Vừa qua, làm việc với ngành chứng khoán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Phải phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, thúc đẩy TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn, để thị trường tiền tệ làm đúng chức năng dẫn vốn ngắn hạn, giảm áp lực vốn ngắn hạn tài trợ cho các hoạt động dài hạn như hiện nay”. Ông có cảm nhận như thế nào?
Đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với ngành chứng khoán gợi lên những vấn đề rất lớn của thị trường vốn, trong bối cảnh vốn vay ưu đãi giảm dần, vốn cấp mới từ ngân sách ep hẹp.
Làm thế nào để ngân hàng làm đúng chức năng là kênh huy động và cho vay vốn ngắn hạn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy, phát triển sản xuất…, không chỉ là mục tiêu, mà còn là yêu cầu trong giai đoạn phát triển kinh tế gắn liền với việc hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ
Dù TTCK đang lớn lên và giúp nền kinh tế huy động lượng vốn đáng kể, nhưng thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng. Lượng vốn huy động trực tiếp qua TTCK chiếm chưa tới 30% so với dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Bức tranh lệch này cần có giải pháp cân đối lại, trong mục tiêu tạo dựng thị trường tài chính (gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ) cân bằng và lành mạnh hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh mục tiêu cải tổ và cổ phần hóa khối DNNN đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về vốn, TTCK cần thể hiện rõ hơn vai trò trung gian luân chuyển vốn để thúc đẩy nhanh tiến trình này.
Mục tiêu trong Chiến lược phát triển TTCK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% vào năm 2020, nhưng hiện tại mới chỉ đạt khoảng 35%. Theo ông, mục tiêu này liệu có đạt được?
Đây là mục tiêu chung, được cụ thể hóa bằng Quyết định số 252/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Thực hiện chiến lược này, cần ý chí quyết tâm thực hiện từ tất cả các bên, từ cơ quan quản lý đến các thành viên tham gia thị trường và các bên có liên quan.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu trên trong buổi làm việc với ngành chứng khoán vừa qua để nhấn mạnh rằng, chặng đường 5 năm tới, còn rất nhiều việc phải làm, phải chạy đua với thời gian mới có thể hoàn thành những mục tiêu cụ thể như tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản, tính hiệu quả của TTCK; nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian thị trường và các tổ chức phụ trợ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cho các trung gian tài chính nước ngoài theo lộ trình cam kết. Điều này mang lại sự cạnh tranh gay gắt, nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho phát triển thị trường nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể những bước cần phải đi là như thế nào, theo ông?
Để đạt được mục tiêu đó, cần phải được thực hiện bằng nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Trong đó, vấn đề cần lưu ý là phải quyết liệt hơn trong công tác cổ phần hóa, đổi mới, sắp xếp các DNNN và đưa DN lên sàn chứng khoán nhằm gia tăng chất lượng hàng hóa, nâng dần mức vốn hóa của thị trường theo mục tiêu đã đề ra.
Thời gian qua, việc đưa các DN cổ phần hóa lên sàn gặp khá nhiều vướng mắc. Do đó, cần có thêm giải pháp, chế tài để thúc đẩy hoạt động này, chẳng hạn mở rộng phạm vi cổ phần hóa, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, cho phép phát hành dưới mệnh giá...
Riêng với khối ngân hàng, cần bắt buộc lên niêm yết, không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh, minh bạch, mà còn tạo ra sự kết nối chặt chẽ hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cần sớm ra mắt các sản phẩm mới trên thị trường để nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn, đa dạng hóa danh mục, giảm rủi ro, củng cố niềm tin vào thị trường.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, để tạo ra diện mạo mới cho TTCK, phải tạo sự tự do hơn nữa đối với các hoạt động trên thị trường, hạn chế hình sự hóa đối với các hình thức kinh doanh, đề cao vai trò kiểm tra, kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đồng thời, gắn liền hoạt động của TTCK với các bộ, ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia.
Thực tế cho thấy, trong một thời gian dài, có sự thiếu nhất quán trong việc phối hợp thực hiện chính sách giữa cơ quan quản lý TTCK với một số cơ quan liên quan, dẫn tới sự biến động không đáng có của thị trường, không phản ánh được giá trị thực của các cổ phiếu niêm yết. Do đó, cần hạn chế tối đa tình trạng này, để thị trường có thể phát triển tự nhiên, ổn định trong dài hạn.