Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2022 là hoàn toàn khả thi

0:00 / 0:00
0:00
Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư thuộc WB tại Việt Nam dự báo, Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng thời trước đại dịch.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Thưa ông, Quốc hội Việt Nam sẽ họp, thảo luận và thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Với chương trình này và những xu hướng hiện nay, ông có cho rằng, trong năm 2022, Việt Nam có thể một lần nữa phục hồi mạnh mẽ?

Vâng. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ lại một lần nữa vươn lên mạnh mẽ như con hổ châu Á.

Trước tiên, đã có những tín hiệu tăng trưởng tích cực từ cuối năm 2021 và Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 chính là một dấu hiệu tích cực cho thấy, Chính phủ Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình và sẵn sàng triển khai nhiều hoạt động hơn nữa.

Đồng thời, Việt Nam vẫn đang có những thế mạnh và tiềm năng vốn có từ trước đại dịch. Thậm chí, tôi có thể nói, đại dịch phần nào giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình cải cách một số nội dung để có thể vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045. Chính đại dịch đã giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số kinh tế và đó là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng ghi nhận nhiều cải cách hoặc tư duy về cải cách trong lĩnh vực quản lý đầu tư công, phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện nội dung quan trọng này.

Quốc hội Việt Nam gần đây đã đề ra những nhiệm vụ cho năm 2022, trong đó tăng trưởng GDP phải đạt mức 6 - 6,5%. Ông có cho rằng mục tiêu này sẽ đạt được? Bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Có thể dự báo, Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng với điều kiện Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào nữa vì đại dịch Covid-19. Tất nhiên, tôi không thể dám chắc về điều đó. Đó là điều kiện đầu tiên.

Đồng thời, tôi hy vọng rằng, Chính phủ sẽ triển khai kích cầu nền kinh tế thông qua những chính sách về chi ngân sách và chính sách thuế. Nếu thực hiện được các nội dung này, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như trước đây, thậm chí còn có thể mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì Việt Nam có thể bắt kịp thời điểm để quay lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước đại dịch. Do đó, tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tất nhiên với 2 điều kiện: Chính phủ kiểm soát tốt chính sách tài khóa và nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì đại dịch Covid-19.

Vậy theo ông, đâu là những rào cản khiến Việt Nam có thể không đạt được những mục tiêu này? Đâu là những rủi ro cho bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022?

Tôi nghĩ rằng, rủi ro lớn nhất là rủi ro về dịch bệnh. Không ai có thể dự báo trước được GDP sẽ giảm sâu trong quý III/2021, nên tôi cũng không thể biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra với Việt Nam, cũng như với thế giới. Gần đây, chúng ta cũng bắt đầu nói về biến thể Omicron và chưa thể biết được biến thể này sẽ gây ra những tác động như thế nào. Biết đâu, có thể sẽ có những làn sóng dịch bệnh lớn hơn trong những năm tới đây.

Bên cạnh đó, cho dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thì cũng không thể phủ nhận sự tồn tại những rủi ro về kinh tế. Việt Nam là một nền kinh tế mở cửa, nên nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Có thể thấy, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu và sự trầm lắng của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam, bởi vì xuất khẩu sẽ sụt giảm. Đó là một trong những rủi ro, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc.

Một rủi ro nữa là vấn đề lạm phát, nhưng hầu hết là lạm phát nhập khẩu, như giá dầu tăng cao ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa và có thể thấy tất cả những điều đó được phản ánh qua tỷ lệ lạm phát của Việt Nam. Đó là sự kết hợp của 2 yếu tố: giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao, trong khi giá hàng hóa trong nước vẫn không tăng do cầu thấp hơn cung.

Đây là vấn đề tất nhiên, khi cung cao hơn cầu thì giá sẽ không tăng. Nhưng hãy giả định trong trường hợp cầu sẽ tăng lên, vì chúng ta muốn có tăng trưởng, thì tới một lúc nào đó, nó cũng sẽ gây ra lạm phát hàng hóa trong nước, nhưng ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, còn phải chờ xem, cũng có thể sẽ có sự cộng hưởng giữa việc tăng giá các hàng hóa nhập khẩu và việc tăng giá hàng hóa trong nước, từ đó dẫn tới lạm phát tăng cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát lạm phát thận trọng hơn so với 2 năm qua.

Người ta hay cho rằng, rủi ro thường cũng đi đôi với cơ hội. Vậy theo ông, đâu sẽ là cơ hội đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022?

Có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam từ trước tới nay và Việt Nam rất giỏi trong việc nắm bắt cơ hội.

Cơ hội đầu tiên là trong lĩnh vực xuất khẩu. Xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia trên thế giới, vào vốn đầu tư nước ngoài, vì 80% doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta có thể thấy sức hút lớn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có thể kết hợp từ nhiều nguyên do.

Trước hết, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có sức hút lớn, lao động có chi phí thấp và làm việc chăm chỉ, hiệu quả. Việt Nam cũng có các cơ chế ưu đãi thuế, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Đại dịch Covid-19 cho thấy, chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá cho việc đa dạng hóa, nên nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển tới Việt Nam với mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy, có thể nói, Việt Nam đang tận dụng tốt xu hướng đa dạng hóa này. Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ kinh tế xanh, kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Chẳng cần đi đâu xa, ngay ở Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm đáng báo động, hay Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động từ việc nước biển dâng cao.

Do đó, Việt Nam là một trong những nạn nhân của biến đổi khí hậu, song Việt Nam cũng có thể tận dụng chính cơ hội này. Chẳng hạn, năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã triển khai trợ giá cho năng lượng mặt trời, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mặt trời và khu vực tư nhân Việt Nam đã phản hồi rất tích cực. Trong 8 tháng năm 2020, tổng mức đầu tư của Việt Nam vào điện mặt trời cao hơn tổng mức đầu tư của toàn bộ các quốc gia khác trong ASEAN, hay toàn bộ châu Phi.

Đó là một ví dụ cho thấy, Việt Nam có tiềm năng về phát triển năng lượng sạch, bởi Việt Nam có thể nhân rộng kịch bản đã thực hiện với năng lượng mặt trời sang năng lượng gió, pin và các sản phẩm xanh khác. Điều này cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Có thể nói, đây là một thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, còn có những lĩnh vực nào sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Trong ngắn hạn, các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng sẽ vẫn là xuất khẩu và chuyển đổi sang kinh tế xanh. Trong trung hạn, một yếu tố đã từng xuất hiện từ trước đại dịch Covid-19 là nhu cầu trong nước. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và khi Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, thì nhu cầu trong nước sẽ được đẩy mạnh hơn.

Nếu nhìn lại yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn trước đại dịch, chúng ta thấy, đó là sức mua của tầng lớp trung lưu kết hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp lớn trong nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Tôi tin rằng, sự chuyển dịch từ nhu cầu nước ngoài sang nhu cầu trong nước và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục kích thích sự tăng trưởng về cả cung và cầu ở Việt Nam. Nhu cầu trong nước tăng mạnh sẽ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tin bài liên quan