Sôi động từ dịch vụ tổ chức tới tư vấn pháp lý
Với nhiều doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn, việc lựa chọn địa điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông cũng là câu chuyện phải cân nhắc mỗi mùa đại hội, để đảm bảo hài hòa giữa hai yếu tố chi phí hợp lý cũng như đảm bảo được tính chuyên nghiệp và vị thế của công ty.
Từng có trường hợp tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo doanh nghiệp bị cổ đông chất vấn về việc tổ chức đại hội tại khách sạn lớn, tốn kém chi phí trong khi hiệu quả kinh doanh suy giảm.
Hiện trên thị trường chứng khoán có hơn 1.500 doanh nghiệp niêm yết và giao dịch trên hai sàn chứng khoán niêm yết và sàn giao dịch cổ phiếu UPCoM, cộng với nhiều công ty đại chúng khác ngoài sàn, nhu cầu thuê mặt bằng tổ chức sự kiện đại hội cổ đông vì vậy khá lớn.
Đón đầu cơ hội, nhiều đơn vị cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện đã nhanh chóng quảng cáo dịch vụ tổ chức đại hội cổ đông trọn gói, nhằm giúp doanh nghiệp tạo dựng được không gian đại hội chuyên nghiệp, bài bản. Các đơn vị này cũng cung cấp gói tổ chức đại hội tận nơi theo yêu cầu.
Các dịch vụ bao gồm cho thuê địa điểm, tư vấn pháp lý về trình tự, thủ tục, nội dung họp...
Ngoài các dịch vụ cho thuê mặt bằng, dịch vụ về kỹ thuật, các đơn vị này còn cung cấp cả dịch vụ bảo vệ an ninh khi doanh nghiệp có nhu cầu.
Một số công ty luật cũng đưa ra các gói tư vấn nhằm giúp doanh nghiệp tổ chức đại hội theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật và tư vấn giải quyết các xung đột phát sinh xung quanh cuộc họp… Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ đến từ các công ty chứng khoán thân thiết. Đây chính là cơ hội để các công ty chứng khoán gia tăng nguồn thu phí dịch vụ.
Mùa bận rộn của công ty chứng khoán
Ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, đây là khoảng thời gian bận rộn của bộ phận tư vấn.
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn tổ chức đại hội cổ đông có nhiều dạng khác nhau. Đối với các khách hàng truyền thống sử dụng gói dịch vụ IR (quan hệ nhà đầu tư) cả năm, dịch vụ tư vấn tổ chức đại hội cổ đông là một phần trong gói này.
Nhóm doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn lên sàn, IPO, các công ty chứng khoán cũng sẽ tư vấn họp đại hội cổ đông thường niên để bảo vệ phương án tư vấn niêm yết. Ngoài ra, một nhóm doanh nghiệp sử dụng gói tư vấn riêng cho mùa đại hội. Tùy theo từng nhóm khách hàng, dung lượng công việc của bộ phận tư vấn sẽ khác nhau.
Một số công ty vừa và nhỏ đã tìm đến công ty chứng khoán trong thời điểm này như là một bên tư vấn làm thủ tục, xử lý kỹ thuật, chủ yếu với mục đích tìm đơn vị trung gian để cùng tổ chức, tạo nên sự khách quan cho đại hội; đồng thời chứng minh với cơ quan quản lý cũng như cổ đông về việc đại hội được tư vấn tổ chức một cách chuyên nghiệp qua đơn vị có chuyên môn.
Thông thường, đối với các gói hợp đồng nhỏ này, công ty chứng khoán không đủ thông tin để tư vấn về nội dung đại hội.
Chỉ với các doanh nghiệp mà công ty chứng khoán thực hiện gói IR hàng năm mới có nội dung liên quan đến rà soát tài liệu đại hội, báo cáo thường niên… Đối với các khách hàng này, đơn vị tư vấn sẽ sát sao hơn trong vấn đề tài liệu trình cổ đông.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng cho biết, đối với các gói tư vấn đại hội cổ đông nằm trong các gói tư vấn IR, công ty chứng khoán thực hiện đầy đủ các thủ tục từ A - Z cho doanh nghiệp có nhu cầu.
Khách hàng của PSI chủ yếu là các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Đối với các doanh nghiệp mới lên sàn, việc thực hiện các nghĩa vụ đối với các cơ quan quản lý, cổ đông chiến lược, quỹ nước ngoài… ban đầu có thể còn bỡ ngỡ, do đó cần tới sự trợ giúp của đơn vị tư vấn là các công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, dịch vụ này cũng mang tính cạnh tranh khá cao khi các công ty chứng khoán khác đều cung cấp.
Cũng theo ông Khánh, điều quan trọng mà một cổ đông cần tại đại hội là sự tôn trọng, ứng xử công bằng của ban lãnh đạo doanh nghiệp với cổ đông, từ các cổ đông lớn chiến lược cho tới cổ đông cá nhân nhỏ lẻ.
Việc chia sẻ, giải đáp thông tin tại mỗi mùa đại hội quyết định lớn đến niềm tin của cổ đông cũng như quyết định việc các doanh nghiệp có đầy đủ cổ đông để tổ chức đại hội hay không.
“Sự chuyên nghiệp trong tổ chức quan hệ nhà đầu tư/cổ đông và minh bạch hóa thông tin của ban lãnh đạo là điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp Việt cần cải thiện hiện tại”, ông Khánh nói.