1. Nước Đức mùa hè, không khí Euro không phải quá ngập tràn. Nhưng hình ảnh về giải bóng đá lớn nhất châu Âu này vẫn dễ dàng được bắt gặp trên các màn hình lớn, những quầy hàng lưu niệm…
Người Đức bán những chiếc áo đội tuyển quốc gia in 4 ngôi sao lớn với giá khá rẻ. 4 ngôi sao là sự gợi nhớ về sức mạnh bóng đá Đức cho 4 lần vô địch thế giới mà lần gần đây nhất là năm 2004 tại Brazil. Nhưng còn có một cách hiểu khác đó là sự hàm chứa kỳ vọng cỗ xe tăng sẽ vẽ thêm một ngôi sao nữa tại đấu trường châu Âu, nơi mà Đức đã đăng quang 3 lần, nhưng lần gần nhất cách đây đã 20 năm.
Cạnh con sông này ở Dusseldorf là 2 bên phố với nhiều cửa hàng của các thương hiệu hàng đầu thế giới
Nước Đức mùa hè, ngày cuối tuần cửa hàng vẫn đóng cửa sớm, những vườn bia đông nghẹt khách, những thảm cỏ trở thành nơi sưởi nắng và đọc sách của không ít cư dân thành thị và du khách. Sự thanh bình hiếm gặp ở bất cứ đất nước nào trên lục địa già, nơi mà các vấn đề kinh tế đang nổi cộm như thất nghiệp, thâm hụt ngân sách… vẫn đang là chủ đề thời sự.
Đức, nước “chưa nhúng một ngón chân” vào khủng hoảng, vẫn những chiếc Mercedes dòng E chạy taxi nườm nượp ngoài đường, và theo tiêu chuẩn của dân chơi xe Việt Nam thì xe sang ở đây ngập phố. BMW, Audi, Mercedes, Volkswagen… đời mới nườm nượp lưu thông trên các cung đường thanh bình và rợp bóng cây.
Công viên thành phố, nơi các gia đình tổ chức dã ngoại ngày cuối tuần
“Khủng hoảng ở đâu không biết, nhưng ở đây mọi thứ vẫn tốt”, Vũ Giang - một thạc sĩ người Việt đã tốt nghiệp và hiện đang làm việc tại Đức làm việc, cho biết. Theo Vũ Giang thì các báo cáo hàng tháng mà Chính phủ và các tập đoàn lớn đưa ra vẫn cho thấy con số tăng trưởng, tuyển dụng vẫn tiếp tục và việc tìm một công việc tại Đức không quá khó, kể cả với người không phải dân bản địa.
“Tất nhiên, để tìm một công việc phù hợp ở Đức với người nước ngoài thì điểm cộng là biết tiếng Đức và hiểu văn hóa làm việc ở đây”, Vũ Giang nói và cho biết: “Người Đức ‘thích làm việc’ và làm việc thì quy củ và rất khoa học”.
Những đặc tính này, có lẽ không cần phải đến Đức cũng có thể biết. Nhưng nếu một lần đến, ấn tượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
2. Siemens, tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới, các công xưởng sản xuất tua bin hơi và khí cho các nhà máy điện vẫn đang chạy tối đa công suất. Tập đoàn này đang trong thời điểm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của người sáng lập Werner von Siemens với bộ nhận diện thương hiệu mới mà hạt nhân là khẩu hiệu “Ingenuity for life”, mang thông điệp về năng lực công nghệ bền bỉ, sức sáng tạo và các giá trị của một công ty đã có gần 170 năm hoạt động trên 200 quốc gia và lãnh thổ.
Sự kiện đáng để tự hào, nhưng những người trong cuộc lại không đề cập nhiều về chủ đề này với khách viếng thăm. Các kỹ sư của Tập đoàn ở các nhà máy từ Dusseldoft, Muheim hay Berlin tập trung nhiều về chủ đề sáng tạo những giá trị mới cho khách hàng và cộng đồng.
Ở đây, bạn có thể gặp hình ảnh anh kỹ sư trẻ Andreas Kreutzer say sưa trình bày về ứng dụng công nghệ in 3D - một trong bảy xu hướng công nghệ tương lai, đã được Siemens sớm đưa vào ứng dụng trong sản xuất các thiết bị các tua bin khí của Tập đoàn. Hay tương tự tại tổ hợp nhà máy điện Fortuna công suất tới gần 604 MW do Siemens xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” tại thành phố Dusseldoft, niềm tự hào của những người xây dựng và vận hành ở đây là kỷ lục thế giới 61,5% về hiệu suất sử dụng năng lượng cho một nhà máy phát điện.
Nhà máy điện tại Dusseldoft được trang trí với những dài đèn led màu xanh, nổi bật trong màn đêm bên sông Reihn chạy ngang thành phố
Kỷ lục này được sáng tạo bởi chính những người Siemens. Khí gas, nguyên liệu đầu vào, được đốt để vận hành tua bin khí; nhiệt lượng tạo ra để vận hành tua bin hơi; nước nóng cuối chu trình được chuyển vào đường ống cung cấp nhiệt và nước nóng cho toàn thành phố Dusseldoft, thủ phủ của bang Bắc Rhine - Westphalia nước Đức. Chu trình hỗn hợp đó không chỉ tạo nên kỷ lục thế giới mà còn có nghĩa lớn với môi trường khi lượng xả thải thấp nhất, năng lượng được sử dụng với hiệu suất cao nhất giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Người Siemens đã trang trí cho nhà máy này với những dài đèn led màu xanh, nổi bật trong màn đêm bên sông Reihn chạy ngang thành phố, như một thông điệp về một nhà máy thân thiện với môi trường. Mô hình chu trình hỗn hợp tại nhà máy điện Dusseldoft này đã được Siemens ứng dụng tại rất nhiều nhà máy điện khắp thế giới, trong đó có các tổ hợp nhà máy điện chu trình kết hợp Nhơn Trạch 2 và Cà Mau 1&2 tại Việt Nam.
Sự tỉ mỉ, chính xác và sáng tạo không ngừng là bí quyết để gần thế kỷ qua Siemens vẫn “sừng sững” giữ vị trí tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới. Nếu tìm điển hình của ngành cơ khí chính xác, bạn dễ dàng tìm gặp tại nhà máy sản xuất tua bin khí ở Berlin.
Những tua bin khí được sản xuất ở đây, có chiếc nặng tới 400 tấn tạo nên bởi hàng nghìn chi tiết, nhưng được lắp ráp chính xác như những tác phẩm nghệ thuật
Nằm tại trung tâm thành phố, nhà máy với những tòa nhà và nhà xưởng hơn trăm tuổi này thêm một lần nữa chứng minh sự ưu việt về sản xuất xanh, không ô nhiễm, không tiếng ồn. Những tua bin khí được sản xuất ở đây, có chiếc nặng tới 400 tấn tạo nên bởi hàng nghìn chi tiết, nhưng được lắp ráp chính xác như những tác phẩm nghệ thuật. Phần mềm thiết kế giúp tối ưu hóa hiệu suất và tài năng cơ khí ở đây cho ra đời những chiếc tua bin với công suất lớn gấp hàng chục lần động cơ phản lực của máy bay Airbus A380, nhưng lại có vận hành liên tục tại các nhà máy điện khắp 5 châu. Có những tua bin được sản xuất 20 năm đến nay vẫn đang được sử dụng.
Nhà máy này vừa kỷ niệm tua bin khí thứ 1.000 xuất xưởng đúng vào ngày 1/6/2016. Mỗi tua bin đều có thể tạo nên một nhà máy điện.
Siemens là tập đoàn công nghiệp đa ngành, cung cấp sản phẩm và giải pháp trong 3 nhóm ngành chính gồm công nghiệp, năng lượng và y tế với doanh số toàn cầu hơn 70 tỷ euro/năm. Bí quyết của Tập đoàn, theo như giới thiệu, đơn giản chỉ là sự sáng tạo với hàng nghìn phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật hàng năm.
Nhờ đó, trong mỗi lĩnh vực, Siemens đều có những sản phẩm, những dự án mang lại dấu ấn “made in German”. Nước Đức có Siemens đã giúp một phần quan trọng trong chiến lượng mà chưa nước tiên tiến nào dám làm đó là loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2025 và thay thế vào đó là các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này cũng nhen nhóm ở nhiều quốc giá khác, nơi mà Siemens đang triển khai dự án của mình.
Có những tua bin được sản xuất 20 năm đến nay vẫn đang được sử dụng
Tại Muheim, những người khách như chúng tôi được giới thiệu về một siêu dự án (megaproject) tại Ai Cập trị giá tới 8 tỷ euro, tạo nên bởi 3 tổ hợp nhà máy phát điện chu trình hỗn hợp, 12 trạm điện gió với 600 cánh quạt, 9 trạm biến áp 500kV, hệ thống đường truyền dẫn,…
Sự “hoành tráng” là đương nhiên, không phải vì quy mô lớn nhất thế giới hay bởi đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp nhất trong ngành năng lượng. Mà ý nghĩa được nhấn mạnh ở đây chính là dự án cung cấp tới 14,4 GW vào năm 2018 cho một khối lượng dân cư khổng lồ 45 triệu người (khoảng một nửa dân số nước này). Đó là chưa kể tới việc giúp tiết kiệm tới 1,3 tỷ USD nhiên liệu cho Ai Cập mỗi năm, tạo ra khoảng 20.000 việc làm và một đội ngũ nhân lực vận hành được chuyển giao công nghệ…
3. Dù vậy, Siemens chỉ là một trong nhiều tập đoàn lớn bên cạnh các tên tuổi như dẫn đầu như Mercedes, Metro, Deutsche Bank, Alianz… Các tập đoàn này là đầu tàu, nhưng hạt nhân của nền kinh tế Đức lại các doanh nghiệp cỡ vừa đóng góp tới 70% lao động trong hơn 80 triệu dân số nước này.
Nước Đức mùa hè này, hệ thống kinh tế nói trên vẫn đang vận hành rất ổn, những cánh đồng lúa mỳ lại xanh bát ngát bên những tuyến đường cao tốc, những công trình bị phá hủy sau chiến tranh thế giới lần hai được phục dựng lại ở nhiều thành phố, vẫn thu hút nhiều khách tham quan.
Quảng trường cổ tại Dresden bị phá hủy sau chiến tranh thế giới lần 2 đã được phục dựng gần như nguyên bản
Những người hướng dẫn viên ở Dresden cho biết, nhờ việc xây dựng, quy hoạch rất khoa học với các bản thiết kế gốc được lưu giữ, nên việc trùng tu các công trình cũ gần như nguyên bản. Và quả thật, gần như rất khó nhìn thấy “nét mới” trong các công trình kiến trúc cổ ở đây.
Nước Đức mùa hè, hàng nông sản vẫn rẻ tới mức ngạc nhiên với các du khách là bà nội trợ từ Việt Nam. Một nghiên cứu sinh tiến sỹ ở đây cho biết, nhờ tự nấu ăn, anh phải bỏ ra khoảng 500 euro (khoảng hơn 12 triệu đồng) là đủ ăn tiêu hàng tháng, cuối tuần có thể ra các quán ăn Việt Nam mở rất nhiều ở Berlin và chỉ mất 7-8 euro là có một bữa ngoài trời “rất đàng hoàng”.
Nước Đức không chỉ đẹp như những vần thơ của Goethe, lãng mạn như những bản sonate của Beethoven, nước Đức còn là “đất mẹ” của sự sáng tạo, khoa học và chính xác đến từng chi tiết.