Tại Hội thảo "Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu" Viện Kinh tế Việt Nam và Bizlive tổ chức mới đây, những câu hỏi đó đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.
Đủ cơ sở pháp lý cho mua ngân hàng 0 đồng
Thời gian qua, NHNN đã liên tiếp công bố mua lại ba ngân hàng, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) với giá 0 đồng, như một giải pháp mạnh tay nhằm xử lý ngân hàng yếu kém trong tiến trình tái cơ cấu ngành.
Liên quan đến cơ sở pháp lý cho việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng của NHNN, tại Hội thảo, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, theo Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, NHNN được quyền mua lại các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và giá trị thực của ngân hàng yếu kém do kiểm toán độc lập xác định.
Theo ông Phước, mặc dù Quyết định 48 không nêu rõ việc mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng, nhưng khi ngân hàng có Tài sản Có nhỏ hơn tài sản Nợ thì NHNN có thể mua lại ngân hàng yếu kém này với giá 0 đồng hoặc chỉ định ngân hàng khác mua lại.
“Khi mua lại, tiếp quản ngân hàng yếu kém, NHNN sẽ kế thừa quyền lợi đối với Tài sản Có, có quyền đòi nợ vay cũng như kế thừa nghĩa vụ đối với Tài sản Nợ hay phải chi trả cho người gửi tiền”, TS. Phước nói.
Đồng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, Điều 149, Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ: NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực hiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN.
“Tiền nào của nấy”
Khẳng định việc NHNN mua lại các NHTM với giá 0 đồng là đúng luật và cơ cơ sở pháp lý cho quyết định này là Quyết định 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN chia sẻ, một trong những sứ mạng của NHNN là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống.
Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là hoàn toàn dựa trên tiêu chí khách quan và kết quả định giá độc lập về tài sản của các ngân hàng yếu kém, dựa trên giá trị thực cổ phiếu của các ngân hàng.
“Đối với việc mua lại VNCB, Oceanbank, GPBank, NHNN đều thuê kiểm toán quốc tế định giá. Kết quả định giá cho thấy, tài sản các ngân hàng đó âm hết vốn, tức giá trị cổ phiếu không còn gì. Trong trường hợp các ngân hàng đã mất hết vốn chủ sở hữu thì việc NHNN mua lại với giá 0 đồng là hợp lý. Đây là quan hệ mua bán, không phải là quốc hữu hóa”, ông Nghĩa nói.
Giải pháp tránh đổ vỡ dây chuyền
Việc NHNN mua các ngân hàng thua lỗ, đã phá sản trên thực tế với mức giá 0 đồng, dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, là giải pháp thích hợp để giữ cho những ngân hàng yếu không kéo cả hệ thống rơi vào đổ vỡ dây chuyền.
Với những ý kiến đặt ra, vì sao lại phải là NHNN mua vào các ngân hàng yếu kém này, mà không để các ngân hàng thương mại khác mua, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng lớn hiểu rõ tình trạng mập mờ trong báo cáo sức khỏe của các ngân hàng yếu và họ thường có tâm lý “làm cao”. Tất cả các ngân hàng trong diện bị mua lại với giá 0 đồng đều được NHNN cho thời gian tự khắc phục trong hai năm, nhưng họ đều không tự gượng dậy được.
“Do vậy, NHNN phải ra tay, chấm dứt những trò mặc cả, chây ỳ tái cơ cấu của các ngân hàng, bo bo bảo vệ lợi ích riêng của họ mà coi thường quyền lợi của người gửi tiền, cản trở công cuộc tái cơ cấu ngành, phục hồi nền kinh tế đất nước”, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ với ĐTCK: “Một ngân hàng đã âm vốn chủ sở hữu thì không một ngân hàng nào dám nhận sáp nhập về để ôm thêm một cục nợ, để rồi tất cả cùng chết. Ốc không mang nổi mình ốc thì đừng mang cọc cho rêu!”.
Theo ông Trương Văn Phước, nhiều người đặt câu hỏi, trước đây, khi Eximbank khủng hoảng, nợ xấu lên tới 76%, vì sao Vietcombank lại nhảy vào? Thực chất, khi đó, đứng sau Vietcombank chính là NHNN. Khi NHNN mua lại hoặc chỉ định ngân hàng khác mua lại ngân hàng yếu kém thì phải cử cán bộ có đầy đủ năng lực, phẩm chất để quản trị điều hành giúp cho ngân hàng hồi phục, chuyển biến từ lỗ sang kinh doanh có lãi.
“Khi ngân hàng được tái cơ cấu thành công, sự phục hồi của ngân hàng sẽ làm giá trị cổ phần, cổ phiếu tăng lên và khi đó NHNN có thể chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư khác để thu hồi vốn”, TS. Phước nói.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Tôi tin rằng, với uy tín của NHNN thì các ngân hàng đó sẽ tiếp tục vận hành, tiếp tục hoạt động để tạo ra lợi nhuận. Trên thế giới, nhiều ngân hàng đã làm như vậy. TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Trên thực tế, có thể các nhà băng bị mua lại 0 đồng đã mất hết vốn, nhưng chưa đến mức nợ nần đầm đìa, không thể trả nổi. Tiền gửi của khách hàng sẽ được chi trả từ việc phát mại tài sản của các nhà băng này. Cho nên NHNN không phải gánh nợ thay cho ngân hàng này, mà số nợ và giá trị tài sản hiện có bằng nhau. Nếu đem bán hết tài sản để trả nợ, ngân hàng này sẽ không còn đồng nào và không thể hoạt động được nữa, coi như phá sản. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, có thể làm mất lòng tin của khách hàng với ngành ngân hàng, liên lụy đến những ngân hàng khác. Khi người dân thấy bất an, họ sẽ rút hết tiền ra và khả năng thanh khoản của ngân hàng trở nên mất cân đối nên mua lại 0 đồng là giải pháp được xem là hợp lý và có tính cơ sở pháp lý chặt chẻ. Ông Nguyễn Hoàng Minh Phó giám đốc NHNN TP.HCM Lộ trình cho việc khắc phục nợ xấu của 3 ngân hàng sẽ được xử lý riêng, không thể xử lý đại trà như những ngân hàng khác và phải có bước khắc phục cụ thể cho từng năm. Tính đến cuối tháng 8/2015, các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM có nợ xấu là 52.529 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng dư nợ. Nếu trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua 0 đồng là 20.500 tỷ đồng, thì tổng nợ xấu trên địa bàn chỉ khoảng 32.029 tỷ đồng, tương ứng mức 2,8%. So với chỉ đạo của NHNN, ngành ngân hàng TP.HCM đã đưa về mức dưới 3% đúng thời hạn. |