“Tắc” điều kiện vay vốn, ngân hàng - doanh nghiệp vẫn khó gặp nhau
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành thêm 0,5 - 1%, khiến nhiều doanh nghiệp vui mừng, song những nỗi lo thấp thỏm vẫn còn đó.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho hay, việc NHNN hạ lãi suất kịp thời đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhưng chưa thể tác động tích cực ngay đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, do việc tiếp cận vốn trên thực tế vẫn rất khó khăn.
“Lãi suất giảm là rất đáng hoan nghênh, song tiếp cận vốn mới là vấn đề quan trọng hàng đầu, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tăng trưởng tín dụng quý I năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái là minh chứng cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu đi. Đây là điều cần quan tâm để ban hành thêm các chính sách phù hợp, cộng hưởng với lãi suất hạ, thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng nhận định.
Theo ông Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng quy định rõ về chuẩn cho vay, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng cao tiêu chuẩn quản trị rủi ro. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME lại gặp nhiều khó khăn về tài sản, vốn chủ sở hữu, rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Chính vì vậy, bên cạnh khuyến nghị doanh nghiệp chủ động cải thiện vốn chủ sở hữu, năng lực quản trị để tạo niềm tin cho ngân hàng, NHNN cần có chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp SME, cho phép áp dụng chuẩn riêng khác chuẩn vay thông thường, thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn.
Theo số liệu của NHNN, tính tới ngày 9/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 1,12% so với cuối năm 2022. Tốc độ tăng tín dụng trong 2 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Agribank bị âm. “Agribank sẵn sàng nguồn vốn, song việc tìm kiếm khách hàng tốt để giải ngân không phải là điều dễ dàng”, bà Phượng nói.
Thực tế, các khách hàng vay vốn tại Agribank được đánh giá tốt vẫn được hưởng mức lãi suất khá “dễ thở”. Ông Phan Thanh Thiên, Tổng giám đốc Trường Sinh Group cho hay, hiện Trường Sinh Group còn dư nợ khoảng 100 tỷ đồng tại Agribank với lãi suất 6,5%/năm.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi như vậy. Sau Covid-19, “sức khỏe” của doanh nghiệp suy yếu, không ít doanh nghiệp rơi vào nợ xấu, không đáp ứng được điều kiện vay ngân hàng. Bên cạnh đó, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, lãi suất tăng cao, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, bất trắc… khiến các doanh nghiệp đủ chuẩn e ngại vay vốn mới. Những doanh nghiệp khát vốn và chấp nhận vay bằng mọi giá là các doanh nghiệp bất động sản, song đây là lĩnh vực mà các ngân hàng hết sức thận trọng.
Cung - cầu không gặp nhau là một trong những lý do khiến tín dụng tăng trưởng rất chậm trong hơn 2 tháng đầu năm. Các chuyên gia cho rằng, dù lãi suất có giảm, dòng vốn vẫn chưa thể sớm khai thông.
Giảm lãi suất chỉ là liều thuốc “cấp cứu” trước mắt
Phân tích kỹ hơn về động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp không nên vui mừng quá sớm.
Thực tế, trong lần cắt giảm lãi suất điều hành này, NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động (6%/năm). Qua đây, có thể thấy, NHNN rất thận trọng với thanh khoản hệ thống và vẫn chú trọng hút tiền về. Trong hơn 2 tháng đầu năm, huy động vốn chỉ tăng 0,4%, chứng tỏ thanh khoản tại nhiều ngân hàng nhỏ vẫn chưa mấy dồi dào.
Với lãi suất cho vay, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam giảm 1%, song chỉ áp dụng với một số ngành ưu tiên. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp khát vốn nhất trên thị trường hiện nay là bất động sản không được hưởng lợi.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, giảm lãi suất chỉ là liều thuốc “cấp cứu” tạm thời. Để cứu được “con bệnh”, cần phải có dòng tiền thật đi vào thị trường. Muốn vậy, phải có thêm nhiều giải pháp khác. Trong đó, giải pháp và cũng là dòng tiền khả thi nhất là đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, tạo sức lan tỏa. Giải pháp cần kíp tiếp theo là gỡ vướng thủ tục pháp lý để doanh nghiệp có thể bán dự án, thanh lý tài sản, tạo dòng tiền. Đây cũng là giải pháp mà Trung Quốc đang làm.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của VNDirect, ngoài giảm lãi suất - yếu tố tác động mang tính ngắn hạn, thì giải pháp căn cơ hơn để tăng dòng tiền cho nền kinh tế là cần phát huy hiệu quả của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
“Về phần mình, bản thân các doanh nghiệp cần mạnh mẽ hơn trong công khai, minh bạch thông tin cũng như đưa ra lộ trình tái cấu trúc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tháo gỡ hàng loạt vướng mắc pháp lý liên quan tới dự án bất động sản để giúp doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho, thu hồi dòng tiền. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng cũng là rất quan trọng”, bà Hiền bình luận.
Cùng với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và gỡ vướng mắc pháp lý, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường thế giới suy giảm hiện nay, Chính phủ cần nghiên cứu gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực.
Về xu hướng lãi suất, các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo, dù lãi suất có xu hướng tạo đỉnh và đảo chiều, song lãi suất trung bình năm 2023 vẫn cao hơn năm ngoái, gây nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi vay. Hiện lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng thương mại là 8 - 9%/năm, cao hơn 2% so với mức trung bình năm 2022.
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chững lại lộ trình tăng lãi suất tháng 3/2023, nhưng sẽ “bù đắp” bằng lần tăng lãi suất mạnh hơn vào những tháng tới. Chính vì vậy, trong năm nay, lãi suất cho vay có thể chưa kéo giảm về được mức doanh nghiệp mong muốn.
Hạ lãi suất điều hành là phù hợp
- Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng
Động thái hạ lãi suất điều hành gần đây của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp. Trong các dự báo gần đây, các chuyên gia cũng đều cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ xem xét lại chính sách tăng lãi suất của mình, tăng nhẹ hơn, thậm chí còn chững lại. Trong nước, tăng trưởng tín dụng chậm lại, người dân không vay vốn vì lãi suất cao. Việc giảm lãi suất là cần thiết, mức giảm từ 0,5 điểm phần trăm đến 1 điểm phần trăm sẽ không tác động nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành sẽ là cái cớ để ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất huy động, từ đó hạ nhiệt dần lãi suất cho vay. Tôi cho rằng, lãi suất huy động trên thị trường có thể giảm thêm 0,5 - 1%/năm.