Nhiều yếu tố hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về triển vọng thị trường năm 2024, ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư – Khách hàng cao cấp, Công ty Chứng khoán JB Việt Nam cho rằng, cơ hội thị trường sẽ rất khả quan, từ các yếu tố hỗ trợ tốt.
Cụ thể, dòng vốn mới được kỳ vọng sẽ được đổ vào thị trường mạnh mẽ hơn, do mức nền lãi suất thấp trong nước được dự báo sẽ duy trì đến cuối năm 2024, giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác, từ đó thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư nội.
Cùng với đó, trong bối cảnh CPI Mỹ đang dần được kiểm soát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 (khả năng bắt đầu từ cuối quý I/2024) cũng phần nào tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại sôi động hơn. Từ đó, thanh khoản trong năm 2024 cũng sẽ tích cực hơn nữa.
Ngoài ra, theo ông Nam, với kỳ vọng rằng hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam) có thể “golive” trong năm 2024, mức thanh khoản dự kiến còn bùng nổ hơn nữa khi các vấn đề về nghẽn lệnh được giải quyết triệt để, tốc độ xử lý lệnh được cải thiện và nghiên cứu để từng bước cho phép giao dịch T+1. Nếu sau này nhà đầu tư có thể bán chứng khoán chờ về như tại các thị trường đã áp dụng cho phép bán chứng khoán chờ về như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, giá trị giao dịch bình quân một phiên của các thị trường này trong 5 năm qua đạt xấp xỉ 0,3% tổng vốn hoá thị trường. Con số này thậm chí còn cao hơn với các nước thuộc khu vực châu Á và thị trường mới nổi, đạt 0,42% (với đặc điểm giá trị giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn) trong khi giá trị giao dịch bình quân trên vốn hoá của Việt Nam là 0,23%.
Còn theo ông Phùng Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc, năm 2024 sẽ là năm có nhiều sự thay đổi lớn về chính sách tiền tệ, theo hướng nới lỏng ở hầu hết các nền kinh tế lớn và điều này rất tốt cho Việt Nam. Trong đó, Mỹ sẽ giảm lãi suất, kéo theo đó là các nền kinh tế lớn khác như châu Âu cũng “hoà chung xu hướng”, thay vì vẫn ở mức cao như hiện nay.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng năm 2024 sẽ là 'Mùa Xuân chứng khoán', đến từ các câu chuyện lãi suất giảm, bất động sản sôi động trở lại, chính sách tiền tệ nới lỏng.
Ông Phùng Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc
Theo ông Kiên, sau một năm 2023 xuất khẩu khá kém, bước sang năm 2024, khi chính sách tiền tệ được nới lỏng thì tổng cầu được cải thiện rõ nét trên toàn thế giới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh, cởi trói được xuất khẩu. Mà xuất khẩu được cải thiện, sẽ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, cho thị trường chứng khoán, bởi Việt Nam là quốc gia lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng.
"Mùa Xuân chứng khoán"
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cùng các thành viên thị trường, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đều thống nhất quan điểm rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có “nếp quen” tăng điểm ấn tượng trong quý đầu năm, kể cả trong những giai đoạn thị trường gặp khó. Do đó, góc nhìn chung về triển vọng ngắn hạn trong khoảng quý I và đầu quý II là khá tích cực.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm từ tháng đầu tiên của năm 2024 (là tháng tăng điểm thứ 3 liên tiếp). Bước sang tháng 2/2024, thị trường vẫn diễn diễn biến theo hướng đi lên. Kết phiên 16/2, VN-Index tăng 7,2 điểm, lên mức 1.209,7 điểm; tăng 45 điểm so với cuối tháng 1 (1.164,31 điểm), hứa hẹn một quý thuận lợi, một năm với nhiều điểm sáng”, bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định.
Bà Lan Anh cho biết thêm, từ ngày 1/1 đến nửa đầu tháng 2/2024 là giai đoạn thị trường có khoảng thời gian đan xen giữa Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Giai đoạn này, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân rất muốn chốt lời để nghỉ Tết. Tuy nhiên, nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư lại dựa vào tâm lý này để gom được khối lượng cổ phiếu lớn với mục tiêu trung - dài hạn. Các dấu hiệu của việc “bùng nổ luân phiên trên các phân lớp” và mặt bằng giá được nâng lên một mốc mới theo chiều của chỉ số VN-Index cùng khối lượng tăng dần đều thì việc thị trường tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán hứa hẹn rất cao. Dựa trên các số liệu đã có của các phiên giao dịch tháng 2/2024, rất có thể chỉ số VN-Index sẽ chinh phục mốc 1.250 điểm ngay trong quý I/2024.
Phân tích kỹ hơn, bà Lan Anh cho rằng, với mở màn tăng trưởng trong tháng 1/2024 và bước đầu là phân lớp cổ phiếu ngân hàng đi lên trong nhịp tăng mới này, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng tốt, bền vững và quá trình tăng trưởng này còn kéo dài sang năm 2025, năm 2026.
“Sở dĩ có thể đưa ra dự báo như vậy vì thị trường chứng khoán theo xu hướng đi lên và được nuôi dưỡng bằng các kỳ vọng kinh tế. Kỳ vọng lớn nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam là việc nâng hạng thị trường vào năm 2025 khi đưa vào sử dụng hệ thống KRX và hệ thống bù trừ thanh toán sẽ ra đời vào quý II/2024”, bà Lan Anh nói và cho biết thêm rằng, mục tiêu hiện hữu có thể đạt được là nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, quá trình giảm lãi suất của Fed có thể bắt đầu từ quý II/2024, sẽ giảm áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, cùng các gói kích thích tăng trưởng kinh tế dự kiến được tung ra trong năm 2024 cũng sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Quay trở lại với câu chuyện cơ hội thị trường, theo ông Kiên, khi có những thay đổi lớn về chính sách tiền tệ, thị trường tài chính, chứng khoán sẽ phục hồi rõ nét hơn và tăng giá.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng năm 2024 sẽ là 'Mùa Xuân chứng khoán', đến từ các câu chuyện lãi suất giảm, bất động sản sôi động trở lại, chính sách tiền tệ nới lỏng", ông Kiên nhấn mạnh và cho biết, trong điều kiện như vậy, những ngành nghề như chứng khoán sẽ “bắt sóng” và tăng giá trước tiên. Sau đó là bất động sản, xây lắp, thép, kim loại công nghiệp, bất động sản công nghiệp, ngân hàng…
“2024 là năm các thị trường tài chính thế giới có sự khởi sắc. Do đó, tôi cho rằng VN-Index có thể lấy lại mốc 1.300 điểm ngay trong 6 tháng đầu năm”, ông Kiên lạc quan.
Ngoài ra, ông Kiên cũng cho rằng, năm 2024, các doanh nghiệp tài chính, chứng khoán sẽ tận dụng giai đoạn thị trường tăng giá để thực hiện kế hoạch tăng vốn, sẽ có nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng thực hiện tăng vốn trong năm 2024.
Còn theo ông Nam, bức tranh tổng thể năm 2024 cho thấy, một số nhóm ngành tiêu biểu có thể mang đến cơ hội tốt cho nhà đầu tư là: ngân hàng, thép, điện.
Cụ thể, ngành ngân hàng hưởng lợi từ nhu cầu tín dụng hồi phục, NIM mở rộng, và dòng tiền các doanh nghiệp bất động sản cải thiện trong môi trường lãi suất thấp. Một số ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản, gia tăng thị phần nhờ ưu thế đầu ngành, đã mạnh tay trích lập dự phòng trong giai đoạn 2020- 2023, hoặc đã và đang hoàn thành việc tái cơ cấu.. Ngoài ra, năm nay là năm đầu tiên chính phủ ra chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 15% cho các ngân hàng, điều này tạo ra sự chủ động và linh hoạt cho các ngân hàng trong việc giải ngân mạnh mẽ được dòng tiền ra nền kinh tế.
Với nhóm ngành thép được kỳ vọng sẽ là ngành hồi phục ấn tượng nhất năm 2024. Tuy nhìn về lợi nhuận có lẽ không đạt mạnh như 2021 nhưng kỳ vọng phục hồi rất lớn, phần lớn đến từ biến động của giá thép hồi phục. Đi kèm đó là sự hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công tăng mạnh năm 2023 và còn mạnh nữa trong năm 2024, thống kê cho thấy 30% giá trị xây dựng là từ nhà nước và 70% là từ dân dụng. Đi kèm theo đó là sự ấm lên của dòng bất động sản 2024 cũng là luận điểm đáng chú ý để đầu tư ngành thép.
Còn với nhóm ngành điện cũng được đánh giá là tích cực trong năm 2024 với các động lực chính đến từ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xây dựng (Xuất khẩu tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, trong khi lĩnh vực bất động sản ấm dần lên sẽ là động lực cho ngành xây dựng). Ngoài ra, hiện đang có câu chuyện quy hoạch điện 8 cho năm 2024, sang năm mới điện gió và điện khí sẽ được tập trung đẩy mạnh, từ đó sẽ dẫn đến tổng mức đầu tư vào quy hoạch điện này tăng lên rất mạnh.