Theo báo cáo Thương mại điện tử năm 2018 của Công ty đo lường toàn cầu Nielsen, có đến 98% trong số người tiêu dùng truy cập vào internet đã mua hàng trực tuyến, tăng 1% so với cùng kỳ 2017.
Theo đó, thời trang, du lịch, sách và âm nhạc tiếp tục là các ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các giao dịch trực tuyến, với tỷ lệ tương ứng cho từng mục là 59%, 52% và 51%. Đây được đánh giá là danh mục điển hình đối với người mua sắm trực tuyến lần đầu.
Đáng lưu ý trong Báo cáo này, có tới 17% người tiêu dùng đã sử dụng các nền tảng công nghệ để mua các thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với năm 2017, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên kênh thương mại điện tử.
Nếu một vài năm trước, người tiêu dùng mua sắm thông qua các kênh thương mại điện tử tập trung nhiều vào các lĩnh vực như du lịch, thời trang và sách, thì thời gian gần đây, đã có sự gia tăng mua hàng ở các danh mục mới, trong đó thực phẩm tươi sống, trái cây tươi, đồ ăn đã qua chế biến...
Báo cáo của Nielsen cho thấy rằng người tiêu dùng đã cởi mở hơn với việc mua sắm thực phẩm tươi sống và sản phẩm đóng gói trực tuyến khi họ được cung cấp các lựa chọn mua hàng đa dạng và có mức độ đảm bảo chất lượng nhất định.
Cụ thể, 63% người tiêu dùng cho biết, việc hoàn trả tiền cho các sản phẩm không đúng với những gì đã đặt sẽ khuyến khích họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn.
Giám đốc cấp cao kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dzũng cho rằng, với sự gia tăng của người tiêu dùng sử dụng mua hàng trực tuyến, không gian thương mại điện tử phát triển liên tục đã làm mờ ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến..
Sự gia tăng doanh thu bán hàng thực phẩm tươi sống qua thương mại điện tử cũng nhờ vào sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp bán lẻ. Đơn cử, Homefarm, hệ thống cửa hàng thực phẩm với hàng chục điểm bán tại Hà Nội của Công ty TNHH Quốc tế Homefarm liên tục cập nhật chính sách bán hàng qua mạng đầy ưu đãi cho người mua. Chẳng hạn, Homefarm đang có chính sách giảm ngay 15.000 đồng cho khách hàng thanh toán qua AirPay. Khách hàng chỉ cần tải app Now để đặt hàng, trong đó, giao hàng dưới 30 phút…..
Theo đánh giá của Nielsen Việt Nam, khi mức độ quen thuộc, thoải mái và niềm tin tăng lên thì người dùng có xu hướng mở rộng sang các mặt hàng như sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân, thực phẩm đóng gói và hàng tươi sống. Điều này tạo nên sự tăng trưởng đột biến cho ngành hàng tiêu dùng nhanh trên kênh thương mại điện tử trong thời gian qua và tiếp tục được cải thiện trong những năm tới.
Mục tiêu được Bộ Công Thương đề ra trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 là 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị bình quân mỗi năm khoảng 350 USD/người.
Doanh số thương mại điện tử B2C (business to customer, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng) dự báo tăng 20% mỗi năm, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, từ nay đến 2025, thương mại điện tử ở nông thôn sẽ tạo sự bất ngờ, bởi tỷ lệ người tiêu dùng nông thôn ngày càng thích nghi nhanh với xu hướng của thương mại điện tử.
"Kỷ nguyên số sẽ là động lực để thúc đẩy thương mại, trong đó có thương mại điện tử, tầng lớp trung lưu không phải là đối tượng của phát triển mà đó phải là những người tiêu dùng kết nối. Theo đó, đên năm 2025, tầng lóp người tiêu dùng kết nối sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn trọng tổng thương mại của Việt Nam, và hiện đã có 58 triệu người sử dụng Internet, trong đó có khu vực nông thôn”, ông Hưng dẫn chứng.
Còn theo số liệu của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Việt Nam là một thị trường bán lẻ sáng giá bậc nhất châu Á khi tổng giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD trong năm 2017, ước tính đạt 160 tỷ USD vào năm 2020. Đây cũng là tín hiệu khả quan cho sự tăng trưởng của làn sóng bán lẻ trực tuyến mới.