Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp lại tìm mọi cách để mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp lại tìm mọi cách để mua lại trái phiếu trước hạn.

Mua lại trái phiếu thay vì đỡ giá cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cổ phiếu giảm sâu, nhưng đa số các doanh nghiệp không có động thái mua làm cổ phiếu quỹ như những năm trước, mà lại dồn tiền mua trái phiếu trước hạn.

Nỗi lo...

Câu chuyện của thị trường chứng khoán hiện tại không phải cổ phiếu có định giá rẻ như thế nào, mà vấn đề là thiếu dòng tiền cho cả thị trường và doanh nghiệp, bởi tín dụng ngân hàng khó tiếp cận, kênh trái phiếu khó huy động.

Với việc cổ phiếu liên tục giảm giá, một số doanh nghiệp còn phải bổ sung tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu đã phát hành như DIC Corp (mã DIG), Phát Đạt (mã PDR).

Về phía lãnh đạo các doanh nghiệp, có những trường hợp đã và đang công bố mua vào cổ phiếu như Đất Xanh (mã DXG), Kinh Bắc (mã KBC), nhưng thị trường cũng có hiện tượng cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp như tại DIC Corp, Đầu tư LDG (mã LDG), Đông Hải Bến Tre (mã DHC), Phát Đạt, Hodeco (mã HDC).

Tình trạng thiếu tiền khiến thị trường vắng bóng động thái mua cổ phiếu quỹ, nhất là khi quy định về việc này thay đổi từ 1/1/2021.

Trước đây, hội đồng quản trị có thẩm quyền quyết định mua lại tối đa 10% số lượng cổ phần đã phát hành làm cổ phiếu quỹ, khi giá tăng trở lại thì phần chênh lệch được hạch toán vào thặng dư vốn cổ phần, giúp cải thiện dòng tiền cũng như các chỉ số tài chính.

Nhưng từ 1/1/2021, hoạt động mua cổ phiếu quỹ phải được đại hội cổ đông thông qua và doanh nghiệp phải hủy số cổ phiếu đó, đồng thời giảm vốn điều lệ tương ứng. Đó là chưa kể, doanh nghiệp không được huy động vốn cổ phần trong 6 tháng sau khi giảm vốn điều lệ.

Quy định phải giảm vốn điều lệ sau khi mua cổ phiếu quỹ nhằm đáp ứng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Theo Quyết định 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính, giai đoạn 2022 - 2025 áp dụng IFRS tự nguyện, sau năm 2025 sẽ áp dụng bắt buộc đối với một số đối tượng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp lại tìm mọi cách để mua lại trái phiếu trước hạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đã và đang mua lại trái phiếu, nhưng nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn về dòng tiền vẫn xoay xở tìm vốn để thực hiện việc này, bên cạnh giải pháp giãn nợ, kéo dài thời gian thanh toán, hoặc thanh toán bằng bất động sản, thay vì trả tiền mặt.

Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Lý do khiến doanh nghiệp mua lại trái phiếu có thể là môi trường và kế hoạch kinh doanh thay đổi, kéo theo nhu cầu vốn thay đổi; Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực từ 16/9/2022 có các quy định chặt chẽ hơn, khiến doanh nghiệp lo ngại về khả năng đảo nợ trái phiếu, trong bối cảnh áp lực trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024 ở mức cao; lãi suất đang có xu hướng tăng, việc mua lại trái phiếu có thể giúp tiết giảm chi phí...

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản sắp bị thanh tra về việc phát hành và sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu. Nếu doanh nghiệp vi phạm, có thời gian để xử lý và mua lại trái phiếu là cách tốt nhất”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên nói.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp có thể mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu, vi phạm phương án phát hành mà vi phạm đó không thể khắc phục, hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận, thì doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn.

Mới đây, Bộ Tài chính đã phát đi thông điệp điều hành về thị trường trái phiếu. Trong đó, nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.

Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; nếu không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Liên tục mua lại trái phiếu

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 3 quý đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 133.702 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Trong tháng 10, các doanh nghiệp mua thêm 13.782 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng đạt 147.484 tỷ đồng, trong khi chỉ có 1 doanh nghiệp huy động thành công 210 tỷ đồng trái phiếu.

Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm doanh nghiệp mua lại nhiều trái phiếu nhất, cũng bởi đây là hai nhóm phát hành lớn nhất.

Xét các doanh nghiệp trên sàn, tốp đầu mua lại trái phiếu trong khối ngân hàng là BIDV (mã BID), VIB, LienVietPostBank (LPB), SHB, TPBank (mã TPB), OCB, với giá trị hàng ngàn tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Đối với các doanh nghiệp khác, từ ngày 19/5 - 25/7, Gelex (mã GEX) mua lại 1.627,2 tỷ đồng trái phiếu; từ ngày 10/6 - 4/10, Novaland (mã NVL) có 3 đợt mua lại trái phiếu với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng; Chứng khoán VIX (mã VIX) mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu; Becamex IDC (mã BCM) mua lại 579 tỷ đồng trái phiếu; ngày 2/8, Đầu tư LDG mua lại 129,4 tỷ đồng trái phiếu; giữa tháng 10, Sunshine Homes (mã SSH) mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu...

Mới đây, Bất động sản An Gia (mã AGG) thông qua phương án mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu, sau khi trước đó đã mua lại tổng cộng 680 tỷ đồng trái phiếu.

Tương tự, DIC Corp mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, với 2 mã trái phiếu là DIGH2124002 và DIGH2124003.

Đạt Phương (mã DPG) thông qua kế hoạch mua lại 100 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong tổng mệnh giá 300 tỷ đồng. Trái phiếu có mã DPGH2124001, kỳ hạn 36 tháng, phát hành ngày 26/10/2021 và đảm bảo bằng 19 triệu cổ phiếu DPG.

Theo thống kê, từ ngày 11/1 đến ngày 18/11, giá cổ phiếu DPG giảm trên 70%, còn 20.900 đồng/cổ phiếu (giá trị sổ sách là 25.013 đồng/cổ phiếu); giá cổ phiếu DIG giảm trên 80%, về 11.900 đồng/cổ phiếu (giá trị sổ sách là 11.987 đồng/cổ phiếu).

Tin bài liên quan