Giới đầu tư chuyển từ kỳ vọng sang thất vọng với quyết định của Fed (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư chuyển từ kỳ vọng sang thất vọng với quyết định của Fed (Ảnh minh họa: AFP)

Mừng hụt với Fed, phố Wall mất điểm cuối phiên, giá vàng bật mạnh

(ĐTCK) Dù Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp vừa diễn ra đúng như dự đoán, nhưng vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng lãi suất 2 lần trong năm 2016 bất chấp tăng trưởng kinh tế đang chậm lại khiến giới đầu tư mừng hụt.

Trong phiên thứ Tư, phố Wall gần như giao dịch trong sắc xanh suốt phiên khi giới đầu tư dự đoán Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp đang diễn ra và kết thúc vào cuối giờ chiều.

Đúng như dự đoán, công bố trong buổi họp báo sau cuộc họp, bà Janet Yellen cho biết, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất hiện tại, nhưng vẫn giữ kế hoạch tăng lãi suất 2 lần trong năm 2016, bất chấp cơ quan này cho biết, kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Sau thông tin đưa ra sau cuộc họp của Fed, phố Wall đã nhanh chóng đảo chiều và mất điểm trong ít phút cuối phiên, chấp nhận phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones giảm 34,65 điểm (-0,2%), xuống 17.640,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,82 điểm (-0,18%), xuống 2.071,50 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 8,62 điểm (-0,18%), xuống 4.834,93 điểm.

Trái ngược với phố Wall, do đóng cửa trước khi cuộc họp của Fed kết thúc và với dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, cùng đà tăng của kim loại, giúp chứng khoán châu Âu chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp bằng phiên đảo chiều khá tốt.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 43,27 điểm (+0,73%), lên 5.966,8 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 87,51 điểm (+0,92%), lên 9.606,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 41,25 điểm (+1,00%), lên 4.171,58 điểm.

Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư, trong đó, chứng khoán Nhật Bản chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm liên tiếp. Tuy nhiên, đà hồi phục của chứng khoán Nhật Bản không mạnh khi giới đầu tư đang hướng vào cuộc họp của Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư nhờ ảnh hưởng từ sự tích cực của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Trong phiên thứ Tư, chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh bất chấp MSCI lần thứ 3 từ chối đưa cổ phiếu của Trung Quốc vào rổ chỉ số quan trọng của khu vực.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 60,58 điểm (+0,38%), lên 15.919,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 79,99 điểm (+0,39%), lên 20.467,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 45,02 điểm (+1,58%), lên 2.887,21 điểm.

Tuy nhiên, ngay sáng thứ Năm, chứng khoán Nhật Bản đã nhân tin không vui khi BOJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, bất chấp đồng yên đang tăng giá mạnh so với đồng USD, ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như nền kinh tế của nước này. Do vậy, chứng khoán trong sáng nay (16/6) đã giảm mạnh ngay khi mở cửa.

Trái ngược với phố Wall, giá vàng đang lình xình trong gần như suốt phiên thứ Tư, nhưng sau thông tin của Fed đưa ra về việc giữ nguyên lãi suất, giá kim loại quý này đã tăng vọt cuối phiên. Chờ đợi quyết định của Fed khiến giá vàng trước đó không thể bứt phá dù có thông tin hỗ trợ rất tốt là khả năng Brexit xảy ra đang lớn dần, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới.

Kết thúc phiên 15/6, giá vàng giao ngay tăng 6 USD (+0,47%), lên 1.291,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.288,3 USD/ounce.

Trong phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục leo cao và đang thử thách ngưỡng kháng cự quan trọng 1.300 USD/ounce.

Theo dữ liệu vừa công bố, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tiếp tục giảm 933.000 thùng, tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, mức giảm nhẹ hơn rất nhiều so với con số dự đoán của giới phân tích là 2,3 triệu thùng. Trong khi đó, nỗi lo về Brexit khiến nhu cầu dầu thô sụt giảm vẫn án ngữ trong tâm lý nhà đầu tư, khiến giá dầu thô không thể quay đầu, mà tiếp tục có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, đánh mất luôn mốc 49 USD/thùng trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 15/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,48 USD (-1,00%), xuống 48,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,86 USD (-1,76%), xuống 48,97 USD/thùng.

Tin bài liên quan