Mùa đại hội êm ả
Trên sàn chứng khoán trong nước, hiện có 9 doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu, bao gồm PVI, BVH, BMI, PTI, PGI, BIC, BLI, MGI, ABI. Hiện một số doanh nghiệp trong nhóm đang trong quá trình chốt danh sách cổ đông dự họp, như PVI, Bảo Minh, PTI, BIC.
Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán từ đại diện các doanh nghiệp trên, dự kiến, sẽ không có nhiều kịch tính trong mùa đại hội năm nay. Điều này cũng xuất phát từ sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của khối này. Dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm qua không đạt kỳ vọng của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói chung, bởi lợi nhuận từ mảng đầu tư, vốn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng từ lãi suất tiền gửi, trái phiếu chính phủ giảm mạnh, nhưng điều này đã được dự báo từ vài năm trở lại đây.
Tất nhiên, với các doanh nghiệp gặt hái kết quả kinh doanh tích cực trong năm qua, cổ đông khó có thể không hài lòng. Chẳng hạn, tại BVH, mảng phi nhân thọ vươn lên giữ vị trí số 1 về thị phần, ngoài nỗ lực tự thân thì cũng một phần do tốc độ tăng trưởng chậm lại của PVI.
CTCP PVI dù tụt xuống vị trí thứ hai về thị phần, nhưng lãi nghiệp vụ từ mảng bảo hiểm phi nhân thọ trong những năm qua luôn cao nhất thị trường và là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm có lãi nghiệp vụ trong năm 2017. Năm 2017, lãi nghiệp vụ cũng giúp cho lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt hơn 451 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2016; trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 167 tỷ đồng, tăng trưởng 55%. Nỗ lực tăng lợi nhuận của PVI vượt cả kỳ vọng của cổ đông.
Tương tự tại BIC, năm 2017, lợi nhuận riêng của Công ty mẹ đạt 213,2 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với năm 2016. Tăng trưởng đột biến của lợi nhuận riêng của Công ty Mẹ chủ yếu đến từ cổ tức được trả từ Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào - Việt.
Bước sang năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, PJICO, Bảo Minh, MIC, ABI cho biết, bên cạnh kế hoạch tăng trưởng doanh thu, mục tiêu tăng trưởng hiệu quả thông qua việc cải thiện lợi nhuận qua các năm luôn được đặt lên hàng đầu. Và đây là điều mà cổ đông các doanh nghiệp trông đợi.
Trình cổ đông những kế hoạch tăng tốc
Trao đổi với phóng viên, ông Uông Đông Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MIC cho biết, năm 2018, MIC sẽ tập trung đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh kinh doanh các nghiệp vụ có hiệu quả. Cùng với đó, MIC sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua việc niêm yết trên sàn HOSE và mời đối tác chiến lược, tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng để tăng năng lực kinh doanh. Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) phấn đấu đạt 13%.
Trong khi đó, BIC đang phối hợp với Fairfax tìm đơn vị tư vấn để tìm giải pháp công nghệ thông tin phù hợp nhất cho giai đoạn 5 - 10 năm tới. Năm qua, BIC đã có đoàn khảo sát hệ thống công nghệ thông tin tại các công ty con của Fairfax (do NTT DATA phát triển và cung cấp).
Các doanh nghiệp bảo hiểm có cổ đông lớn là ngân hàng như BIC, MIC, ABIC tiếp tục coi việc phát triển theo chiều sâu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng – bancassurance là lợi thế vượt trội trong cạnh tranh. Năm 2017, doanh số từ kênh bancassurance của BIC đã tăng trưởng tới trên 60%.
“Với sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ thông tin, phát triển mạnh mẽ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, tìm thêm nhiều khách hàng mới thông qua bán chéo sản phẩm dựa trên thế mạnh của cổ đông lớn. Chúng tôi hy vọng có nhiều điểm mới đáng báo cáo cổ đông hơn trong mùa đại hội năm sau”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay.
Tất nhiên, ngay cả với các doanh nghiệp không có ngân hàng mẹ thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bán chéo cũng mang lại những kết quả khả quan trong hệ thống bảo hiểm liên kết. PVI cho biết, năm qua, trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Công ty đã triển khai sâu hơn việc hợp tác với các ngân hàng như VPBank, Techcombank, Vietcombank, MaritimeBank, ACB, HDBank.
Còn với mảng tái bảo hiểm, PVI đặt mục tiêu hoàn tất tăng vốn trong năm nay, đẩy mạnh tìm đối tác chiến lược, niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ lệ bồi thường/phí giữ lại không cao hơn năm 2017 đối với PVI Re (Công ty do PVI đang nắm gần 70% vốn).