Ngành đường là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, sản phẩm đường của Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của đường nhập lậu ngay tại thị trường nội địa, chứ chưa nói đến việc xuất khẩu. Lý do là giá thành đường trong nước còn cao mà chủ yếu do giá mía cao. Giá mía chiếm 80-85% giá thành đường Việt Nam do vùng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ, số hộ nông dân có vùng trồng 5-10 ha rất ít, không thể cơ giới hóa, trong khi tại Thái Lan, mía chỉ chiếm 65-70% giá thành nhờ quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa, đầu tư hệ thống tưới tiêu đồng bộ, giúp tăng năng suất cao, tiết giảm chi phí thấp nhất.
Việc sở hữu cụm công nghiệp mía đường của HAG tại Lào sẽ giúp SBT khắc phục “điểm yếu chết người” này của ngành mía đường Việt Nam để cạnh tranh hơn trong hội nhập, vì HAG sở hữu nhà máy đường công suất 7.000 tấn/năm và vùng nguyên liệu rộng lớn 6.000 ha, có khả năng mở rộng, lại nằm trong khu vực có lượng mưa và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây mía. HAG áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn từ trồng đến chăm sóc, tưới nhỏ giọt cho đến thu hoạch mía đưa vào sản xuất... với hệ thống hạ tầng đầu tư bài bản.
Nhà máy đường của HAG tại Lào
Dựa trên lợi thế duy nhất này mà HAG dù là “lính mới” trong ngành đường, lại chủ yếu bán đường thô không có thương hiệu riêng cho sản phẩm, nhưng cũng đã thu lợi nhuận lớn từ mảng này trong mấy năm qua. Năm 2014, đường đóng góp 557 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho HAG, đạt tỷ suất 53,4%. Năm 2015, doanh thu mía đường đạt 871 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% tổng doanh thu và với tỷ suất lợi nhuận tới 42% tương ứng thu 370 tỷ đồng lãi từ đường.
Theo cam kết với thành viên các nước ASEAN, chậm nhất đến năm 2018, Việt Nam phải thực hiện cam kết xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường. Vì thế, nếu SBT có thể sở hữu thành công nhà máy đường của HAG để giải quyết bài toán vùng nguyên liệu, một nhiệm vụ bất khả thi nếu chỉ giới hạn hoạt động ở thị trường nội địa, thì đây quả là một quyết định khôn ngoan và có tính chiến lược của Ban lãnh đạo SBT.
So với các đối thủ khác, SBT dựa vào tiềm lực tài chính và nhân sự hoàn toàn có thể thực hiện thương vụ này để tạo thêm cơ sở vững chắc thực hiện kế hoạch chinh phục cả thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài trong quá trình hội nhập. Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào, mía đường là sản phẩm được ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào Việt Nam. Năm 2015, HAG đã nhập đường về tiêu thụ tại thị trường trong nước theo hạn ngạch được cấp là 50.000 tấn, với mức thuế 2,5%.
Cụm công nghiệp mía đường tại Lào của HAG có vùng trồng nguyên liệu lớn và áp dụng cơ giới hóa
Năm 2016-2017, Bộ Công thương cho phép mỗi năm nhập 30.000 tấn đường sản xuất ởLào về tiêu thụ. Nhà máy đường của HAG tại Lào giáp biên giới tỉnh khu vực miền Trung Việt Nam nên việc vận chuyển đường thô ra khu vực miền Trung và miền Bắc rất thuận lợi với chi phí thấp. SBT không chỉ chủ động vùng nguyên liệu giảm giá thành sản phẩm của mình mà còn còn có thể phân phối nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất trong nước.
Thời điểm này, ngành đường đang đi vào giai đoạn 5 năm thiếu hụt cầu, thiếu đường không chỉ diễn ra ở châu Á mà còn trên toàn thế giới. Vì thế, khi đường nhập từ Lào về sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh lớn dẫn đến phản ứng của doanh nghiệp trong ngành như thời điểm năm 2013, HAG nhập đường về trong bối cảnh dư cung ở thị trường trong nước.
Với 20 năm kinh nghiệm trong ngành đường, xây dựng được đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, áp dụng công nghệ tiên tiến và khả năng nghiên cứu, phát triển giống mía tốt, SBT khi sở hữu được nhà máy đường của HAG sẽ nâng cao hiệu quả của nhà máy lên rất nhiều đồng thời, khuếch đại được lợi thế cạnh tranh cốt lõi của mình.
SBT có lẽ đang đứng trước một cơ hội hội đủ “thiên thời và địa lợi”. Đây thực sự sẽ là tin vui cho các cổ đông của SBT.