Thời gian gần đây, các vụ tranh chấp tại chung cư liên tiếp xảy ra tại cả Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Dũng Minh

Thời gian gần đây, các vụ tranh chấp tại chung cư liên tiếp xảy ra tại cả Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: Dũng Minh

Mua nhà chung cư: Khách hàng vẫn cầm dao đằng lưỡi

(ĐTCK) Những năm gần đây, do nhu cầu nhà ở tăng cao, nên nhiều khu chung cư đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nhà ở, góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị, thì các tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng cũng liên tục xảy ra.

Tăng nhanh cả dự án và doanh nghiệp bất động sản

Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm 2017 vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Cụ thể, theo thống kê của CBRE, quý II/2017, thị trường bất động sản TP.HCM đón nhận tổng cộng 9.580 căn chào bán mới từ 31 dự án. Mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm trước 7%, nhưng số căn chào bán mới đã tăng 80% so với quý trước. Trong đó, căn hộ trung cấp tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong tổng nguồn cung mới, chiếm 56%. Đồng thời, với số lượng 1.575 căn, phân khúc bình dân tăng 19% so với quý trước.

Xét về vị trí, khu Đông đã lấy lại vị trí dẫn đầu và là khu vực sôi động nhất trong quý II, chiếm 36% nguồn cung chào bán mới. Khu Tây tiếp ghi nhận số căn chào bán cao là 3.268 căn, chiếm 34%. Tại khu Nam Thành phố chỉ có 2.408 căn được chào bán và phía Bắc được thêm vào tổng nguồn cung là 486 căn từ một dự án tại quận 12.

Còn theo HoREA, cùng với sự phát triển về số lượng dự án căn hộ, thì số lượng doanh nghiệp bất động sản được thành lập trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng tăng cao.

“Trong 6 tháng đầu năm, đã có 18.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng có đến khoảng hơn 1/3 doanh nghiệp bất động sản, phần lớn hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bất động sản”, HoREA cho biết.

Tranh chấp cũng nhiều

Bên cạnh sự phát triển về số lượng dự án căn hộ, cũng như số lượng doanh nghiệp bất động sản, thì các tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng cũng liên tục xảy ra trong thời gian qua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, tình hình tranh chấp tại chung cư tiếp tục gia tăng, chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, chất lượng thiết bị. Trong đó, đặc biệt gay gắt là có nhiều trường hợp chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người, hoặc đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp…

Đơn cử như sự việc tại dự án Thảo Điền Pearl, tọa lạc tại số 12 Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2 (TP.HCM), hàng loạt cư dân ở dự án này đã treo băng rôn trước chung cư để đòi sổ hồng. Bên cạnh đó, đã 4 năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn không chịu chốt danh sách ứng viên cho ban quản trị mới theo ý kiến của cư dân. Các cư dân cũng bức xúc khi không biết số tiền quỹ bảo trì chung cư họ đã đóng trước đó đang ở đâu và sẽ đi về đâu?

Trong khi đó, tại chung cư Gia Phú, quận Thủ Đức (TP.HCM), các khách hàng còn hoang mang hơn bởi chủ đầu tư đã bán một căn hộ cho nhiều người. Khi vụ việc vỡ lở ra, thì chủ đầu tư đột nhiên “mất tích”. Hàng trăm khách hàng đã mua nhà ở đây hiện như “ngồi trên đống lửa”, bởi tài sản của họ đang đứng trước nguy cơ “không cánh mà bay”.

Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng ngày càng tăng cao và không tìm được tiếng nói chung, nên nhiều khách hàng đã không biết bao nhiêu lần tới “gõ cửa” các cơ quan chức năng để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, sau nhiều năm đội đơn khiếu kiện, ít vụ được giải quyết một cách dứt điểm, nhiều tranh chấp kéo dài hàng năm trời, nhưng không có lối ra.

Việc đúng sai giữa các tranh chấp này sẽ do các cơ quan chức năng trả lời, hoặc tòa án phán xét, nhưng dù kết quả có như thế nào, thì trước mắt, người chịu thiệt vẫn chính là khách hàng. Bởi tâm lý chung của nhiều người khi bỏ một số tiền lớn ra chỉ mong sao tìm được trốn “an cư” để yên tâm làm việc, nhưng tình hình như trên lại chẳng khác nào bỏ tiền mua nỗi bực mình.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Văn Lập, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến nhà chung cư chưa bắt kịp sự phát triển của nhà chung cư.

Trong khi đó, văn bản quá nhiều, lại vừa thừa vừa thiếu, chồng chéo, gây khó khăn khi áp dụng giải quyết các tranh chấp. Do đó, quan trọng hơn hết là cần sớm ban hành Luật Chung cư để điều chỉnh tất cả các quan hệ liên quan đến nhà chung cư từ khi hình thành đến khi đi vào vận hành sử dụng. Việc tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh sẽ giúp hạn chế và giải quyết nhanh chóng các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư.  

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan