Mục sở thị hiệu quả tài chính các quỹ

Mục sở thị hiệu quả tài chính các quỹ

(ĐTCK) Giám đốc một công ty quản lý quỹ trong nước cho biết, mức lợi suất yêu cầu được các quỹ chào cho các khách hàng ủy thác ít nhất sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 1 năm trung bình tại 4 ngân hàng lớn nhất. Mức lãi suất tiết kiệm trong năm qua khoảng 6,5%/năm và nhiều quỹ vượt gấp 3 lần mức sinh lời này, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn rút ròng tiền.

5 quỹ bị NĐT rút ròng

Trong số 13 quỹ nội địa theo khảo sát của ĐTCK, có 5 quỹ có giá trị tài sản ròng (NAV) năm 2015 giảm so với năm 2014. Trong đó, Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) bị NĐT rút ròng 13,22 triệu chứng chỉ quỹ, mặc dù mức tăng trưởng NAV/CCQ của VFMVF4 đạt 19,9%; Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) bị rút ròng 1,727 triệu chứng chỉ quỹ; Quỹ đầu tư giá trị MBCapital (MBVF) bị rút ròng 1,46 triệu chứng chỉ quỹ; Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) bị rút ròng 680.000 chứng chỉ quỹ; Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược -VCBF (TBF) bị rút ròng 32.000 chứng chỉ quỹ.

Các quỹ nội đa phần có NAV trong khoảng 50 - 100 tỷ đồng. Các quỹ của Vinafund là các quỹ có giá trị tài sản lớn nhất, như VFMVF1 có giá trị tài sản 646 tỷ đồng, ETF VFMVN30 có giá trị tài sản 377 tỷ đồng, VFMVF4 có giá trị tài sản 285 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dòng tiền của NĐT đổ vào Quỹ ETF VFMVN30 rất mạnh. Trong năm 2015, ETF VFMVN30 đã hút ròng 17,5 triệu chứng chỉ quỹ, giá trị tài sản ròng tăng 86%. Quỹ này ghi nhận lãi 6,84 tỷ đồng năm 2015, trong khi năm trước đó lỗ gần 15 tỷ đồng.

8 quỹ có giá trị tài sản ròng tăng trên 6%

Trong năm 2015, có 10/13 quỹ nội địa có sự tăng trưởng NAV trên một đơn vị quỹ, trong đó 8 quỹ tăng vượt mức 6%, dẫn đầu là Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF-BCF) tăng 23,37%, tiếp theo là VFMVF4 tăng 19,9%, TBF tăng 19,34%, Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA) tăng 17,5%, Quỹ đầu tư năng động Eastspring Investments tăng 13,4%...

Tính về mức lợi nhuận tuyệt đối, do VFMVF1 có quy mô quỹ lớn (646 tỷ đồng) trong năm 2015 nên Quỹ ghi nhận mức lợi nhuận 99,3 tỷ đồng, tiếp theo là VFMVF4 ghi nhận lợi nhuận 59,5 tỷ đồng, SSI-SCA lãi 21,48 tỷ đồng. Một số quỹ năm 2014 lỗ, nhưng năm 2015 lãi lớn là VCBF - BCF của Công ty liên doanh Quản lý quỹ Vietcombank lãi hơn 17 tỷ đồng (năm 2014 lỗ hơn 2 tỷ đồng), VEOF của VinaWealth lãi 10,7 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ ETF SSIAM HNX30 mô phỏng chỉ số HNX30 do ảnh hưởng của thị trường chung lỗ 22,89 tỷ đồng.

Soi danh mục đầu tư

Kết thúc năm 2015, NAV/CCQ của VFMVF4 đạt 10.762,9 tỷ đồng, trong cả năm 2015, quỹ này đạt 59,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng nhờ phân bổ 25% danh mục vào nhóm ngành ngân hàng, thực phẩm và nước giải khát. Trong đó, VFMVF4 nắm giữ 366.940 cổ phiếu VNM (chiếm 16,34% danh mục), 406.886 cổ phiếu FPT (chiếm 6,84% NAV), 322.278 cổ phiếu VCB (4,92%), 300.933 cổ phiếu VIC (4,78%)…

Ngoài ra, VFMVF4 nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ACB, BMP, CTG, DQC, HPG, SJS, SKG, SSI, TCM, VSC… Mặc dù có kết quả kinh doanh vượt trội, nhưng trong năm qua, VFMVF4 đã bị rút ròng 13,22 triệu chứng chỉ quỹ, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ giảm từ 356 tỷ đồng đầu năm xuống 285 tỷ đồng cuối năm.

Mục sở thị hiệu quả tài chính các quỹ ảnh 2

Đối với Quỹ TBF do Công ty liên doanh Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) quản lý, quỹ này có mức tăng trưởng NAV/CCQ năm 2015 đạt 19,34%, trong đó lợi nhuận ròng thu được là 14,6 tỷ đồng, trong khi năm 2014 lãi hơn 6 tỷ đồng. Danh mục của TBF có 29 cổ phiếu, trong đó VNM chiếm 11,41% danh mục (82.000 cổ phiếu), MBB chiếm 6,21% danh mục (391.000 cổ phiếu), ngoài ra là các cổ phiếu CAV, CTD, FPT, HPG, DHG, TCM, VSC, RAL, PVD…

Quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFMVFB) có NAV tăng 6,32% trong năm 2015, cuối năm đạt 95 tỷ đồng, Quỹ đầu tư 16 chứng chỉ tiền gửi của Công ty Tài chính HDSaison trị giá 16 tỷ đồng, 16.000 chứng chỉ tiền gửi của Công ty Tài chính Ngân hàng VPBank trị giá 16 tỷ đồng và 500.000 trái phiếu, ngoài ra Quỹ gửi ngân hàng hơn 8,6 tỷ đồng.

Quỹ VEOF có giá trị tài sản ròng cuối năm 2015 là 98,32 tỷ đồng, giảm hơn 7 tỷ đồng so với đầu năm, mặc dù hoạt động đầu tư trong kỳ lãi hơn 10,7 tỷ đồng, là do Quỹ bị rút ròng 1,82 triệu chứng chỉ quỹ trong năm.

Danh mục đầu tư của VEOF bao gồm 30,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, giá trị cổ phiếu nắm giữ đạt hơn 68 tỷ đồng (chiếm 68,59% danh mục), trong đó lớn nhất là cổ phiếu FPT (12,81% danh mục) và các cổ phiếu bất động sản như BCI, DIG, NTL, KDH, HBC, ngoài ra là cổ phiếu dược DHG, cổ phiếu ngân hàng MBB.

Quỹ đầu tư cạnh tranh bền vững (SSI-SCA) đạt mức tăng trưởng danh mục 17,5% trong năm 2015, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ đạt hơn 117 tỷ đồng, trong đó 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục tại ngày 31/12/2015 là FPT (9,7%), CTD (8,2%), HPG (7,2%), DBC (7,1%) và ACB (5,3%).

Trong năm 2015, SSI-SCA phân bổ tỷ trọng lớn vào ngành công nghiệp (chiếm 25% NAV), hàng tiêu dùng (18%), tài chính (10%) và viễn thông (9,9%). Cuối năm 2015, Quỹ phân bổ 10,2% vào các khoản tiền và tương đương tiền và 89,8% vào cổ phiếu. Cũng trong năm 2015, SSI-SCA có tổng lợi nhuận 21,48 tỷ đồng, trong đó lãi bán các khoản đầu tư là 4,6 tỷ đồng, lãi chưa thực hiện 12,65 tỷ đồng, còn lại từ các khoản cổ tức và trái tức.

Quỹ MBVF có tổng giá trị tài sản ròng cuối năm 2015 đạt 55 tỷ đồng, giảm 24,3% so với đầu năm do Quỹ đã chi trả cổ tức 7% và bị rút ròng gần 1,5 triệu chứng chỉ quỹ. Tổng lợi nhuận năm 2015 của MBVF đạt gần 4 tỷ đồng. Danh mục của Quỹ phân bổ hơn 49% vào tiền gửi ngân hàng, đầu tư cổ phiếu chiếm 49,65% trong mục, trong đó có 517.970 cổ phiếu Phân bón miền Nam, 535.332 cổ phiếu Gas Petrolimex…

Quỹ đầu tư năng động Eastspring Investments Việt Nam năm 2015 lãi hơn 9,58 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2014, giá trị tài sản ròng đạt 81,78 tỷ đồng, tăng 15,23%. Danh mục của Quỹ bao gồm 10,5% là tiền, 17,02% là trái phiếu chính phủ, 71,03% là cổ phiếu, trong đó cổ phiếu FPT chiếm hơn 10,4%.

Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife trong giai đoạn từ 20/10/2014 đến 31/12/2015 lỗ hơn 7,24 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng đạt hơn 58 tỷ đồng. Danh mục của quỹ này có 15,89% là cổ phiếu VNM, 9,36% cổ phiếu VCB. Quỹ cũng đầu tư vào nhiều mã blue-chips khác như GAS, FPT, CTG, VIC, MBB, HPG…

Mục sở thị các quỹ nội cho thấy sự phân bổ khác đa dạng về hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, điểm khó chung của các quỹ là dù lãi lớn vẫn không hút được dòng tiền lớn “gửi gắm” đầu tư. Ngoài việc ngành quỹ không được ưu đãi thuế, lý do gì khiến NĐT đại chúng chưa chọn quỹ nội là câu hỏi đau đầu của các nhà quản trị quỹ.

Tin bài liên quan