Theo phân tích của một phòng chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đang bước vào mùa giải ngân lớn từ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, đặc biệt nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Hiện dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 20% so với đầu năm, tiếp cận mục tiêu từ 18 - 22% mà NHNN dự kiến cho năm 2007 nhưng dự báo vẫn tiếp tục tăng mạnh từ nay đến cuối năm.
Đa dạng đầu ra
Ngoài các quan hệ tín dụng truyền thống, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, các ngân hàng lần lượt triển khai nhiều sản phẩm cho vay mới, đa dạng và đẩy mạnh đầu ra khi vốn khả dụng dư thừa kéo dài. Trong đó, khối ngân hàng cổ phần đang chứng tỏ sự năng động của mình trong hướng đi này.
Có một nguyên nhân giải thích hiện tượng trên là một lượng vốn lớn của khối ngân hàng cổ phần đã bị ứ đọng sau khi Chỉ thị 03/2007/CT - NHNN có hiệu lực. Khơi dòng chảy mới cho nguồn vốn này, bù lại doanh thu, khối ngân hàng cổ phần đang tích cực thiết kế và đưa ra thị trường những sản phẩm cho vay mới. Nhưng đây không phải là nguyên nhân chi phối. Áp lực chính là lượng vốn khả dụng dư thừa kéo dài trong thời gian qua được hậu thuẫn từ tốc độ huy động khả quan từ đầu năm. Ước tính, vốn huy động tại các địa bàn lớn như Hà Nội và TP. HCM đã tăng trên 22%, theo đó một thống kê cho thấy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng khoảng 3 lần so với cuối năm 2006. Khối ngân hàng cổ phần là địa chỉ có tốc độ tăng huy động vốn cao nhất.
Vốn về mạnh, các ngân hàng cũng đang đứng trước áp lực giải ngân, cạnh tranh đầu ra, lãi suất. Ngân hàng Á châu (ACB) vẫn nổi bật trong cuộc cạnh tranh này; ngoài tăng cho vay tiêu dùng, bất động sản, ACB vừa triển khai một hình thức giải ngân mới, khá thuận tiện là cho vay qua mạng, xét duyệt trong khoảng 24 giờ. Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thì đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm trọn gói từ tín dụng, bảo hiểm đến kho bãi và tập trung mũi nhọn ở các ngành hàng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Techcombank sẽ hoàn thành hạn mức 1.000 tỷ đồng cho ngành điều, ngành đồ gỗ cũng như nhóm khách hàng mục tiêu khác. Trong khi đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng vừa triển khai sản phẩm cho vay đầu tư bất động sản dài hạn, hạn mức tín dụng cao và thủ tục thuận tiện. Ngân hàng Phương
Khó giải ngân ngoại tệ
Một điểm tưởng như mâu thuẫn vẫn đang diễn ra trên thị trường ngân hàng, đó là lãi suất ngoại tệ liên tục tăng trong thời gian qua nhưng tốc độ huy động vẫn chậm. Dù chưa “nhờ cậy” NHNN, nhưng từ nay đến cuối năm, bí vốn ngoại tệ là một lo ngại đối với các ngân hàng. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa thường được đẩy mạnh vào cuối năm, áp lực giải ngân ngoại tệ lớn nhưng huy động lại hạn chế.
Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong 2 tháng gần đây, tốc độ tăng huy động vốn ngoại tệ không vượt nổi 2%/tháng; tính chung từ đầu năm vẫn chưa đạt được 7%. Ngoài lãi suất tăng, các ngân hàng cũng đã có được một cơ chế thuận lợi từ NHHN, đó là “cởi trói” trần lãi suất huy động ngoại tệ đối với tiền gửi của tổ chức, DN nhưng tốc độ huy động vẫn chậm. Phải chăng lượng ngoại tệ trong dân cư và DN “cạn” từ chủ trương tăng mạnh mua vào của NHNN trong 5 tháng đầu năm? Trong khi đó, cầu ngoại tệ đã và đang tăng mạnh dù lãnh đạo NHNN nhận định, các ngân hàng hiện vẫn chủ động nguồn vốn của mình nhưng với yêu cầu giải ngân từ nay đến cuối năm, có thể nhiều ngân hàng sẽ rơi vào thế bí, đặc biệt là những đầu mối mới chuyển đổi.
Giải quyết khó khăn trên, có thể hy vọng vào nguồn ngoại tệ đổ về vào những tháng cuối năm, đặc biệt là từ nguồn kiều hối. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện lượng kiều hối qua các ngân hàng thương mại vẫn chưa đến con số 1 tỷ USD. Dự kiến, nguồn này sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm với khả năng đạt trên 4 tỷ USD. Ngoài ra, cuối tháng 8 vừa qua, NHNN cũng đã “bật đèn xanh” để các ngân hàng mạnh dạn giải ngân; trường hợp thiếu vốn ngoại tệ, NHNN sẽ vào cuộc.