Mùa cổ tức ảm đạm: NĐT thiệt đơn, thiệt kép

Mùa cổ tức ảm đạm: NĐT thiệt đơn, thiệt kép

Năm 2012 chứng kiến quá nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) niêm yết thua lỗ, nên đã có thể dự báo một mùa cổ tức ảm đạm trong năm 2013.

Nhiều cổ đông sẽ không có “của để dành” từ nguồn tiền cổ tức và điều này sẽ rất thiệt thòi vì thị trường chứng khoán (TTCK) ngày một khó đoán định hơn, không dễ gì thu được lợi nhuận từ đầu tư nếu không kiên trì và tỉnh táo. Xem ra việc đầu tư cổ phiếu (CP) để hưởng cổ tức, hướng đến sự ổn định vẫn còn quá xa vời, khi phạm vi áp dụng chỉ trong một số ít mã chứng khoán có chất lượng.

 

Hết tiền

Cuối tháng 4/2012, CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) tổ chức ĐHCĐ và đề ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức từ 25% trở lên, bao gồm 15% bằng tiền và 10% CP.

Nhưng đến đầu tháng 11, DTL lại công bố điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận chỉ còn 10 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 10%. Nếu như trong nghị quyết ĐHCĐ vào tháng 4-2012, công ty còn ghi chi tiết về tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền, bằng CP là bao nhiêu, thì trong nghị quyết điều chỉnh công ty chỉ ghi đơn giản 10% không nói rõ hình thức chia ra sao.

Với kinh doanh càng khó khăn, rất khó tin DTL nếu có khả năng chia cổ tức sẽ chọn phương án chia bằng tiền mặt. Có cảm giác công ty lên kế hoạch cổ tức chỉ để cho có và cho đỡ “quê”.

Trường hợp DTL chia cổ tức bằng CP xảy ra cũng chẳng cổ đông bên ngoài nào cảm thấy hứng thú. Lý do đơn giản là do trên sàn chứng khoán, DTL là một CP thanh khoản kém, không có sóng và công ty cũng chẳng có nét gì nổi trội.

Tại ĐHCĐ năm 2012 của CTCP Tấm lợp-VLXD Đồng Nai (DCT), công ty đã đề ra tỷ lệ cổ tức tối thiểu 10%. Nhưng khi công ty công bố kết quả kinh doanh các quý năm 2012, trong đó có quý thua lỗ, kỳ vọng về việc mua CP này để hưởng cổ tức đã tan thành mây khói.

Năm ngoái, tại ĐHCĐ của một công ty xây dựng bất động sản đang niêm yết tại HOSE, trong khi các cổ đông cá nhân kỳ vọng công ty sẽ chia cổ tức, thì một tổ chức nước ngoài là cổ đông lớn đã “dội một gáo nước lạnh” khi đề nghị không chia cổ tức.

Lý do, nguồn tiền của công ty trong thời điểm đó không quá dồi dào, nếu đem chia hết có khi sẽ không còn “máu” để hoạt động. Thoạt nghe, có vẻ nghịch lý, nhưng đặt trong tình hình khó khăn, lập luận trên có lý riêng của nó.

Và như vậy, ngoài những trường hợp thua lỗ và có lỗ lũy kế không thể chia cổ tức, có thể xảy ra khả năng DN có lãi nhưng không chia cổ tức. Cổ đông rơi vào trường hợp này rất khó xử, bởi lẽ nếu nhận cổ tức - mà thường không nhiều vì DN thiếu tiền - có thể đẩy DN lâm nguy hơn, nhưng nếu không nhận thì không có lợi nhuận.

 

Khất cổ tức

Mới đây xuất hiện những thông tin về việc Vinaconex (VCG) ước đạt 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2012. Nhưng nếu đặt vấn đề từ việc “có lãi” dẫn đến việc VCG sẽ “chia cổ tức” là lạc quan thái quá.

Không cần quá am hiểu về kinh tế, tài chính cũng có thể thấy nhu cầu vốn của VCG thời gian qua và sắp tới vẫn rất lớn, công ty vẫn đang nợ hơn 10.000 tỷ đồng (tính đến quý III/2012). Vì thế, để tiếp tục theo các dự án bất động sản, có tiền trang trải cho hoạt động xây dựng cũng không dễ dàng gì.

Trước đây, cũng có trường hợp VCG chia cổ tức, nhưng sau đó lại phát hành CP, điều này cũng giống như việc bỏ tiền ra rồi lại thu về số tiền nhiều hơn trên giấy, không mấy hiệu quả và thực chất. Nếu tính toán một cách khô khan hơn, khả năng VCG cũng khó xảy ra.

Hiện nay, vốn điều lệ của VCG đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Giả định nếu công ty chia cổ tức 5%, số tiền bỏ ra cũng đã hơn 220 tỷ đồng, tức lớn hơn cả lợi nhuận đã làm ra trong năm 2012.

Còn nếu “ép” xuống để chia cổ tức cho có với tỷ lệ 1-2% lại quá “mất mặt đại gia” và sẽ có nhiều cổ đông nói thà… đừng chia còn hơn.

Nếu xem cổ tức là thước đo quan trọng để minh chứng cho sự bài bản, ổn định của DN cũng như chứng tỏ quyền lợi mà cổ đông được hưởng, hiện nay nhiều DN, nhiều CP… chẳng có gì để chứng minh. Đơn cử như trường hợp của CTCK Kim Long (KLS), thực chất đây là một CP không phải để hưởng cổ tức.

Bởi lẽ dòng tiền đổ vào KLS đậm đặc tính chất đầu cơ hơn là đi tìm sự ổn định. Đành rằng, đây là ngành nghề có nhiều biến động, nhưng chính cách hành xử của DN, kết quả kinh doanh thất thường, đã dẫn đến việc tạo ra những cổ đông “siêu ngắn hạn”. Vì thế, một cổ đông mua KLS chỉ để lướt sóng đâu có cần thiết phải dự ĐHCĐ?

Cũng chính từ đây, đã xuất hiện những hệ quả có phần tồi tệ, tiêu biểu là việc nợ cổ tức. Như trong trường hợp của CTCP Thép Nam Kim (NKG) hay KLS đã đặt ra 2 giả thiết, hoặc cổ đông quá sức dễ dãi, không đòi hỏi cụ thể về vấn đề cổ tức, hoặc DN quá chây ì.

Chính điều này đã tạo ra những kẽ hở, chẳng hạn các cổ đông thường ủy quyền việc quyết định chia cổ tức cho HĐQT. Đôi khi, vấn đề này được thông qua một cách khá thoải mái. Chẳng hạn chủ tọa nói miệng năm nay chia cổ tức với tỷ lệ nhất định, cổ đông nghe tưởng đã chắc ăn nên đề xuất thông qua và ủy quyền cho HĐQT thực hiện.

Khi HĐQT đã có quyền thì có thể “quyết” việc chia cổ tức bất cứ lúc nào. Việc chậm chi trả cổ tức, nếu mổ xẻ một cách kỹ lưỡng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi cổ đông, nhưng một số DN vẫn thực hiện một cách rất tự nhiên.

Cuối tháng 12/2012, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (SMA) lấy lý do nguồn thu về bị chậm trễ đã điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2011 bằng tiền mặt từ 20-12 sang ngày 1/4/2013, tức trễ 4 tháng.

 

Những kẽ hở

Vừa qua, ĐHCĐ của CTCK Kim Long đã diễn ra với một điều khá ngạc nhiên, là trong nghị quyết cũng như biên bản của đại hội không thấy nhắc đến vấn đề cổ tức một cách cụ thể. Cổ tức năm 2012, cổ tức dự kiến năm 2013 đều không thấy KLS đả động đến.

Thực ra sự “kỳ quặc” này không chỉ có ở KLS mà tại rất nhiều DN khác. Có những DN công bố cụ thể việc thực hiện chi trả cổ tức năm trước và dự kiến năm tới, nhưng cũng có những trường hợp để ngỏ.

Chẳng hạn, nghị quyết ĐHCĐ 2012 của CTCP Thép Nam Kim (NKG), nói đến việc “thông qua phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức 2012”, nhưng tỷ lệ trả cổ tức dự kiến lại “ủy quyền HĐQT thực hiện và báo cáo tại ĐHCĐ kỳ tới”.

Rốt cuộc, nhìn vào cũng không rõ khả năng công ty có thể chi trả cổ tức là bao nhiêu. Sự lệch lạc trong việc công bố thông tin như vậy rất đáng báo động.

Thị trường niêm yết đã vậy, trên OTC còn mờ mịt hơn rất nhiều. Theo một chuyên gia, đối với CP niêm yết, dù không nhận cổ tức, cổ đông còn có cơ hội hưởng chênh lệch giá từ việc giao dịch.

Nhưng trên thị trường OTC thanh khoản không có, cổ tức cũng không, sự thiệt thòi sẽ gấp bội.

Một lý do khác nữa là nhiều lãnh đạo DN, cổ đông lớn vẫn có thói quen cho mình là “ông chủ” đích thực của DN, còn cổ đông nhỏ lẻ là người “góp vốn” nên rất coi thường họ.

Việc không phải chịu nhiều ràng buộc trong việc công bố thông tin càng khiến những suy nghĩ này tiếp diễn mà không bị phản biện hoặc điều chỉnh.

Trong khi cổ đông nhỏ lẻ chỉ có nguồn thu từ cổ tức là chủ yếu, còn cổ đông lớn có nhiều nguồn lợi khác nhau nên có khi không cần chia cổ tức.