Ngày Tết Kỷ Hợi một năm trước, cả ba ngày Tết, Dũng đều đi chúc Tết bà con, bạn bè, hàng xóm. Uống rượu bia hơi nhiều nên chiều nào Dũng về nhà đều ngủ một giấc đến sáng. Thế là trôi nhanh mấy ngày Tết. Hôm mồng 4 Tết, bạn hẹn uống cà phê trước khi về TP.HCM làm việc. Chưa được mươi phút, bạn có việc gấp phải về sớm. Mùi Tết đã không còn. Một thoáng cô đơn giữa quán cà phê nội thành Huế khiến lòng người trẻ cảm thấy hụt hẫng.
Tết Mậu Tuất 2 năm trước, lần đầu tiên Dũng tham gia đội thi của phường tại chương trình “Tết Huế” diễn ra ở Bảo tàng Văn hóa Huế. Từ sáng tinh mơ, đội thi 27 phường đã háo hức chuẩn bị nguyên vật liệu. Háo hức là vì bánh nấu chín xong được dành tặng ngay cho người nghèo của Huế. Nên cũng là nguyên liệu gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, lá chuối, lá dong nhưng nồi bánh chưng bánh tét năm đó đong đầy mùi của sự yêu thương.
Tết Đinh Dậu 3 năm trước, lần đầu tiên Dũng lên chùa uống trà xuân. Nước trà xanh được ngâm thêm với đọt trà non hái ngay trong vườn vào sáng sớm. Mùi vị nước trà trong tiết trời Xuân thật thơm ngon, đậm đà, khiến lòng dạ mát mẻ lạ thường. Phải uống từng ngụm, từng ngụm. Để thưởng thức như sợ mất đi mùi vị thanh cao.
Tết Bính Thân 4 năm trước, đó là lần cuối cùng mẹ Dũng nấu nước mắm để ướp thịt heo ăn Tết. Mẹ Dũng nói ngày mồng 1 Tết không ai bán đồ ăn. Mồng 2 Tết trở đi, đồ ăn bán mắc lắm! Nên cứ vào dịp trước Tết vài ngày, mẹ lại đi chợ Cồn gần nhà, mua cỡ một trăm ngàn thịt heo ba chỉ về. Sau đó, một mình mẹ Dũng lúi húi lấy củi nhóm bếp nấu nước mắm. Nước mắm nấu xong mùi thơm phức, mẹ Dũng liền lấy một cái thẩu nhựa to bỏ thịt heo vào ướp. Mùi vị thịt heo ướp nước mắm để ăn 3 ngày Tết thật thơm ngon, đậm đà. Dũng hỏi ba thì biết mẹ giữ thói quen này từ thời chiến tranh và thời bao cấp. Trước năm bảy lăm, ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, gia đình mẹ Dũng ăn Tết chỉ có nước mắm chan với cơm. Mẹ Dũng kể, gia đình mẹ nghèo khổ lắm, ruộng vườn không có, lại bị chế độ cũ áp bức nên 14 tuổi, mẹ Dũng đi du kích xã rồi đi bộ đội C pháo của huyện. Đất nước hòa bình, mẹ Dũng rời quân ngũ vào làm công nhân gạch ngói. Tết về, bà ngoại Dũng và mẹ Dũng có nhà mới do thanh niên xã góp của góp công xây dựng; lại có vườn, có ruộng, có thịt heo ngâm nước mắm ăn.
Tết Ất Mùi 5 năm trước, Dũng nhớ mãi đêm ba mươi Tết cùng người yêu đi xem pháo hoa bắn ở Đại Nội Huế. Nàng tươi cười cùng Dũng tay trong tay dạo khắp phố phường. Giao thừa điểm. Nụ hôn đầu của Dũng và của nàng. Mùi tóc nàng thơm thơm như mùi hoa quỳnh nở trong đêm.
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” - một nhà thơ nổi tiếng đã ví như thế. Mùi tóc thơm nồng của nàng và vị ngọt của đôi môi nàng chính là mùi Tết lan tỏa đê mê khắp lòng Dũng.
Những cái Tết khi chị gái Dũng chưa đi lấy chồng, năm nào chị cũng mua hai món mứt. Đó là món mứt gừng có vị cay cay và món mứt dừa có vị ngòn ngọt. Thích nhất là thẩu cóc dầm. Chị Dũng tự đi chợ mua vài ki-lô-gam cóc về gọt vỏ, rửa sạch, tỉa tót và dầm với đường. Mùi thơm của cây trái thiên nhiên đã khiến ngày Tết có thêm những điều thú vị.
Những cái Tết khi còn ông nội Dũng, ông luôn là người “chỉ huy” con cháu lau dọn sạch sẽ nhà cửa và bàn thờ gia tiên. Đầu tiên, ông “phân công” ba đi mua vôi, chổi quét vôi, sơn và băng-xô về quét nhà, sơn nhà. Cả nhà cùng xắn tay áo dùng bót sắt đánh bay rêu. Mùi rêu ẩm mốc sau đó nhường chỗ cho mùi vôi thơm nồng. Những cây cột gỗ, chiếc tủ thờ, bộ bàn ghế, những cánh cửa cũng thơm phức mùi sơn Bạch Tuyết.
Sau đó, ông “phân công” mẹ Dũng lau chùi bàn thờ gia tiên. Mùi xà phòng ngát hương cả nhà. Rồi đích thân ông thay cát trắng mới mua ở những bát nhang. Hòa quyện mùi nhang, mùi trầm, mùi cát trắng tinh khiết như nhắc nhở không khí Tết đã ùa về trên bàn thờ gia tiên.
Điều nhớ mãi như in, để tiết kiệm, ông luôn bảo con cháu dùng vỏ chanh, tro bếp, khăn lông và nước sạch chà xát bộ lư đồng cho sáng bóng. Mùi đồng, mùi chanh, mùi tro trộn lẫn trong mùi nghèo khó những năm ấy quả là những ký ức khó thay thế trong Dũng.
Cuối cùng, dù nghèo gì đi nữa, ông đều đạp xe lên công viên Thương Bạc đích thân chọn mua một nhành mai vàng để cắm vào bình bông đón Tết. Mùi mai vàng tỏa ngát trong ngôi nhà nhỏ khiến ngày Tết của gia đình Dũng luôn đủ đầy về tinh thần dù còn nhiều thiếu thốn về vật chất.
Huế, ngày cuối năm Kỷ Hợi