Ứng dụng công nghệ mới để thay đổi phương thức kinh doanh, thu hút khách hàng mới, đồng thời thắt chặt mối quan hệ với khách hàng truyền thống nhằm giữ vững tốc độ phát triển nhanh, hiệu quả dẫn đầu là công việc MB đặt ra năm 2015.
Kết thúc quý I/2015 với những tín hiệu khả quan hơn của nền kinh tế, một số chuyên gia dự báo, GDP năm 2015 có thể tăng đến 6,5%. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo thống kê cho thấy, nền kinh tế đang có sự khởi sắc khi nhiều chỉ số kinh tế trong quý I năm nay có sự cải thiện, đặc biệt, GDP tăng 6,03%, là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tổng cầu trong nền kinh tế được cải thiện, tăng trưởng trong các khối nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều khả quan hơn.
Sự khởi sắc của nền kinh tế trong quý I năm nay, theo tôi, là kết quả tất yếu từ sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành nền kinh tế của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các bộ, ngành hướng nền kinh tế vào các mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay từ cuối năm 2014 đã đặt ra giải pháp rõ ràng, mục tiêu cụ thể về tăng trưởng tín dụng, về các lĩnh vực trọng tâm cần hỗ trợ vốn, về chỉ tiêu giảm nợ xấu, giữ ổn định tỷ giá...
Sự quyết liệt này thúc đẩy từng chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là các ngân hàng, phải chuyển động quyết liệt theo guồng máy chung, góp sức thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn của Việt Nam năm 2015 này.
Gần đây, một số cơ quan, tổ chức đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng GDP năm nay của Việt Nam có thể vượt lên để đạt mức tăng 6,5%. Tuy nhiên, dù nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng cao, nhưng thực tế “sức khỏe” còn yếu, số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản vẫn nhiều.
Giống như cơ thể sống, nền kinh tế Việt Nam mới trải qua cơn ốm nặng, việc phục hồi cần lộ trình, cần thời gian, trong đó, tính ổn định, tính bền vững cần đặt ra như mục tiêu số 1, chứ không phải tăng trưởng cao, nhưng kém bền vững. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều biến động khó lường và chưa thực sự khởi sắc. Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, mục tiêu GDP tăng quanh mức 6,2% là hợp lý.
Trong bối cảnh trên, xin ông bình luận về các mục tiêu mà NHNN đặt ra? Với MB, mục tiêu chính năm 2015 là gì?
Tôi cho đó thực sự là thách thức lớn, đặc biệt là mục tiêu giảm nợ xấu. Làm thế nào để giảm nợ xấu của toàn ngành về dưới 3% trong khi các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ xấu theo quy chuẩn mới (Thông tư 02 và Thông tư 36/2014/TT-NHNN) và theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, nợ xấu Việt Nam hiện ở mức trên 6% là một bài toán hóc búa. Để giải bài toán này, NHNN đã có giải pháp quyết liệt, như giao chỉ tiêu bán nợ cho VAMC hay yêu cầu các ngân hàng xây dựng kế hoạch giảm nợ xấu, để làm sao đến tháng 9 năm nay, các tổ chức tín dụng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu nợ xấu. Trong nỗ lực chung của cả ngành, MB quyết tâm giảm nợ xấu năm 2015 về mức dưới 3%, thậm chí thấp hơn nữa, để góp sức giảm chỉ tiêu chung của toàn ngành.
Về hoạt động tín dụng, mục tiêu chung Chính phủ đặt ra là phải giữ lạm phát ở mức ổn định, nên NHNN đã và sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp cho các ngân hàng, sẽ không có chuyện tăng trưởng tín dụng lên đến 35 - 40% như trong quá khứ. Trong bối cảnh này, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 13 - 15%, đồng thời đẩy mạnh các mảng dịch vụ phi tín dụng, để giữ vững tốc độ tăng trưởng cao và hiệu quả dẫn đầu mà MB đã đạt được trong 3 năm qua. Năm 2015, chúng tôi đặt mục tiêu phát triển thêm 3 triệu khách hàng mới trên nền tảng mối quan hệ hợp tác với cổ đông chiến lược Viettel để cùng phát triển các ứng dụng ngân hàng hiện đại.
Phát triển 3 triệu khách hàng mới có quá thách thức không khi so với những ngân hàng cùng quy mô, MB có ít điểm giao dịch, ít nhân viên hơn và hiện cơ số khách hàng của MB cũng ở mức 3 triệu?
Đúng là so với một số ngân hàng có quy mô tương đương, MB có ít điểm giao dịch hơn, có ít nhân viên hơn, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu phát triển thêm 3 triệu khách hàng mới trong năm nay bằng công nghệ mới, sản phẩm mới, theo một phương thức kinh doanh mới. Nghiên cứu chiến lược phát triển của các ngân hàng lớn trên thế giới cho thấy, việc phát triển mạng lưới khách hàng không nhất thiết phải phát triển các điểm kinh doanh vật lý.
Tại MB, chúng tôi sẽ bước đi bằng hai cách, một là phát triển theo kênh vật lý hợp lý và hai là phát triển hệ thống công nghệ với sự hợp tác của cổ đông chiến lược Viettel. Hiện Viettel có mạng lưới phủ sóng đến từng đơn vị cấp xã trên toàn quốc, có trên 40 triệu thuê bao, nên hợp tác phát triển các sản phẩm ngân hàng điện tử với Viettel, chúng tôi có tham vọng trong tương lai sẽ thu hút 5 - 10 triệu khách hàng mỗi năm. Điều đáng mừng là NHNN đã cho phép áp dụng thí điểm việc chuyển tiền qua điện thoại giữa khách hàng của Viettel và MB.
Chúng tôi đang cùng nỗ lực tạo nên những sản phẩm tiện ích nhất cho khách hàng, để trong tương lai, chỉ bằng điện thoại hoặc những công cụ điện tử thông minh khác, khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của MB một cách an toàn, hiệu quả nhất.
Một trong những mục tiêu mà MB dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông tới đây là tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng. Gần đây có thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) muốn mua 10% cổ phiếu của MB. Xin ông cho biết cụ thể hơn về kế hoạch tăng vốn, tìm cổ đông chiến lược của Ngân hàng?
Với vốn điều lệ hiện tại 11.594 tỷ đồng, chỉ tương đương 500 triệu USD, quy mô vốn của MB còn nhỏ so với Top 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và rất nhỏ so với quy mô vốn của các ngân hàng khu vực. Áp lực cạnh tranh trong nước và cạnh tranh toàn cầu khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang đến rất gần, buộc MB phải tăng năng lực tài chính mới đủ sức giữ vững hiệu quả hoạt động, giữ vững vị thế trong Top 5 khối NHTM tại Việt Nam.
Năm 2015, chúng tôi dự kiến xin tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng, một phần sẽ tăng vốn từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, phát hành cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên và phần khác sẽ dành bán cho nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư tiềm năng mà chúng tôi hướng đến là những tổ chức có thể hợp sức giúp MB phát triển mạnh và bền vững như khối DN quân đội, SCIC hay các định chế tài chính uy tín khác.
Với SCIC, đây là một định chế lớn. Nếu được hợp tác, họ sẽ hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều trong công tác phát triển khách hàng, cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường... Tuy nhiên, việc hợp tác này phải chờ sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Chính phủ. Một số DN quân đội mong muốn trở thành cổ đông lớn của MB, chúng tôi đang trong giai đoạn đàm phán và nếu thống nhất được cũng sẽ phải chờ sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, NHNN và Chính phủ cho phương án hợp tác này.
Ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch tái cấu trúc theo hướng ngân hàng lớn mua lại ngân hàng nhỏ để giảm về số lượng, tăng về chất lượng hoạt động của ngành. MB dường như chưa tìm được ứng viên cho mình, thưa ông?
Trong mấy năm gần đây, MB cũng rất nỗ lực tìm kiếm các ứng viên để tiến hành tái cấu trúc, nhưng một số ngân hàng phù hợp thì họ chưa chọn chúng tôi, một số ngân hàng khác muốn sáp nhập vào MB, nhưng chúng tôi chưa thấy phù hợp. Vì vậy, trước mắt, mục tiêu tái cấu trúc của MB tập trung vào việc thực hiện nghiêm túc việc phân loại nợ xấu theo quy chuẩn NHNN ban hành, giảm nợ xấu về mức thấp để góp sức giảm tỷ lệ nợ xấu chung của toàn ngành.
Tôi muốn chia sẻ thêm rằng, quy chuẩn tính nợ xấu mới của NHNN sẽ khắt khe hơn theo những thông lệ quản trị mới. Chẳng hạn, khách hàng A có quan hệ tín dụng với 3 ngân hàng X, Y, Z, nhưng khi khách hàng A phát sinh nợ xấu tại ngân hàng X, thì cả 2 ngân hàng còn lại đều phải xếp loại khoản vay của A vào nợ xấu. Quy chuẩn mới rất thách thức với hệ thống ngân hàng Việt Nam, vì có thể khiến một số ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng vọt.
Về phía DN, việc phát sinh một khoản nợ xấu có thể chỉ là khó khăn tạm thời, nhưng nếu xếp DN đó vào khối DN có nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có thể khiến DN thêm khó khăn, không tiếp cận được vốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là thông lệ tốt mà ngành ngân hàng cần phải nỗ lực thực hiện. Trong mục tiêu này, tôi từng kiến nghị NHNN cần có sự theo dõi chặt chẽ và nên có lộ trình trong bối cảnh sức khỏe của các DN và cả nền kinh tế còn chưa thực sự hồi phục như hiện nay.