Tiền dồi dào, cho vay tăng
Thời điểm 31/3/2015, tổng tiền và tương đương tiền của Top 10 CTCK đạt 10.606 tỷ đồng (xem bảng), giảm nhẹ 274 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tiền của NĐT là 5.317 tỷ đồng, tăng 116 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ký quỹ đạt 10.150 tỷ đồng, tăng 1.202 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong Top 10 CTCK, có 6 công ty có số dư nợ cho vay margin đạt trên 1.000 tỷ đồng, SSI dẫn đầu với số dư nợ cho vay 2.232 tỷ đồng. Đặc biệt, tại VNDS và SHS, số dư nợ cho vay ký quỹ tăng hơn 70% so với thời điểm đầu năm.
Tiền cho vay đến từ đâu?
Theo tìm hiểu của ĐTCK, nguồn tiền mà các CTCK cho NĐT vay giao dịch margin trước hết là nguồn vốn tự có của công ty.
Danh mục cho vay các cổ phiếu bằng nguồn vốn này phải đảm bảo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), theo danh mục cổ phiếu được cho phép, tỷ lệ margin không quá 50%. Nguồn tiền giao dịch margin thứ hai là CTCK đứng ra làm trung gian giúp NĐT ký hợp đồng vay vốn ngân hàng.
Với cách này, NĐT có thể được vay với tỷ lệ cao hơn (có thể dưới các sản phẩm như Margin+), hoặc giải ngân vào một số cổ phiếu không đủ điều kiện được phép giao dịch margin của UBCK.
Nguồn tiền margin thứ ba là ngân hàng trực tiếp cho CTCK vay để CTCK cho NĐT vay lại. Để có nguồn vốn này, CTCK phải cầm cố tài khoản tự doanh của công ty.
Thông tư 36 “siết” ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán nên các CTCK tập trung sử dụng vốn tự có để cho NĐT vay giao dịch margin. Trên thực tế, nhiều CTCK đã có sự chuẩn bị nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động đầu tư của khách hàng từ trước khi Thông tư 36 có hiệu lực.
Tại SSI, trong quý I/2015, Công ty đã tăng vốn chủ sở hữu lên gần 735 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 2,3 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên và 71,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành 20% từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nâng vốn điều lệ từ 3.358 tỷ đồng lên hơn 4.273 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, SSI hoàn thành 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng số tiền huy động được là 800 tỷ đồng, bổ sung đáng kể nguồn vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Đối với VNDS, tính đến cuối quý I/2015, khoản dư nợ cho vay margin của Công ty tăng gần 75%, từ 692 tỷ đồng lên 1.209 tỷ đồng. Để bổ sung cho nguồn vốn hoạt động kinh doanh, trong kỳ, VNDS tăng khoản vay nợ dài hạn gần 326 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2014, VNDS hoàn tất việc tăng vốn thêm gần 550 tỷ đồng bằng việc chào bán gần 55 triệu cổ phiếu ra công chúng, nâng vốn điều lệ lên gần 1.550 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ 2015 mới đây, VNDS đã thông qua phương án phát hành trái phiếu và cổ phiếu, với tổng giá trị phát hành trong từng năm tối đa là 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, với những CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau, dù phần nào mất đi lợi thế từ việc hỗ trợ vốn của ngân hàng mẹ, nhưng hoạt động cho vay ký quỹ tại những đơn vị này cũng không vì thế bị hạn chế.
Đơn cử, SHS, kết thúc quý I/2015, tiền và tương đương tiền giảm gần 400 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng số dư ký quỹ tăng mạnh, từ 664 tỷ đồng lên 1.135 tỷ đồng.
Có thể nói, Thông tư 36 ít nhiều tác động tới thị trường trong ngắn hạn, khi một số CTCK nhỏ khó tiếp cận các nguồn lực tài chính từ ngân hàng thương mại, dẫn đến nguồn vốn cho TTCK suy giảm. Tuy nhiên, các CTCK lớn đa dạng hóa nguồn vốn, thực hiện huy động vốn từ phát hành trái phiếu và cổ phiếu để hỗ trợ hoạt động đầu tư của khách hàng.
Điều này được phản ánh qua cơ cấu doanh thu quý I/2015 của các CTCK khi doanh thu từ hoạt động ký quỹ tăng đáng kể: doanh thu dịch vụ ký quỹ của VNDS tăng hơn 3 lần, từ 7,8 tỷ đồng lên hơn 25 tỷ đồng; doanh thu ký quỹ của SSI cũng tăng gần gấp đôi, từ 35,69 tỷ đồng lên 67,7 tỷ đồng…