Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 5/2015, Mỹ có tổng cộng 742 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đăng ký trên 11 tỷ USD. Trong hoạt động đầu tư gián tiếp, TTCK Việt Nam hiện thu hút gần 1.000 nhà đầu tư Mỹ, trong đó có khoảng 600 nhà đầu tư tổ chức.
Để thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại New York do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì, sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 tới. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt Nam gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư lớn, trong nỗ lực thu hút mạnh hơn dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam.
Việt Nam tự tin với bức tranh kinh tế sáng dần
Sau 30 năm đổi mới nền kinh tế, 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế đang phát triển, với thu nhập ở mức trung bình. Cuộc khủng hoảng xuất phát từ bong bóng tài sản trên thị trường tài chính Mỹ năm 2008, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, nhưng hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng hồi phục, để trở lại đà tăng trưởng cao vốn có.
Báo cáo ngày 24/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 5 năm qua, tức là kể từ năm 2010. Nhiều chỉ tiêu kinh tế có diễn biến tích cực, như lạm phát được kiềm chế (6 tháng đầu năm nay CPI tăng 0,55% so với năm 2014), thị trường ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm… Đây là những yếu tố thuận lợi cho đà tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam nhận định, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay rất đẹp, là điểm tựa để tin vào khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2015, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2%.
Quan sát sự chuyển động của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… đã đưa ra nhận xét rằng, Chính phủ thực thi nhiều nỗ lực cải cách và nếu thực thi tốt, kinh tế Việt Nam sẽ có tương lai sáng lạn. Ngân hàng ANZ mới đây đã phát đi báo cáo với nhận định, kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và sự phục hồi sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2015 và 2016. ANZ cho rằng, Việt Nam đang trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh sức hấp dẫn từ việc trên đà trở lại mức tăng trưởng cao, với GDP có thể đạt trên 7%/năm, Việt Nam đang có sức hấp dẫn hơn nhiều nền kinh tế khác xuất phát từ quyết tâm cổ phần hóa DNNN của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội thảo vai trò của TTCK trong nền kinh tế hôm 15/5 mới đây, ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ khẳng định, cổ phần hóa DNNN, Chính phủ không còn đặt mục tiêu cao nhất là thu hồi vốn, bán giá cao, mà mục tiêu cao nhất là chuyển đổi DNNN thành DN đa sở hữu, để từ đó đổi mới chất lượng quản trị, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN, góp sức nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo mục tiêu này, các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ được tạo điều kiện và mời gọi làm cổ đông chiến lược của các DNNN Việt Nam.
Một thông điệp đáng chú ý khác được ông Nguyễn Trọng Dũng chia sẻ là : "Nếu không giữ lớn, thì Chính phủ sẽ không cần giữ cổ phần tại DN sau tái cấu trúc". Theo đó, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, ngoài một số lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư lớn (Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định tiêu chí DN mà Nhà nước cần nắm giữ 65% trở lên hoặc 100% vốn), còn lại sẽ bán tiếp và bán hết phần vốn Nhà nước tại các DN hiện hành.
Trong nỗ lực thu hút nhà đầu tư tham gia tái cấu trúc DNNN, tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo Thông tư bán đấu giá cổ phần theo lô. "Nếu quy chế này được thực thi, tôi tin các DNNN sẽ tìm được cổ đông lớn, cổ đông đủ năng lực để đổi mới chất lượng quản trị, chứ không đến nỗi lo ngại cổ đông lớn không vào", ông Dũng nói.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa gần 300 DNNN từ nay đến cuối năm 2015. Áp lực rất lớn, nhưng cơ hội với các nhà đầu tư chiến lược cũng rất lớn. Vấn đề là làm sao hiểu được "khẩu vị" của họ, giới thiệu đến họ cơ hội phù hợp để "se duyên" cho mối quan hệ đặc biệt này.
Mục sở thị "khẩu vị" của nhà đầu tư Mỹ
Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, tháng 4/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ và có cuộc nói chuyện trực tiếp với nhà đầu tư tại Mỹ về cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Được biết, tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo nhiều DN lớn như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam…
Các DN đi cùng đoàn mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đủ tầm và chia sẻ, họ muốn tìm hiểu "khẩu vị" của nhà đầu tư Mỹ, để hoàn thiện chính mình, từ đó tăng sức hấp dẫn các dòng vốn lớn tìm đến DN.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ có gần 100 tổ chức đầu tư Mỹ đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư, tìm cơ hội ở Việt Nam. Dự kiến, hai tỷ phú người Mỹ, ông Wilbur L.Ross, JR.-WL Ross & Co. và ông Phillip A Falcone, Chủ tịch Quỹ Harbinger, sẽ có bài thuyết trình trước các nhà đầu tư Mỹ về lý do nên đầu tư vào Việt Nam.
Lãnh đạo một số tổ chức tài chính tham gia Đoàn, như VinaCapital, HSC, Citibank, Dragon Capital, Quỹ Harbinger… cũng sẽ có chia sẻ những cơ hội đầu tư đáng quan tâm đến nhà đầu tư Mỹ.
Liên quan đến TTCK, cách đây 2 tuần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố dự thảo 2 văn bản quan trọng, đó là dự thảo Quy chế cho phép nhà đầu tư cùng mua - bán cổ phiếu trong ngày và dự thảo giảm thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán từ T+3 xuống còn T+2.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, những cải tiến này nằm trong nỗ lực cải tiến TTCK theo tiêu chuẩn của TTCK hiện đại. Cũng theo ông Sơn, ngành chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực xây dựng TTCK phái sinh, dự kiến sẽ mở cửa hoạt động vào năm 2016, sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, đáp ứng nhu cầu đầu tư của những tổ chức chuyên nghiệp.
Cùng với đó, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015 và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 58/2012/NĐ-CP đang được trình Chính phủ, có điều khoản không hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài trong công ty đại chúng, ngoại trừ DN thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là những cải tổ pháp lý quan trọng, làm tăng sức hấp dẫn các dòng vốn ngoài biên giới quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cho biết, các nhà đầu tư Mỹ hiện sở hữu khoảng 1 tỷ cổ phiếu trong tổng số hơn 60 tỷ cổ phiếu đang lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Gần 600 tổ chức đầu tư Mỹ đã tham gia TTCK Việt Nam, nhưng chủ yếu là những quỹ đầu tư quy mô vừa và nhỏ, với mức độ tham gia sở hữu ở DN Việt Nam còn rất hạn chế. So với vị thế số 1 của nền kinh tế của Mỹ, khoản đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam còn quá nhỏ, xét trên cả kênh đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.
Trong mảng đầu tư trực tiếp, Tập đoàn Intel đang dự kiến chuyển các hoạt động sản xuất từ một số thị trường lân cận sang Việt Nam. Nếu Intel thực hiện dự định này, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào nước ta sẽ tăng rất mạnh. Trong mảng đầu tư gián tiếp, việc Chính phủ nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DNNN và TTCK đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Mỹ.
Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì đầu tháng 7 kỳ vọng sẽ tạo nên một dấu ấn đẹp, thu hút sự quan tâm của những quỹ đầu tư lớn tại Mỹ, thúc đẩy dòng vốn lớn chọn Việt Nam.
ĐTCK sẽ thông tin về Hội nghị này trong các số báo sau.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng " Việt Nam được nhiều tổ chức tài chính đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng và có khả năng vươn lên trong việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hình ảnh của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ chưa thực sự rõ nét. Do vậy, trong đợt xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, chúng tôi muốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiểu rõ những nỗ lực, những thành công trong quá trình đổi mới nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam là kiên định phát triển kinh tế xã hội theo cơ chế thị trường, cũng như luôn luôn coi trọng và đánh giá cao dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ”. |