Tín dụng tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Tín dụng tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Mục tiêu chính sách tiền tệ 2014: Khó!

(ĐTCK) Năm 2013 sắp kết thúc, nhưng mục tiêu cụ thể của chính sách tiền tệ cho năm 2014 vẫn chưa định hình. Tín dụng, tỷ giá, tái cấu trúc ngân hàng… vẫn ngổn ngang.  

Mục tiêu chính sách tiền  tệ 2014: Khó! ảnh 1

Tín dụng tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Tín dụng: bài toán khó

Tại Hội thảo, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh: “Tín dụng năm nay không đạt được 12% thì khả năng phục hồi kinh tế trong các năm sau là khó. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng, nhưng phải đảm bảo chất lượng”.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính cho rằng, ngân hàng đã làm hết cách để có thể cho DN vay, bởi đó cũng là nguồn sống của ngân hàng, nhưng không nên cố đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 và coi đó là mức để đánh giá thành tích.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm không được nới lỏng tiền tệ, thì tín dụng tăng 10% là hợp lý. Điều quan trọng, tín dụng của Việt Nam không chỉ là con số, mà là vấn đề về chất lượng.

“Hiện chúng ta đang xử lý nợ xấu, nhưng cái lo hơn nhiều là đừng để nợ xấu mới phát sinh. 3 đến 6 tháng nữa, nợ xấu sẽ phình to nếu hạ chuẩn hay nới lỏng điều kiện tín dụng”, TS. Ánh cảnh báo.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng 12% cho năm 2013 đưa ra từ đầu năm là định hướng trung gian để qua đó đạt mục tiêu cuối cùng là góp phần ổn định lạm phát. Mục tiêu này có thể được cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện chưa có chỉ tiêu tín dụng cho năm 2014.

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng năm nay chỉ cần tăng 9 - 10%, nếu đảm bảo chất lượng.

 

Tỷ giá: còn nhiều câu chuyện

Về chính sách điều hành tỷ giá, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ nay đến cuối năm, NHNN không cần chủ động, mà chỉ cần thị trường có những thay đổi gì thì sẽ điều hành nương theo đó, bởi dự trữ ngoại hối đang dồi dào, cán cân thương mại thặng dư, NHNN vẫn đang liên tục mua vào ngoại tệ…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, có rất nhiều áp lực trong điều hành tỷ giá, do nạn đầu cơ, tâm lý kỳ vọng của thị trường và đặc biệt là sự mất cân đối cung cầu trên thị trường ngoại tệ. Nếu sự mất cân đối này xuất phát từ các nguyên nhân sâu xa của nền kinh tế mà không có sự điều chỉnh, NHNN buộc phải bán ngoại tệ can thiệp, có thể gây cạn kiệt dự trữ ngoại hối.

Trong khi đó, tỷ giá vừa là công cụ, gánh nhiều yêu cầu của chính sách như tăng dự trữ ngoại hối, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn. Có những thời điểm, tỷ giá chính là mục tiêu điều hành, buộc giữ ổn định để hỗ trợ chính sách tiền tệ và ổn định vĩ mô. Do vậy, nhà quản lý phải cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đưa ra chính sách điều hành tỷ giá.

Theo ông Huy, điều hành tỷ giá cứng quá có thể làm ảnh hưởng khả năng cạnh tranh, xuất khẩu của các DN Việt Nam. Về vấn đề linh hoạt hóa tỷ giá, đây không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà là vấn đề chung của các nước đang phát triển.

“Tỷ giá hối đoái còn nhiều câu chuyện lắm”, TS. Phước đưa thêm nhận định.

 

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: vẫn ngổn ngang

Hiện có 8/9 ngân hàng yếu kém đã hoàn thành bước đầu lộ trình cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt. Tuy nhiên, NHNN vừa xác định thêm 2 ngân hàng TMCP và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém.

Bên cạnh đó, nợ xấu đang có diễn biến phức tạp. “Nếu không cải thiện căn bản về chuẩn mực đạo đức, tính minh bạch, cẩn trọng trong hệ thống an toàn, xóa xong món nợ này, vài năm sau lại xuất hiện nợ xấu mới giống như những gì đã xảy ra trong năm 2003 - 2004, thì nền kinh tế Việt Nam vừa loay hoay vượt qua điểm đáy này sẽ lại rơi vào điểm đáy khác”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nhấn mạnh.

Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2013 giảm khá mạnh so với cuối năm 2012 (8,82%), nhưng xét con số tuyệt đối lại tăng không nhỏ, lên mức 142.330 tỷ đồng.

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, song song với xử lý nợ xấu, cần xem xét tăng trưởng cơ cấu vốn của các ngân hàng. Từng ngân hàng tại Việt Nam phải nâng cao nhận thức, chính sách về quản lý rủi ro, bởi nhiều ngân hàng cho vay không dựa trên dòng tiền kinh doanh của khách hàng, mà dựa nhiều ở tài sản đảm bảo.         

>> HSBC: Nợ xấu kìm hãm tăng trưởng tín dụng

>> Chính sách tiền tệ chưa qua thách thức

>>Quý II/2014, chuyển thanh toán TPCP về NHNN

>>Chuyển thanh toán trái phiếu về NHNN, bao giờ?

>>NHNN và ADB ký hiệp định tài chính trị giá 249 triệu USD