Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay cũng không còn tuân theo quy luật quý sau tăng cao hơn quý trước. Thưa ông, điều đó cho thấy, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6 - 6,8% rất khó khăn?
Quý II/2019, GDP tăng trưởng 6,71%, thấp không đáng kể so với mức tăng 6,73% của cùng kỳ năm 2018 và vẫn là năm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011, ngoại trừ năm 2018. So với tốc độ tăng trưởng 6,79% của quý I năm nay, thì tốc độ tăng trưởng quý II cũng thấp hơn không nhiều, nhưng đúng là tăng trưởng kinh tế không còn tuân theo quy luật quý sau tăng cao hơn quý trước.
Tuy nhiên, đây không phải là năm đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế “bất tuân quy luật” quý sau tăng cao hơn quý trước, mà năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP quý I rất cao (tăng 7,45%), nhưng sang quý II sụt giảm mạnh (tăng 6,73%), sang quý III phục hồi nhẹ và quý IV tăng trưởng 7,31%.
Kết quả của GDP quý sau không tăng cao hơn quý trước như những năm trước đây là GDP năm 2018 tăng 7,08% - đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Như vậy, tốc độ tăng trưởng quý II năm nay chỉ giảm nhẹ so với quý I là không đáng ngại và hoàn toàn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6,6 - 6,8% như mục tiêu Quốc hội đặt ra, thậm chí đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,8% như Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Nhưng so với kịch bản tăng trưởng đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, thì tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn chưa đạt, thưa ông?
Để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,8%, Nghị quyết 01/NQ-CP đưa ra kịch bản là quý I tăng trưởng 6,93%, quý II tăng 6,7% và 6 tháng đầu năm tăng 6,8%. Như vậy, so với kịch bản, quý II tăng trưởng cao hơn và 6 tháng đầu năm gần đạt mục tiêu (6,76% so với 6,8%). Nếu không tính năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn hẳn so với cùng kỳ kể từ năm 2011.
Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thì đạt được tốc độ tăng trưởng 6,76% trong 6 tháng đầu năm là một kỳ tích. Với đà này, việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6,8% có lẽ không quá khó khăn.
Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, hạn hán đang diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung khiến ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,3% so với mức tăng 3,07% của cùng kỳ năm 2018. Thưa ông, liệu có lạc quan quá không khi cho rằng, năm nay GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6,8%?
Theo tính toán, nếu ngành chăn nuôi lợn giảm 10%, thì toàn ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm 1%. Trong trường hợp xấu nhất là ngành chăn nuôi lợn năm nay giảm đến 30%, thì toàn ngành nông nghiệp giảm 3%. Toàn ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 13,55% vào GDP, nên cho dù kịch bản xấu nhất xảy ra, thì tác động lên tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế cũng không lớn.
Điều đáng mừng là xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm đạt cao nhất từ trước đến nay, với kim ngạch lên đến 2 tỷ USD. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, việc tập trung phát triển sản xuất rau quả hoàn toàn bù đắp được những thiệt hại do hạn hán và dịch tả lợn châu Phi.
Khu vực dịch vụ đóng góp 42,2% vào GDP, gấp hơn 3 lần lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm, toàn bộ khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,69% và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Chỉ cần khu vực dịch vụ tăng 0,3% thì hoàn toàn bù đắp được sự sụt giảm của ngành nông nghiệp trong trường hợp xấu nhất.
Công nghiệp chế biến - chế tạo là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành giữ vai trò chủ đạo này đã có dấu hiệu hụt hơi khi tốc độ tăng trưởng quý II giảm so với quý I và 6 tháng đầu năm nay thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018. Theo ông, điều này có đáng lo ngại?
Mặc dù tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý II chỉ còn 10,9% thay vì mức tăng 11,52% của quý I, nhưng 6 tháng đầu năm vẫn tăng 11,18% (cùng kỳ tăng 12,7%,) vì vậy có thể khẳng định, công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn là điểm sáng của nền kinh tế. Minh chứng rõ nhất là có tới 83,5% số doanh nghiệp trong ngành này cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II ổn định và tốt hơn quý I; 88,6% số doanh nghiệp dự báo, hoạt động trong quý III ổn định và tốt hơn quý II.
Theo ông, đâu là những cơ sở để khẳng định, năm nay hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6%?
Thứ nhất, ngành công nghiệp khai thác trong 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 1,78%, sau nhiều năm liên tiếp giảm mạnh kể từ năm 2016.
Thứ hai, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%, trong 6 tháng đầu năm mới tăng 6,22%, nên dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn.
Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay vẫn rất chậm, cộng thêm vốn đầu tư công năm 2018 chưa giải ngân hết được tiếp tục giải ngân cho đến ngày 31/12/2019, nên dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn.
Thứ tư, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào các cải cách thể chế, thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh… tiếp tục gia tăng. Minh chứng rõ nhất là vốn đầu tư của khu vực này vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay tăng 17,7%. Vốn đầu tư của khu vực tư nhân hiện chiếm 44% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và ngày càng gia tăng. Khi khu vực này mở rộng đầu tư sẽ kích hoạt tất cả các ngành nghề, lĩnh vực tăng trưởng.