Mùa đầu tiên làm báo cáo phát triển bền vững: Doanh nghiệp thể hiện thế nào?

Mùa đầu tiên làm báo cáo phát triển bền vững: Doanh nghiệp thể hiện thế nào?

(ĐTCK) Lần đầu tiên tại Việt Nam, quy định pháp lý hướng dẫn các DN đại chúng làm báo cáo phát triển bền vững (PTBV) đã được đưa vào Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Mùa báo cáo thường niên 2016, mùa đầu tiên các DN đại chúng phải công bố báo cáo PTBV, khảo sát của ĐTCK cho thấy hai sắc thái khác biệt: khối DN tiên phong như BVH, PVD, DHG, VNM… tiếp tục giữ vững phong độ, trong khi rất nhiều DN khác, báo cáo PTBV thực hiện quá sơ sài.

DN phải lập báo cáo PTBV, vì sao?

Từ năm 2013, trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do Sở GDCK TP. HCM, Báo Đầu tư và Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital phối hợp tổ chức, Giải thưởng Báo cáo PTBV đã được đưa vào khuôn khổ của Cuộc bình chọn, nhằm hướng các DN quan tâm đến loại báo cáo đặc biệt này.

Sở dĩ thời điểm đó, Ban Tổ chức quyết định đưa Báo cáo PTBV vào chấm điểm là do quan điểm Việt Nam tuy chưa định hình khung pháp lý, nhưng báo cáo PTBV là xu hướng chung của thời đại. Để DN Việt hội nhập được, các DN phải hiểu rõ luật chơi quốc tế và thực thi luật chơi đó.

Sau 2 mùa chấm báo cáo PTBV, những DN tiên phong làm tốt báo cáo này như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Đạm Phú Mỹ, Tập đoàn Bảo Việt… đã được vinh danh tại Lễ trao giải, được nhận sự khích lệ của nhà quản lý và niềm tin của công chúng đầu tư. Đây là những DN có báo cáo PTBV được đầu tư nghiêm túc, trình bày khoa học, chuyên nghiệp.

Khối DN này cũng được kỳ vọng là những DN điển hình cho hàng ngàn DN đại chúng học hỏi làm báo cáo PTBV, khi quy định pháp lý chính thức định hình loại báo cáo này và buộc DN phải thực hiện từ năm 2016.

Thông tư 155 quy định, các nội dung liên quan đến báo cáo PTBV của DN có thể tích hợp cùng với báo cáo thường niên hoặc lập riêng báo cáo PTBV. Tuy nhiên, dù là tích hợp hay tách riêng thì các DN không chỉ cần thể hiện được tiềm lực tài chính, kết quả hay kế hoạch kinh doanh, mà còn phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường và xã hội theo thông lệ chung trước thềm hội nhập. 

Học người tiên phong

Theo khảo sát của ĐTCK, soi vào quy định tại Thông tư Thông tư 155/2015/TT-BTC, các DN dẫn đầu tiếp tục giữ vững phong độ. Với các DN này, làm báo cáo thường niên và báo cáo PTBV là cơ hội để khẳng định sự phát triển dài hạn và các cam kết của mình với cổ đông, với nhà quản lý, với công chúng. Làm tốt các báo cáo thường niên đồng thời cũng là cơ hội để cổ phiếu của DN được định giá đúng hơn trên thương trường và thương hiệu của DN có sự vượt trội so với phần còn lại.

Ngày 19/4 vừa qua, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) công bố 2 báo cáo tích hợp và báo cáo PTBV năm 2015. BVH cho biết, năm 2015, BVH là DN tiên phong trong việc lập báo cáo tích hợp theo chuẩn mực quốc tế IIRC (Hội đồng Quốc tế về báo cáo tích hợp). Cùng với đó, báo cáo PTBV 2015 của BVH là báo cáo đầu tiên được kiểm toán tại Việt Nam (Công ty PwC Việt Nam là đơn vị kiểm toán), đối với các chỉ tiêu phi tài chính, thể hiện nỗ lực của DN trong việc minh bạch hoá thông tin, phù hợp với thông lệ trong khu vực và trên thế giới.

Tại FPT, Báo cáo PTBV 2015 được xây dựng dựa theo hướng dẫn tiêu chuẩn của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) phiên bản mới nhất G4 theo lựa chọn “Cốt lõi”. Dựa trên tầm nhìn, định hướng phát triển và chiến lược kinh doanh, Báo cáo đưa ra các vấn đề trọng yếu của FPT có tác động đáng kể đến kinh tế, xã hội và môi trường.

Hàng loạt DN khác đang công bố báo cáo thường niên, báo cáo PTBV, mang đến một bức tranh đầy màu sắc cho TTCK. Trên bức tranh này, những nét vẽ chủ đạo thuộc về các DN đi trước quy định pháp lý, làm tốt báo cáo thường niên, báo cáo PTBV từ vài năm nay. Đây cũng là những DN mà các DN lần đầu tiên làm báo cáo PTBV nên học hỏi, để cải thiện chính mình. 

Những DN “quên” chưa làm báo cáo PTBV

Khảo sát của ĐTCK không đo lường được hết báo cáo của các DN đã công bố, nhưng cũng cho thấy một bức tranh thực tế là, rất nhiều DN vẫn đang làm báo cáo theo kiểu lấy lệ, hình thức của báo cáo được “copy” nguyên từ năm trước, các nội dung sơ sài, trình bày lộn xộn, cẩu thả…, thậm chí còn “bơ” luôn cả quy định về công bố báo cáo PTBV.

Chẳng hạn, Báo thường niên 2015 của Hapaco tiếp tục giữ sự “khiêm tốn” với chỉ vỏn vẹn chưa đầy 50 trang, nội dung chỉ có các thông tin cơ bản về quá trình hình thành và phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh… và “vắng bóng” phần nội dung về báo cáo PTBV. Một số DN trong ngành xây dựng, dầu khí, nông nghiệp, thủy sản… cũng quên phần báo cáo PTBV trong Báo cáo thường niên.

Ông Tô Vĩ Hùng, Hội viên ACCA, Trưởng nhóm chấm báo cáo PTBV cho rằng, một DN quan tâm đến sự PTBV của chính mình, biết cách thể hiện một báo cáo PTBV chân thực, minh bạch, luôn có được phần thưởng lớn hơn công sức bỏ ra.

“Báo cáo PTBV giúp DN xác lập được chiến lược PTBV, có mô hình quản trị hiệu quả hơn, quản lý được rủi ro tốt hơn, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển”, ông Hùng nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, Giám đốc cấp cao Công ty JIA HSIN, Thành viên Hội đồng bình chọn Báo cáo PTBV, dựa vào các chỉ số trong báo cáo PTBV, DN có thể phát huy được điểm mạnh, đồng thời khắc phục được điểm yếu. Vì thế, báo cáo PTBV không chỉ là tài liệu đối ngoại, mà rất có giá trị “đối nội” nếu được thực hiện khách quan, khoa học.

Tin bài liên quan