Ông Nguyễn Quốc Hùng

Ông Nguyễn Quốc Hùng

“Mua nợ xấu, VAMC không ép ai cả”

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC khi trao đổi với ĐTCK.

>> Ngân hàng chưa vội bán nợ xấu cho VAMC

Trong khi Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) đưa ra một kế hoạch mạnh dạn hơn là sẽ mua 30.000 tỷ đồng nợ xấu tới cuối năm nay, gấp 3 lần kế hoạch ban đầu, thì phía các ngân hàng lại tỏ ra thận trọng khi hầu hết công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (từ 3% trở xuống). Liệu đây có là một dấu hiệu né tránh VAMC của các ngân hàng? Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC.

Theo Thông tư 19/2013/TT-NHNN thì các khoản nợ xấu của TCTD sẽ được mua theo giá thị trường. Quy định này khi triển khai có vướng mắc gì không, thưa ông?

Quy định này chưa thực hiện được vì để mua theo giá thị trường, chúng tôi phải làm phương án trình lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Bên cạnh đó, VAMC hiện chỉ có vốn 500 tỷ đồng, để mua với giá thị trường bằng tiền thật thì số lượng mua sẽ không được nhiều. Một điểm nữa là hiện chúng tôi đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế đặt vấn đề cho vay vốn với lãi suất hợp lý. Tuy nhiên, việc này cần phải nghiên cứu thêm.

Trước mắt, chúng tôi sẽ triển khai mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, xem hiệu ứng thế nào rồi mới trình Thống đốc kế hoạch tiếp theo. Khi mua nợ theo thị trường thì chúng tôi phải xác định là khoản đầu tư và phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), bước đầu từ nguồn vốn của mình. Bởi vậy, hiện chúng tôi tạm thời chưa tính đến việc mua theo giá thị trường.

 

Vậy VAMC mua nợ xấu theo giá nào?

Chúng tôi mua theo giá trị sổ sách, thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt cho TCTD. Với phương án này, VAMC không phải trích lập dự phòng.

Ngoài cách mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC có tham gia bơm vốn vào TCTD hay không?

Góp vốn là vấn đề trong tương lai, sẽ phải làm khi có đủ nguồn lực tài chính và con người. Trong thời gian tới, VAMC sẽ từng bước mở thêm các nghiệp vụ theo quy định, trong khả năng của mình, từng bước và có lộ trình. Mục đích là làm sao trước mắt tháo gỡ khó khăn cho TCTD, cho DN và rộng hơn là nền kinh tế.

 

Khi mua bán nợ theo giá trị trường, TCTD có thể lo ngại bị ép giá. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Mục đích của VAMC là phi lợi nhuận nên chúng tôi không ép giá TCTD hay DN. Dù tính theo thị trường, nhưng giá mua bán nợ xấu vẫn theo hướng có lợi nhất cho TCTD và DN. Chúng tôi xác định VAMC như một bệnh viện nợ xấu, sẽ phân loại và có phác đồ điều trị thích hợp nhất cho mỗi đối tượng.

 

Vậy ông nghĩ sao về việc các ngân hàng vừa công bố tỷ lệ nợ xấu hầu hết dưới 3%, tức là mức không bắt buộc phải bán nợ xấu cho VAMC?

Tôi không bình luận về việc tỷ lệ nợ xấu của các TCTD công bố trên hay dưới 3%, mà bản thân các TCTD phải hiểu mình. Việc thanh tra xác định hay các tổ chức quốc tế đánh giá nợ xấu trên cơ sở phân tích số liệu giám sát từ xa là một chuyện, còn mỗi TCTD phải tự xác định số nợ xấu của mình là bao nhiêu và tự cơ cấu mình. VAMC ra đời là cơ hội để các TCTD tự cơ cấu. Nếu các TCTD không tự cơ cấu được thì chuyển dần để chúng tôi cơ cấu hộ. VAMC không sợ không có khách hàng.

Hiện nay, rất nhiều TCTD có nợ xấu chưa đến 2% mời chúng tôi mua nợ và VAMC đánh giá rất cao TCTD đó. Đó là một nhu cầu tự thân muốn tái cơ cấu để trở nên vững mạnh hơn. Theo đó, TCTD có lợi và VAMC cũng làm đúng nhiệm vụ của mình là góp phần giải quyết khó khăn cho các TCTD.

 

Ông nghĩ sao về hiệu quả thực sự của việc bán nợ cho VAMC đối với các TCTD, kể cả các TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%?

Tôi cho là sẽ rất hiệu quả. Lý do, Thứ nhất, với việc VAMC mua nợ xấu theo giá trị sổ sách và trả bằng trái phiếu đặc biệt như hiện nay, TCTD được sử dụng trái phiếu này khi cần thiết (để đảm bảo thanh khoản hoặc phục vụ nhu cầu vay có mục đích) thông qua nghiệp vụ vay tái cấp vốn từ NHNN. Tỷ lệ vay tái cấp vốn tối đa có thể lên 70%. Đây là một điều kiện mà tôi cho là TCTD nên xem xét.

Thứ hai, theo dự thảo trước đây, khoản nợ mà VAMC được phép mua phải có trên 65% tài sản đảm bảo là bất động sản thì nay tài sản đảm bảo bao gồm cả tài sản được hình thành từ vốn vay. Bên cạnh đó, sau khi khoản nợ xấu bán cho VAMC, các TCTD có thể xem xét cho khách hàng được vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh nhằm trả nợ mới cũng như nợ cũ.

 

Ông có thể cho biết tình hình triển khai hoạt động mua bán nợ của VAMC tính đến thời điểm hiện nay?

VAMC đã có kế hoạch triển khai. Trong thời gian ngắn tới, VAMC sẽ bắt đầu mua và mua không ít, nhưng số liệu cụ thể thì chưa thể công bố. VAMC đang rất tích cực chuẩn bị các văn bản đồng bộ, thống nhất, phù hợp với Nghị định, Thông tư có liên quan để triển khai trong thời gian sớm nhất. Chắc chắn trong tháng 9 này, chúng tôi sẽ phải mua được nợ. Bên cạnh đó, theo một vài lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các TCTD, bản thân các TCTD này cũng đang rà soát, đánh giá lại các món nợ.

Navibank và ACB tuyên bố bán nợ cho VAMC trên các phương tiện thông tin, nhưng VAMC cũng chưa nhận được bất cứ văn bản nào đề nghị bán nợ chính thức từ những đơn vị trên. Các TCTD cũng đang chờ đợi, quan sát những bước đi đầu tiên của VAMC, bởi những việc này chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, tôi tin chắc, trong tương lai, bước đi của VAMC sẽ rõ nét, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với các quy định về mua bán nợ, và khi đó, các TCTD sẽ tự nguyện bán nợ xấu cho VAMC.

 

Kế hoạch từ nay đến cuối năm của VAMC là gì?

Chúng tôi đặt mục tiêu xử lý được tối thiểu 30.000 tỷ đồng nợ xấu, không có tối đa, xử lý được càng nhiều nợ xấu cho nền kinh tế càng tốt, nhưng phải có lộ trình. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phát hành trên 30.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, để NHNN phê duyệt từ giờ đến cuối năm.