Thiếu khách hàng trung thành
Didi Chuxing, có giá trị vào khoảng 56 tỷ USD vào đợt gọi vốn gần đây nhất (cuối năm 2017), hiện đang nắm giữ 80% thị phần thị trường chia sẻ xe tại Trung Quốc. Thị trường này được dự báo có thể đạt giá trị 60 tỷ USD vào cuối năm nay.
Thiếu đi sự cạnh tranh gay gắt từ Uber, Didi hiện đang tập trung vào việc cải thiện lợi nhuận, mà động thái mới nhất là dừng chương trình trợ giá cho người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng của Didi vẫn đang tìm cho mình những chuyến đi với giá rẻ hơn và bắt đầu để mắt tới các ứng dụng mới.
“Thị trường chia sẻ xe tại Trung Quốc là vô cùng lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng vấn đề vẫn nằm ở mức giá. Tại một thị trường như thế này, khách hàng không có sự trung thành đối với Didi”, Jia Mo, chiến lược gia tại hãng nghiên cứu thị trường Canalys nhận định.
Đối thủ xứng tầm
Trong số các doanh nghiệp đang thách thức Didi, Meituan Dianping là đối thủ mạnh nhất, theo Ken Xu, giám đốc hãng đầu tư Gobi Partners, hiện đang đầu tư vào thị trường chia sẻ xe và thương mại điện tử.
Meituan Dianping, do tỷ phú 39 tuổi Wang Xing sáng lập, vốn là một trong những ứng dụng cung cấp dịch vụ địa phương được sử dụng thường xuyên nhất tại Trung Quốc, với 320 triệu người dùng thường xuyên. Công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhà hàng gần nhất và đặt vé xem phim.
Vào đầu tháng 4, Meituan Dianping công bố đã sáp nhập startup Mobike với giá 3,4 tỷ USD, bắt đầu bước chân vào thị trường chia sẻ xe máy, thách thức trực diện với dịch vụ cũng mới được ra mắt của Didi Chuxing. Công ty tuyên bố sẽ dành ít nhất 1 tỷ USD để hỗ trợ tài xế và khách hàng, từ đó tạo động lực tăng trưởng cho lĩnh vực mới nhất này.
“Nếu cuộc chiến giữa Didi và Uber đơn thuần là về dịch vụ chia sẻ xe, thì trận chiến với Meituan lại phức tạp hơn rất nhiều. Bởi đây là đối thủ sở hữu lượng khách hàng nền lớn, có khả năng cung cấp các chuyến xe cùng các dịch vụ online hiện hữu khác, sở hữu lợi thế riêng biệt rất lớn”, Ken Xu nhận định.
Tại Thượng Hải, nơi diễn ra những “giao chiến” đầu tiên, Meituan đã thực hiện được 150.000 chuyến xe ngay ngày đầu tiên ra mắt tại đây, theo số liệu của Công ty. Bên cạnh đó, người phát ngôn của Meituan cho biết, doanh nghiệp này đang kiểm soát hơn 1/3 thị trường chia sẻ xe tại thành phố này, tính theo tổng số lượng chuyến được thực hiện. Trong khi đó, Didi cho biết hiện đang cung cấp hơn 1,5 triệu chuyến xe/ngày tại Thượng Hải.
Trả lời về sức ép từ phía Meituan, Didi Chuxing cho biết, Công ty sở hữu sức mạnh về quy mô, kinh nghiệm ứng xử với nhà quản lý và các vấn đề an toàn, chưa kể sở hữu công nghệ hiện đại hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không hẳn đồng tình với cách nhìn lạc quan này. Mới đây, Didi đã bị chính quyền Thượng Hải phạt 16.000 USD vì thuê lái xe không đáp ứng tiêu chuẩn của thành phố. Theo quy định mới, các phương tiện đăng ký tại Thượng Hải mới được phép vận chuyển khách tại đây, trong khi đa phần xe của Didi là từ các khu vực bên ngoài.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ thị trường nội địa có thể tác động không tích cực tới kế hoạch mở rộng ra toàn cầu của Didi Chuxing. Mới đây, Công ty đã tiến hành thu mua tài sản tại Brazil, Đông Nam Á và công bố kế hoạch tiến vào Mexico. Việc bị phân tâm vì thị trường nội địa có thể làm chậm quá trình mở rộng của doanh nghiệp.
“Trung Quốc hiện vẫn là thị trường vàng của Didi, là cơ sở để Công ty bước ra thế giới. Vì vậy, Didi cần tìm cách chế ngự các đối thủ mạnh như Meituan. Đây là một bài kiểm tra đối với những người lãnh đạo vì những sóng gió là rất lớn ở phía trước”, Jia Mo cho biết.