Mục tiêu tăng trưởng 7% năm 2024 là khả thi

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nếu GDP quý IV tăng 7,5%, thì cả năm sẽ đạt 7%. Mục tiêu này là khả thi, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và kết quả đạt được trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

Thiệt hại do bão Yagi đã được tính toán sơ bộ, ước hơn 80.000 tỷ đồng, nhưng đó chỉ là thiệt hại ban đầu. Hậu quả của bão Yagi còn có thể kéo dài, thưa bà?

Bão Yagi và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương. Theo ước tính sơ bộ, thiệt hại ban đầu do bão Yagi gây ra là hơn 80.000 tỷ đồng.

Thiệt hại hậu bão có thể kể đến là ngân sách nhà nước phải tăng chi để khắc phục hậu quả của bão, khiến các khoản chi khác phải thu hẹp; tăng chi phí dịch vụ xã hội như y tế, chăm sóc sức khỏe; tăng chi phí bảo hiểm xã hội; tăng chi phí di dời, tái định cư cho những hộ dân bị mất nhà cửa; thu nhập của người dân giảm, tác động đến cầu tiêu dùng; sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, bệnh tật phát sinh sau bão; môi trường cảnh quan bị phá hủy cần nhiều thời gian để khắc phục…

Bên cạnh đó, thiệt hại sau bão sẽ làm giảm năng lực sản xuất của nền kinh tế do tài sản bị hư hại, phải mất nhiều thời gian tích lũy để bù đắp, khiến tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại trong một thời gian, đặc biệt với những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão (nông, lâm nghiệp và thủy sản, du lịch) và chịu ảnh hưởng gián tiếp. Đầu tư cho sản xuất có thể bị thu hẹp để bù đắp cho chi phí tái thiết sau bão.

Cụ thể, bão Yagi tác động đến tăng trưởng của các địa phương, các lĩnh vực và toàn nền kinh tế ra sao?

Bão Yagi ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới 26 tỉnh Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Ngoài thiệt hại về người, hậu quả của bão khiến tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tại một số địa phương trong quý III sụt giảm. Một số tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão Yagi tăng trưởng GRDP quý III/2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, như Quảng Ninh chỉ tăng 5,75%, Hải Phòng tăng 7,68%, Thái Bình tăng 6,81%.

Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước quý III/2024 đạt 2,58%, thấp hơn mức tăng 4,3% của quý III/2023 và thấp hơn kịch bản tăng trưởng 0,66 - 0,97 điểm phần trăm.

Ước tính, tăng trưởng GDP quý III đạt 7,4%, trong đó, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá với mức tăng lần lượt là 9,11% và 7,51%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng, đạt 11,41%, đóng góp 2,93 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Tăng trưởng ấn tượng của 2 khu vực này đã bù đắp cho những thiệt hại mà khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phải gánh chịu.

Mặc dù các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Quan điểm của bà thế nào?

Khi đưa ra dự báo có thể nói là lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2024 và cả năm 2025, các tổ chức quốc tế đã có số liệu sơ bộ về thiệt hại do bão Yagi gây ra và cả hệ lụy cần phải khắc phục. Thiệt hại về nông nghiệp, hạ tầng kinh tế, xã hội, tư liệu sản xuất của người dân, doanh nghiệp đã được thống kê, trong đó, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La bị thiệt hại nặng nề nhất. Với các tỉnh còn lại, mức độ thiệt hại nói chung không quá nặng nề.

Do tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của 26 tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão Yagi gây ra chỉ chiếm hơn 20% cả nước, nên không ảnh hưởng quá lớn tới tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước.

Hoạt động công nghiệp tại 26 tỉnh, thành phố cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức độ thiệt hại không lớn, do phần lớn doanh nghiệp đã có kế hoạch chủ động ứng phó với bão lũ. Tại các tỉnh có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng khá tốt.

Nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải kho bãi, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành phải tạm dừng hoạt động do ngập lụt, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng bị phá hỏng, còn các ngành dịch vụ khác vẫn hoạt động ổn định. Tháng 9 không phải thời kỳ cao điểm du lịch, nên khu vực dịch vụ không bị ảnh hưởng quá tiêu cực từ bão.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tiến về đích năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Tổng cục Thống kê đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay thế nào, thưa bà?

Như tôi đã phân tích ở trên, bão Yagi tác động tới nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc, ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng ngành công nghiệp đạt kết quả ấn tượng đã bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực nông nghiệp, các ngành dịch vụ vẫn duy trì mức tăng ổn định, nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều tới kết quả tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Trên cơ sở kết quả kinh tế quý III và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê nhận định, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ở mức 6,5 - 7,0% là khả thi. Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với 63 địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 7%, trong đó, quý IV phấn đấu tăng trưởng 7,5 - 8%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, Thủ tướng đã chỉ rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải bắt tay thực hiện ngay.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, thì quý IV chỉ cần tăng 5,7%; để tăng trưởng cả năm đạt 6,8%, thì quý IV cần tăng 6,76% và để tăng trưởng cả năm đạt 7%, thì quý IV cần tăng 7,5%. Với kết quả tăng trưởng của quý III và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu 7%.

Tin bài liên quan