Ký ức tuổi thơ của nhiều người gắn cùng tiếng pháo. Ảnh: Internet.

Ký ức tuổi thơ của nhiều người gắn cùng tiếng pháo. Ảnh: Internet.

Mùi Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tiếng nổ đì đùng, mùi thuốc pháo, khói và vụn giấy hồng, giấy đỏ bắn ra tung tóe. Đó cũng là thanh âm rộn rã nhất báo hiệu một năm mới đã sang.

Giờ, nhiều pháo hoa, pháo bông các kiểu, năm ít một bận, năm nhiều mấy lần. Thậm chí, ở “thành phố đáng sống”, còn có cả một lễ hội pháo hoa với các đội tuyển đến từ năm châu, bốn biển cùng nhau thi thố, nên chuyện thưởng pháo giờ cũng thường xuyên, đại chúng hơn xưa nhiều.

Ấy, nhưng đó là pháo của chung, còn mỗi bận Tết về, với những người có tý tuổi trở đi, tiếng pháo đì đùng luôn khơi gợi những điều đẹp đẽ xưa cũ. Và hơn hết, đó là tiếng pháo mang tính riêng tư rất riêng.

Đã 26 năm kể từ hồi cấm pháo. Dầu biết là đúng để hạn chế lãng phí và nguy cơ cháy nổ, tai nạn về người và của, nhưng mỗi bận Tết đến, Xuân về, nghe những câu hát “Nếu xuân này vắng anh/Như lá khô buồn xa cành/Như giao thừa im tiếng pháo/Mai úa sắc bên hiên/Thì đừng đến Xuân ơi” của nhạc sĩ Bảo Thu, trong bài “Nếu Xuân này vắng anh”, chả hiểu sao tôi lại cứ bùi ngùi nhớ.

Tôi còn nhớ như in ngày còn bé tý, vốn nhút nhát, nhưng năm nào tôi cũng xung phong đốt bánh pháo giao thừa. Cứ đến đúng lúc chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, là tôi cầm cây nứa dài đâu chừng 3m, đầu gài sẵn miếng giấy, châm lửa và đốt pháo. Vừa run, hồi hộp, lại cả háo hức nữa.

Những năm 90 của thế kỹ trước, làng quê làm gì có điện đường, cả xóm tối thui, nhưng đến giao thừa, cả xóm nghèo lại vang lên rộn rã, tiếng pháo, tia lửa chớp chớp trong cái se lạnh buổi đầu Xuân, nghe ý vị vô cùng. Và sau đó còn vui hơn nữa, vì năm nào cũng sẽ được bố mẹ, ông bà mừng tuổi. Bao nhiêu tiền xếp lại ngay ngắn, cả mấy ngày Tết cứ chốc chốc, lát lát lại ra vào kiểm tra dù ngày đó chả biết tiêu tiền, toàn nhờ bố mẹ giữ hộ.

Nói đến pháo xưa, lại phải lan man thêm tý. Những bận có đám cưới, thì khi cô dâu, chú rể bước qua cánh cổng nhà trai vào hôn trường, thì thể nào cũng có vài bánh pháo làm nền cho đôi tình nhân bước trên xác pháo hồng. Ngoài cái thú đi xem đám cưới, xem cái cảnh “cô dâu chú rể đội dế lên đầu” như trong câu ca nọ. Thú vui lớn nhất của bọn trẻ con là tranh nhau cướp pháo, lăn xả, liều lĩnh và trong sáng.

Quay lại chuyện pháo Tết giao thừa. Tôi nhớ mãi, năm nào sáng mồng Một, cũng có gia đình phải đạp xe ra đồng tìm chó. Năm nào cũng vậy, nhưng dường như niềm vui đón Tết khiến nhiều người bỗng “đoảng” mà quên xích chó lại hoặc nhốt vào chỗ kín. Cả xóm pháo nổ ran trời, nhiều con chó sợ chạy lạc, và gần như hướng duy nhất là phi thẳng ra đồng.

Năm cuối, tôi nhớ mãi trước ngày cấm pháo có hiệu lực, cả xóm tôi cũng rộn ràng lắm. Dường như người ta muốn đốt những bánh pháo hợp pháp cuối cùng trước ngày bị cấm. Chỉ riêng nhà cụ Miêu xóm tôi hồi đó còn có trong nhà đâu chục bánh pháo, cụ đem chia hết cho bọn trẻ. Thế là đêm ấy, pháo nổ ran trời.

Bao năm, tôi vẫn nhớ mãi cái mùi thuốc pháo ngày nào, dù biết rằng, nó chỉ còn là hoài niệm và không còn hợp pháp.

Tin bài liên quan