Có được kết quả trên, Thống đốc cho biết nhờ tỷ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành thông suốt đã giúp Cơ quan này tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ để bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh đó, tín dụng tăng trưởng hợp lý, năm qua chỉ ở mức 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đi kèm củng cố và nâng cao hiệu quả.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2018 giảm mạnh về mức 1,89%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Nợ xấu bao gồm cả nợ nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ bán cho VAMC đã giảm từ hơn 10% vào năm 2016 về 6,3% vào cuối năm 2018, tức là tốc độ nợ xấu đã giảm đáng kể, mức độ xử lý nợ xấu đã đạt kết quả quan trọng.
Tăng trưởng tín dụng ưu tiên cho ngân hàng thực hiện được Basel II
Năm 2019, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ điều hành tín dụng tăng trưởng hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng với tín dụng tăng trưởng ở mức 14% và linh hoạt theo điều kiện thị trường, có ưu tiên các ngân hàng thực hiện Basel II; chủ động quản lý thị trường vàng và ngoại tệ một cách hiệu quả, củng cố dự trữ ngoại hối; công tác tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cũng sẽ được NHNN tiếp tục đặt trọng tâm trong năm nay...
Trình bày tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank; ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank; ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank; ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV tiếp tục kiến nghị tuy cũ nhưng vẫn muốn nhắc lại đó là vấn đề “tăng vốn điều lệ” trong tình trạng rất nguy cấp.
“Tăng vốn điều lệ là vấn đề đặc biệt cấp bách bởi đã sát ngưỡng tối thiểu, tới hạn theo quy định của pháp luật, không thể tăng trưởng tín dụng để đảm bảo an toàn và ảnh hưởng tới việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Lê Đức Thọ nói.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Khánh đã có kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại Thông tư số 12/2018/TT-BTC ngày 31/01/2018 về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng nói chung và các ngân hàng có quy mô lớn nói riêng, đảm bảo mục tiêu giáo dục, phòng ngừa và răn đe của pháp luật xử lý hành chính; khuyến khích người lao động nâng cao trách nhiệm trong bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Theo ông Khánh, cần cụ thể hóa hơn nữa Điểm c, Khoản 1, Điều 3, Luật xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định của Chính phủ, vì thực tế có những khoản vay chỉ 15-20 triệu đồng (số này Agribank chiếm tỷ lệ khá cao) nhưng cũng có khoản vay hàng nghìn tỷ đồng; có hành vi vi phạm quy chế cho vay có thể dẫn đến mất vốn phải xử lý hình sự nhưng cũng có hành vi vi phạm quy chế cho vay hoàn toàn do khách quan có thể khắc phục được, chỉ cần rút kinh nghiệm hoặc cảnh cáo.
"Nếu không được lượng hóa cụ thể thì rất dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt hoặc phạt hành chính tràn lan, hạn chế tính pháp chế trong thực thi pháp luật", ông Khánh chia sẻ.
Thông tư số 12/2018/TT-BTC đã tự nó khẳng định Việt Nam không có ngân hàng nào đạt được loại A, B và chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.
“Đơn cử như trường hợp của Agribank, với quy mô hiện nay, dù có hoàn thành tốt các chỉ tiêu dư nợ, nguồn vốn và nợ xấu, dù lợi nhuận năm 2018 cao gần gấp đôi với năm 2017, rất có thể chỉ vì một hành vi sai phạm của 1 người cũng có thể làm 40 nghìn con người mất thu nhập từ 1,5 đến 3 nghìn tỷ đồng; uy tín và thương hiệu của Agribank bị suy giảm”, ông Khánh nói.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietombank đưa ra một vài thông tin kết quả hoạt động của Ngân hàng như: tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận đạt kỷ lục 18.000 tỷ đồng; chất lượng tín dụng kiểm soát thực chất, với tỷ lệ nợ xấu xuống thấp nhất toàn hệ thống khi chỉ ở mức hơn 0,7% trên tổng dư nợ.
Đặc biệt, tại thời điểm những ngày cuối năm 2018, ngân hàng đã phát hành riêng lẻ thành công trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 3% nhưng đã thu được 6.200 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có nguồn vốn lớn nhất hệ thống.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Cũng tại Hội nghị, các ngân hàng “đầu tầu” của hệ thống đã cam kết giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể tại Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết: “Bằng nội lực của mình, Agribank sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các NHTM khác về lãi suất cho vay.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, ngay từ đầu năm 2019, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (bao gồm cả cho vay trung và dài hạn)”.
Trong khi đó, ông Thành chia sẻ, ngay từ hôm nay (9/1), Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho vay 0,5% so với mức trần lãi suất của NHNN để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên đối với các khoản vay ngắn hạn; giảm 0,5% lãi suất với tất cả các doanh nghiệp ở các khoản vay trung và dài hạn.
Đồng thời, Vietcombank tính toán việc giảm lãi suất này làm giảm lợi nhuận của ngân hàng khoảng 450 tỷ đồng, song không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Vietcombank vừa tuyên bố giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn VNĐ thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2019, cụ thể: Áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 6%/năm, tương đương giảm 0,5% so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay đang còn dư nợ và các khoản cho vay mới phát sinh trong năm 2019. Giảm đồng loạt 0,5%/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung dài hạn VNĐ hiện tại của doanh nghiệp. Vietcombank cho biết, việc giảm lãi suất lần này được áp dụng trên phạm vi rộng, đối với cả danh mục cho vay ngắn hạn và cho vay trung dài hạn bằng VNĐ, hiện chiếm tỷ trọng ~ 30% tổng dư nợ cho vay VNĐ hiện hữu của ngân hàng. |