Một trong ba trụ cột thúc đẩy nâng hạng
Với mục tiêu nâng hạng thị trường được Chính phủ đặc biệt quan tâm, ngoài các yếu tố như giới hạn tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, quản trị công ty gắn với ESG của các doanh nghiệp niêm yết là một điều kiện đang được đề cập. Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng coi quản trị công ty minh bạch với cơ hội tiếp cận thông tin kịp thời, đầy đủ như là một điều kiện cần tiếp theo các điều kiện kỹ thuật. Theo đó, việc nâng điểm đánh giá về quản trị công ty lên trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chính.
Quản trị công ty cần từng doanh nghiệp cam kết thực hiện với mục tiêu quản trị minh bạch, hiệu quả và gắn với ESG. Hiện Bộ Tài chính có kế hoạch sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP và hai thông tư hướng dẫn với mục tiêu nâng cao các yêu cầu về quản trị công ty với các công ty niêm yết, đồng thời đảm bảo thông tin được công bố minh bạch hơn, trách nhiệm hơn, chất lượng hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và khu vực ASEAN.
Năm 2024 cũng là năm thứ 12 Việt Nam tham gia đánh giá thẻ điểm quản trị công ty ASEAN cùng với 6 quốc gia trong khu vực, vì vậy, doanh nghiệp cần được cập nhật và hiểu rõ về những thông lệ tốt nhất về quản trị công ty gắn với ESG. Đây được coi là chương trình quan trọng cần được đưa vào chương trình hành động của các thành viên thị trường. Quan điểm của cơ quan quản lý là mỗi doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, đảm bảo chính doanh nghiệp đó có thể nâng điểm quản trị công ty trong thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, từ đó trợ giúp việc nâng hạng thị trường một cách đồng bộ.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Năm 2024, chúng ta chuẩn bị nền tảng, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc để các tổ chức xếp hạng đánh giá và đưa thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, cũng cần sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là của các thành viên thị trường, các công ty niêm yết, nhà đầu tư thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới sớm được nâng hạng như mục tiêu đề ra”.
Trong kỳ đánh giá gần nhất vào tháng 3/2024, FTSE Russell tiếp tục xác định Việt Nam là thị trường mới nổi thứ cấp và đặt trong danh sách theo dõi. Để cải thiện tình hình, có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung là việc yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL).
Theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), các nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại vẫn còn nhiều băn khoăn khi đầu tư vào Việt Nam. Về luật pháp, còn quá nhiều sự bất định trong các vấn đề chính sách, giải quyết tranh chấp, cấp phép và tỷ lệ sở hữu nước ngoài – tiêu chí trọng yếu để xem xét nâng hạng. Về chất lượng quản trị công ty, các quan ngại về tính chính trực của ban lãnh đạo, khả năng thẩm định thông tin, các yếu kém trong quản trị và khó khăn trong việc giao dịch sau giờ đóng cửa là những rào cản đối với dòng vốn ngoại chảy vào thị trường.
Ngoài đáp ứng điều kiện nâng hạng, ông Long cho rằng, một thị trường hoạt động chất lượng cùng với những “hàng hóa” chất lượng cũng là điểm trọng yếu giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
“Bên cạnh những cải thiện từ phía các cơ quan quản lý, văn bản pháp quy thì chính các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cùng các thành viên tham gia thị trường cần chung tay đóng góp, xây dựng một thị trường hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài”, ông Long nêu quan điểm.
Cải thiện quản trị công ty ngay từ kỳ họp đại hội đồng cổ đông
Để lượng hóa vấn đề còn tồn tại về quản trị công ty, ông Long cho biết, Việt Nam đã tham gia dự án Đánh giá thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) và trải qua hành trình hơn 10 năm phát triển từ năm 2012. Theo thống kê, điểm quản trị của các doanh nghiệp Việt vẫn ghi nhận kết quả thấp nhất trong nhóm, thậm chí vẫn thấp hơn mức trung bình, dù đã có nhiều cải thiện qua thời gian.
Đánh giá được Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết đưa ra, trong số hơn 500 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, có tới gần 90% số doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ vào tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, ngay cả ở các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Hòa Phát… với số lượng hàng trăm nghìn cổ đông.
Có 5 nội dung trọng tâm các doanh nghiệp cần cải thiện để tăng điểm quản trị công ty, theo Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, gồm bảo vệ quyền cổ đông và công bằng giữa các cổ đông; đảm bảo trách nhiệm của hội đồng quản trị và thành lập các ủy ban chuyên trách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo vai trò với các bên hữu quan, công bố thông tin minh bạch và tích hợp phát triển bền vững trong quản trị công ty.
Theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), quản trị công ty tốt gắn với đảm bảo ESG là điều kiện tiên quyết để xây dựng niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư ngày càng có những yêu cầu cao hơn và khắt khe hơn với công ty niêm yết trong việc thực thi các thông lệ tốt cũng như cam kết về phát triển bền vững.
Do vậy, việc tổ chức các kỳ đại hội cổ đông hiệu quả và minh bạch là một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất, thể hiện cam kết của hội đồng quản trị là cơ quan đại diện cao nhất của cổ đông trong công ty cổ phần trong việc đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là các quyền liên quan đến việc tiếp cận thông tin và được đối xử bình đẳng
Khẳng định cơ quan quản lý đang rất tích cực chuẩn bị khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ để giải quyết các vấn đề liên quan đến nâng hạng thị trường, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “hy vọng các doanh nghiệp sẽ hợp tác, chủ động trong việc triển khai kế hoạch này”. Cụ thể, trong kỳ đại hội cổ đông thường niên 2024, các doanh nghiệp có thể thực hiện các công việc sau:
Liên quan đến room ngoại, các doanh nghiệp cần rà soát ngành nghề kinh doanh, những ngành nghề đang tham gia và không tham gia, có thể điều chỉnh ngành nghề đăng ký kinh doanh theo hướng loại bỏ các ngành nghề đăng ký nhưng chưa triển khai để xóa bỏ những rào cản (không đáng có) với vốn ngoại.
Về vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh, doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị trước. Lộ trình công bố thông tin đã được Ủy ban Chứng khoán nêu rõ. Trước mắt, doanh nghiệp cần phải công bố các thông tin định kỳ: thông tin về tổ chức đại hội cổ đông, báo cáo tài chính, tình hình quản trị công ty, tiến độ sử dụng vốn sau khi chào bán. Doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng với các đối tác, như với công ty kiểm toán để phát hành báo cáo tài chính song ngữ, cũng như bố trí nhân sự phù hợp cho việc chuẩn bị báo cáo song ngữ.
Về việc tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến, doanh nghiệp cần rà soát Điều lệ, quy chế quản trị nội bộ xem đã được cập nhật đầy đủ để phục vụ việc tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến hay không, chủ động tham khảo kinh nghiệm của các doanh nghiệp niêm yết lớn đã tổ chức thành công. Doanh nghiệp cần chủ động mọi khía cạnh, đặc biệt khi tổ chức đại hội cổ đông, cần liên tục giao tiếp với cổ đông, cổ đông nước ngoài.