cổ phiếu bất động sản, vốn chịu nhịp điều chỉnh mạnh đã cân bằng trở lại, nhiều mã cổ phiếu thị giá thấp cũng đã lấy lại sắc xanh.

Xét về ngắn hạn cho tuần giao dịch cuối năm, sự lan tỏa từ các cổ phiếu dẫn dắt chưa thực sự nổi bật. Đơn cử, BID vốn là cổ phiếu được coi là "ì ạch" từ trước tới nay nhưng liên tục được kéo xanh và tím đã đạt mức tăng giá hơn 20%.

Theo lý thuyết, dòng tiền mới sẽ tập trung vào các mã ngân hàng khác để tìm kiếm mức sinh lời tốt hơn nếu như đánh giá triển vọng lạc quan của nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt này. Tuy nhiên, dòng tiền lại tiếp tục kéo BID lên mức cao mới và độ lan tỏa sang cả nhóm, để mang tính đồng đều và đà tăng bền vững vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Một số chuyên gia phân tích nghiêng về khả năng VN-Index sẽ đi theo kịch bản sóng Elliott, tăng lên 1.485 điểm trước khi điều chỉnh giảm vào những phiên cận Tết, trước kỳ nghỉ dài. Nhiều nhà đầu tư đã chốt lãi vào nửa đầu tháng 1 cho biết, họ tiếp tục giữ tỷ trọng tiền mặt lớn để bảo toàn lợi nhuận và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tốt hơn từ thị trường.

Dù vậy, nhìn xa hơn, đà hồi phục của kinh tế Việt Nam giúp cho các nhà đầu tư tự tin với triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán trong năm 2022.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ nằm trong khoảng 6-6,5% và CPI tăng khoảng 4% được nhìn nhận là môi trường vĩ mô tích cực cho thị trường chứng khoán.

Thậm chí, trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020-2021. Đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng là đôi cánh hỗ trợ thị trường sau dịp Tết.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là thị trường thường biến động ngoại lệ với những gì số đông nhà đầu tư suy nghĩ. Nhìn vào nhóm ngành được kỳ vọng dẫn dắt thị trường là ngân hàng vẫn còn nhiểu ẩn số lớn. Đó là các thay đổi gắn với việc Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu, bao gồm Thông tư 11/2021 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng, Thông tư 16/2021 nhằm thắt chặt việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải pháp xử lý nợ xấu cũng được thảo luận do Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng “0 đồng”. Nhiều khả năng các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt việc quản lý chất lượng tài sản tại các ngân hàng, đồng thời hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Thông tư 16/2021 về trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, khiến doanh nghiệp khó gia hạn nợ hơn do các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ có vấn đề.

Một mốc thời gian quan trọng khác mà nhiều nhà đầu tư quan ngại là thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng có thể sẽ công bố nợ xấu thực tế cao bất ngờ.

Trong câu chuyện về triển vọng thị trường năm 2022, những rủi ro được nhiều chuyên gia và nhà quản lý nhắc tới để nhà đầu tư có một năm giao dịch cẩn trọng hơn khi các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ở mức thấp đang hiện hữu.

Trước mắt là động thái tăng lãi suất, đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, phần nào có tác động nhất định đến thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Cắt nghĩa sâu hơn về ẩn số “siết van” tiền tệ và những yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý cho giai đoạn tới, Đầu tư Chứng khoán mong muốn 2022 sẽ tiếp tục đem lại nhiều thành công cho các nhà đầu tư.

Tin bài liên quan