ĐTCK xin giới thiệu bài viết của hai NĐT Nguyễn Ẩn và Lê Sáng, góp ý cho UBCK xuất phát từ hiện trạng DN mua cổ phiếu quỹ nửa vời thời gian qua.
Mua cổ phiếu quỹ: những thương vụ nửa vời
Ngày 6/7/2015, CTCP Hoàng Anh - Gia Lai (HAG) bất ngờ công bố thay đổi việc mua lại cổ phiếu bằng phương án “không” mua cổ phiếu quỹ với lý do: “Nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư dài hạn cho các dự án trọng điểm, HĐQT Công ty đang đàm phán với các trái chủ để gia hạn ngày đến hạn của trái phiếu.
Trong quá trình đàm phán, các trái chủ có đề nghị Công ty nên dùng nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ, cùng với các trái chủ, tập trung đầu tư vào kế hoạch kinh doanh sắp tới của Công ty. HĐQT xét thấy đề nghị trên là hợp lý và có lợi cho Công ty và cổ đông trong thời điểm này, HĐQT quyết định tạm ngừng việc mua cổ phiếu quỹ, đồng thời xin ý kiến của UBCK về việc thay đổi này”.
Trước đó HAG đã công bố việc mua cổ phiếu quỹ được tiến hành từ 10/6 - 9/7/2015 trong bối cảnh giá cổ phiếu của Công ty lao dốc mạnh do những thông tin tiêu cực xuất hiện trên mạng. Với thông báo trên có thể hiểu, từ ngày 10/6 đến ngày 6/7, HAG chưa mua được cổ phiếu quỹ nào và việc CBTT mua cổ phiếu quỹ chỉ là để trấn an tâm lý NĐT.
Trước HAG, hai DN ngành dầu khí khác đã công bố việc mua cổ phiếu quỹ là GAS và PVD nhưng cả hai đều mua rất ít so với phương án đã công bố. Điều đáng nói là diễn biến giá trên thị trường hoàn toàn phù hợp với giá cổ phiếu hai công ty dự kiến mua vào.
Cụ thể, GAS công bố mua tới 10 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối đa 100.000 đồng/CP, nhưng kết cục, GAS chỉ “nhả tiền” mua hơn 600 nghìn cổ phiếu quỹ trong khi thời gian này, giá của GAS chưa từng vượt qua mốc 100.000 đồng/CP.
Với PVD, trong 6 tháng đầu năm 2015, Công ty đã 2 lần đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu quỹ, lần gần nhất PVD đăng ký mua từ ngày 23/4 - 23/5/2015 nhưng chỉ mua được hơn 300.000 cổ phiếu. Trước đó, PVD đăng ký mua cổ phiếu quỹ từ 1/2 đến 13/3/2015 nhưng Công ty không mua được cổ phiếu nào.
Pháp lý không thể nửa vời để DN lạm dụng
Hiện tại, việc mua cổ phiếu quỹ được thực hiện theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Thông tư 130/2012/TT-BTC, nhưng không có quy định bắt buộc công ty phải mua tối thiểu bao nhiêu cổ phiếu quỹ trong tổng số cổ phiếu đăng ký mua. Điều này có thể dẫn đến việc các công ty lách luật bằng cách đăng ký mua để tác động đến cung - cầu và tâm lý thị trường, nhưng cuối cùng khi báo cáo kết quả giao dịch lại không mua hoặc mua rất ít cổ phiếu quỹ.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC, trong đó có quy định như sau: “Nghiêm cấm tổ chức phát hành công bố thông tin về các giao dịch mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, nhưng không thực hiện đặt lệnh giao dịch trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ; hoặc đặt lệnh giao dịch với các mức giá nằm ngoài biên độ dao động giá trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ. Nghiêm cấm các tổ chức phát hành công bố thông tin về các mức giá dự kiến thực hiện khi giao dịch cổ phiếu quỹ”.
Quy định này nhằm bảo vệ NĐT, nhưng đọc kỹ hơn sẽ thấy vẫn có khoảng hở cho các công ty “né” luật. Hiện tại, nếu DN đã công bố thông tin là sẽ mua cổ phiếu quỹ từ nguồn hợp pháp, nhưng sau đó DN lại không mua và giải thích bằng những lý do như: “Giá biến động không phù hợp”; “giao dịch nhưng không khớp”; “thủ tục đăng ký vướng mắc” (như trường hợp của GAS)…, thì DN hoàn toàn không bị phạt hay vi phạm gì.
Với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC, DN vẫn có thể lách luật một cách hợp pháp từ việc dự thảo chỉ quy định “công ty không được phép không đặt lệnh” chứ không phải là “công ty phải mua một phần hay toàn bộ cổ phiếu quỹ đã công bố”. Nếu dự thảo mới ra đời, những trường hợp như vụ GAS tuyên bố mua cổ phiếu quỹ rồi… để đó, vẫn là hợp pháp, DN vẫn không sao cả.
Điều may mắn là thông tư này vẫn đang ở dạng dự thảo, việc góp ý cho UBCK là trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên thị trường, trong đó có NĐT. Ở góc độ NĐT, chúng tôi mong muốn khung pháp lý về TTCK của Việt Nam sẽ đi theo định hướng nâng cao tính minh bạch, tính trách nhiệm của các thành viên thị trường.
Một số kiến nghị đến UBCK
Mua cổ phiếu quỹ phát đi tín hiệu DN đang dồi dào tiền mặt và DN đánh giá cổ phiếu của mình tốt hơn giá mà thị trường đang giao dịch. Vì thế, quyết định mua cổ phiếu quỹ của DN không chỉ tác động trực tiếp đến cung - cầu cổ phiếu của DN công bố đó, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý NĐT. Nói một cách cụ thể hơn, khi DN công bố mua cổ phiếu quỹ, NĐT thường tin rằng, giá cổ phiếu đó có cơ hội tăng.
Vì thế, khi DN không làm như những gì đã công bố, không khác gì hình thức tạo tâm lý tích cực giả, gây ảnh hưởng đến niềm tin và cả “túi tiền” của NĐT nếu họ trót tin theo những gì DN công bố. Do đó, chúng tôi kiến nghị một số quy định cần được đưa vào dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74 để nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của DN trong hoạt động mua cổ phiếu quỹ:
Một là, trong phương án mua, DN cần xác định số lượng cổ phiếu quỹ tối thiểu phải mua so với tổng số lượng đăng ký, nhằm tránh trường hợp DN công bố thông tin, nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện với tỷ lệ rất thấp, gây mất niềm tin đối với DN và thị trường.
Hai là, trong thời gian DN mua cổ phiếu quỹ, cổ đông nội bộ của DN không được thực hiện các giao dịch liên quan đến cổ phiếu của chính DN, nhằm hạn chế việc cổ đông nội bộ trục lợi từ việc giao dịch cổ phiếu quỹ của công ty.
Ba là, thời gian mua cổ phiếu quỹ theo quy định hiện tại là 30 ngày, là tương đối ngắn. Vì vậy, quy định mới cần tăng thời gian mua cổ phiếu quỹ cao hơn 30 ngày nhằm tạo điều kiện để DN có cơ hội hoàn thành việc mua cổ phiếu quỹ theo phương án đã công bố.
Tăng thời gian mua cổ phiếu quỹ để DN có điều kiện hoàn thành phương án mua, thời gian mua dài cũng góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ chạy theo thông tin mua cổ phiếu quỹ trong ngắn hạn, có thể gây thiệt hại cho những NĐT cá nhân.