“Mùa đông” dài của thị trường tài sản số

“Mùa đông” dài của thị trường tài sản số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tài sản số vừa trải qua bài kiểm tra khắc nghiệt khi các sàn tiền ảo/quỹ đầu tư rơi vào khủng hoảng, giá trị các đồng tiền ảo lao dốc, doanh nghiệp công nghệ sa thải hàng loạt… Năm 2023, nhiều dự báo cho thấy, một chặng đường gập ghềnh vẫn còn ở phía trước.

Những cú đổ vỡ liên tiếp

Năm 2022 chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt tên tuổi tiền số nổi tiếng trên thị trường. Đầu tháng 5/2022, token Luna và đồng stablecoin (đồng tiền ổn định giá) UST của Terra lao dốc. Trước khi sụp đổ, Luna được đánh giá là đồng tiền số đáng tin cậy, đội ngũ đứng sau hùng hậu, được nhiều quỹ đầu tư hậu thuẫn, vốn hóa khi đạt đỉnh lên tới hơn 30 tỷ USD.

Việc giá Luna giảm 99,6%, từ đỉnh 86 USD xuống còn 0,005 USD đã tạo nên thảm họa lớn nhất của thị trường tiền số từ trước tới nay. Sau đó, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát lệnh truy nã CEO Do Kwon vì những động thái bất thường trước khi thảm họa xảy ra như giải thể chi nhánh, tuyên bố tạo ra phiên bản Luna 2.0…

Thảm họa Luna tạo nên “hiệu ứng domino”, tác động đến hàng loạt công ty hàng đầu trong thị trường tiền mã hoá. Những doanh nghiệp khác chịu chung số phận là quỹ đầu tư Arrows Capital (3AC) vỡ nợ, sàn giao dịch Voyager Digital nộp đơn xin phá sản, Celsius Network - hãng cho vay tiền số hàng đầu thế giới - chấm dứt hoạt động…

Tiếp theo đó, tình hình tài chính bất ổn của sàn giao dịch FTX khiến doanh nghiệp này sụp đổ. Ngày 11/11/2022, FTX nộp đơn phá sản. Nhà sáng lập kiêm CEO của công ty là Bankman-Fried tuyên bố từ chức. Theo một tài liệu của tòa án, FTX đang nợ 50 chủ nợ lớn nhất số tiền khoảng 3,1 tỷ USD, trong đó số nợ của 10 chủ nợ lớn nhất là 1,45 tỷ USD.

Một tháng sau, nhà sáng lập và cựu CEO FTX - Sam Bankman-Fried đã bị bắt ở Bahamas với cáo buộc gian lận và có thể đối mặt với mức án tù lên tới 115 năm. Sự phá sản của FTX đã giáng đòn mạnh lên một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực tài chính, bao gồm những ông lớn như SoftBank, Sequoia Capital và Temasek…

Mới đây nhất, Binance - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch, cũng lao đao trước biến cố rút tiền hàng loạt của nhà đầu tư. Theo dữ liệu của nền tảng phân tích dữ liệu trên blockchain Nansen vào sáng ngày 13/12/2022, khoảng 1,9 tỷ USD đã bị rút khỏi Binance trong 24 giờ.

Không lâu sau, các nhà phân tích chỉ ra tình hình tài chính và cách hoạt động của Binance có phần “mờ ám”. Theo Reuters, Binance đã xử lý các giao dịch trị giá hơn 22.000 tỷ USD trong năm 2022 nhưng không hề công khai. Tính minh bạch của Binance cũng bị đặt dấu hỏi khi Công ty từ chối cho biết trụ sở ở đâu, không tiết lộ thông tin tài chính cơ bản...

NFT thoái trào?

Tháng 3/2021, một bức ảnh ghép kỹ thuật số của nghệ sĩ Beeple được công ty đấu giá Christie’s bán thành công với mức giá gần 70 triệu USD, đánh dấu bước mở đầu cho sự bùng nổ của thị trường NFT.

NFT (non-fungible token) là chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain, được đánh giá minh bạch về tính chính danh và quyền sở hữu. Trong năm 2021, NFT trở thành hiện tượng trong giới công nghệ với các tác phẩm được bán từ vài trăm nghìn tới hàng chục triệu USD.

Nửa đầu năm 2022, NFT vẫn là “đốm lửa” giúp cộng đồng tài sản số sưởi ấm trong mùa Đông. Hàng loạt bộ sưu tập NFT triệu USD cháy hàng ngay khi vừa ra mắt. Cơn sốt NFT lan rộng mọi ngõ ngách, từ những nghệ sĩ nổi tiếng cho tới thường dân đều tham gia thị trường, thậm chí đổi đời nhờ những tấm ảnh NFT selfie giá triệu USD. NFT hình thùng rác cũng có thể thu về 250.000 USD.

Cơn sốt NFT còn được tiếp sức bởi Meta khi Instagram tích hợp NFT vào tháng 5 và đến tháng 7 mở rộng cho người dùng Facebook.

Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2022, tương tự thị trường tiền số, giá trị của hầu hết NFT lao dốc. Christie’s, nhà đấu giá nghệ thuật danh tiếng thế giới, chứng kiến doanh số bán NFT sụt giảm 96% so với năm trước đó. Cụ thể, năm 2022, Christie’s chỉ bán được 87 NFT với tổng doanh thu 5,9 triệu USD, so với số tiền thu về năm 2021 là 150 triệu USD.

Tình hình suy thoái của thị trường tiền số trong phần lớn năm 2022 góp phần khiến trào lưu đầu tư NFT thoái trào. Bên cạnh đó, lĩnh vực này lao đao cũng bởi những vấn đề pháp lý, điển hình là việc cơn sốt NFT gây tranh cãi khi vụ trộm cắp, đạo nhái ý tưởng diễn ra thường xuyên. Cuối tháng 4, một sàn giao dịch NFT ở Trung Quốc bị phạt 4.000 nhân dân tệ (tương đương 611 USD) vì “tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền”. Đây là lần đầu tiên một tòa án đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt liên quan đến NFT và có thể trở thành hình mẫu được tham khảo trong thời gian tới.

Khi NFT ngày càng phổ biến với công chúng, các “chiêu trò PR” cũng xuất hiện. Tháng 12/2022, Yuga Labs và MoonPay dính vào một vụ kiện liên quan đến việc tận dụng “KOL quảng cáo” để trục lợi cho sản phẩm của mình. Nội dung đơn kiện tập trung vào việc các bị cáo đã có thể “đẩy giá NFT ‘tăng ảo’ trong thời gian quảng bá, khiến nhà đầu tư mua NFT bị thua lỗ”.

Theo Dap Radar, khối lượng NFT giao dịch trên OpenSea - nền tảng giao dịch NFT lớn nhất thế giới sụt giảm gần 99% vào cuối tháng 8, giá trị giao dịch chỉ còn gần 5 triệu USD, so với mức kỷ lục 405,75 triệu USD vào ngày 1/5. Số người giao dịch trên nền tảng cũng giảm mạnh, cho thấy giá trị và sự quan tâm đến các bộ sưu tập NFT đã lao dốc ở mức không tưởng. Không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại, liệu bong bóng NFT có vỡ?

Cơ hội để lại trỗi dậy?

Sự thất bại của nhiều công ty trong năm 2022 đã đánh dấu một năm đáng buồn của lĩnh vực tiền điện tử. Theo Bloomberg, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ (không ít người đã mất toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời vì đầu tư vào tiền điện tử) đã bị bỏ mặc, trong khi họ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng hơn cả do biến động thị trường, các vụ hack hay gian lận.

Cùng với đó, giới chức quản lý các quốc gia ngày càng trở nên dè chừng với lĩnh vực này. Thái Lan siết lại quy trình cấp giấy phép với các sàn giao dịch tiền ảo và đặt thêm yêu cầu ký quỹ để loại trừ các sàn giao dịch nhỏ khỏi thị trường. Singapore đề xuất quy định mới nhằm cấm cấp tín dụng cho các giao dịch mua tiền ảo.

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) còn đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư không được “đầu cơ” tiền ảo để kiếm lời. Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua các luật nhằm quản lý tất cả sàn giao dịch tiền ảo, trong khi Trung Quốc hiện đã cấm hoàn toàn tiền điện tử.

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng nơm nớp lo sợ và rời bỏ thị trường. Theo khảo sát của Matrixport và Longitude Research, 80% cá nhân có tài sản lớn và 70% công ty quản lý tài sản gia đình vẫn quan tâm tới tài sản số như một công cụ đầu tư.

Chưa kể, theo giới chuyên gia, “mùa Đông” vừa qua là diễn biến cần thiết của thị trường tài sản số - đang tăng trưởng quá nhanh và nóng, nhất là dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và chu kỳ tiền rẻ. Trong giai đoạn này, các công ty tài sản số có thể tái định hình hoạt động và cải thiện chiến lược kinh doanh của mình.

“Hy vọng năm 2023 và các năm sau đó, hầu hết các nền tảng có vốn hóa tốt đều có thể tồn tại, đưa vào chiến lược quản trị rủi ro tốt hơn và có một chiến lược vận hành tương lai hiệu quả hơn để ngành này có thể vượt qua khó khăn và trở nên mạnh mẽ hơn”, Amber Group, công ty quản lý tài sản kỹ thuật số tại Singapore kỳ vọng.

Tin bài liên quan