Nhà đầu tư rất quan tâm đến thương hiệu và mức độ nhận diện thương hiệu, mức độ trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu...

Nhà đầu tư rất quan tâm đến thương hiệu và mức độ nhận diện thương hiệu, mức độ trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu...

Mua cổ phần, nhà đầu tư ngoại “chấm kỹ” thương hiệu

(ĐTCK) Không chỉ rà soát báo cáo tài chính, thăm khám doanh nghiệp kỹ càng, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn bỏ tiền ra thuê tiến hành các cuộc khảo sát về sức mạnh thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam một cách bí mật.

Một quỹ đầu tư tài chính tại Singapore có kế hoạch mua lô cổ phần chiếm gần 40% vốn của một doanh nghiệp Việt Nam. Trong quá trình tìm hiểu doanh nghiệp, họ đã bỏ chi phí thuê một công ty nghiên cứu thị trường thực hiện một cuộc khảo sát độc lập về mức độ nhận diện của thương hiệu này trên toàn quốc.

Ở thị trường phía Nam, nơi doanh nghiệp còn chưa phát triển mạnh, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số điểm hạn chế khiến doanh nghiệp chưa thể tấn công mạnh mẽ thị trường này.

Điều này cho thấy, thương hiệu và mức độ nhận diện thương hiệu, mức độ trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu, từ đó có tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được các nhà đầu tư rất quan tâm.

Trong trường hợp tiềm năng của doanh nghiệp còn lớn, doanh nghiệp có dư địa để tiếp tục tăng trưởng, đây chính là miếng mồi ngon mà nhiều quỹ đầu tư và cả các nhà sản xuất trong cùng ngành nghề, lĩnh vực tìm kiếm.

Hơn lúc nào hết, giờ đây doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành, ý thức được rất rõ tầm quan trọng thương hiệu. Dù kinh tế khó khăn, ngân sách cho lĩnh vực marketing của nhiều doanh nghiệp vẫn không hề bị cắt giảm. Một doanh nghiệp ngành dược nằm trong top 5 của thị trường có ngân sách marketing chiếm khoảng 7-8% doanh thu hàng năm.

Rất nhiều nhà kinh doanh hiện để ý, quan sát những thay đổi, cắt giảm trong chiến lược marketing của đối thủ, tận dụng cơ hội ấy để thu hút nhóm khách hàng mới, mở ra không gian kinh doanh mới cho doanh nghiệp.

Họ tập trung, làm mới các phương thức xây dựng thương hiệu của mình để tận dụng thời điểm thị trường đang có nhiều thay đổi. Đây chính là điều mà các nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư rất ưa thích. Bởi trong thời gian không quá dài, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể chuyển biến lớn.

Mua cổ phần, nhà đầu tư ngoại “chấm kỹ” thương hiệu ảnh 1

Một trong những phương thức được nhiều nhà kinh doanh và tiếp thị sành sỏi nhắc đến gần đây là xu hướng tối đa hóa điểm chạm cảm xúc, 1 trong 5 xu hướng marketing nổi bật nhất của năm 2017. Nhiều thương hiệu đã tạo được hiệu ứng truyền thông hiệu quả khi có những hình ảnh quảng cáo xúc động, ý nghĩa, được đánh giá hiệu quả bằng các con số doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng vọt sau khi triển khai các chiến dịch truyền thông “cảm xúc” có liên quan đến nhãn hàng.

Thực tế, với bối cảnh internet bùng nổ như hiện nay, kết nối với khách hàng bằng cảm xúc (Emotional Branding) đang là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn phát triển thương hiệu Richard Moore Associates cho rằng, không phải thương hiệu nào cũng có thể chiếm lĩnh trái tim khách hàng bằng cảm xúc và thực tế, ít thương hiệu làm được điều này, bởi phần lớn các ông chủ xem thương hiệu của mình là công cụ kiếm tiền, thay vì là phương tiện hiện thực hóa đam mê cá nhân.

“Có nhiều còn đường để trở thành ‘lovemark’ (thương hiệu cảm xúc), song chỉ có một công thức chung: Từ trái tim đến trái tim, không phải từ logic đến trái tim. Cảm xúc là yếu tố rất quan trọng quyết định việc mua hàng. Muốn chiếm được trái tim khách hàng, doanh nghiệp không được quên tạo ra những ‘điểm chạm’ cảm xúc khác nhau cho họ”, ông Sơn nhấn mạnh.

Một xu hướng cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm và triển khai, đó là xây dựng thương hiệu xanh. Ngày nay, khách hàng không đơn thuần mua một sản phẩm chỉ vì chất lượng tốt hay giá cả hợp lý, họ chọn thương hiệu còn vì nó đại diện một phần cuộc sống của họ. Và khách hàng ngày càng có xu hướng tin dùng những thương hiệu thân thiện với môi trường. Một khảo sát cho thấy, gần 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết xanh, sạch.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: “Nắm bắt và thích ứng với các xu hướng marketing mới là đòn bẩy để doanh nghiệp xây dựng tốt thương hiệu, nâng cao vị thế. Một khi xây dựng được chiến lược thương hiệu bải bản, doanh nghiệp dễ chạm đến thành công”.

5 xu hướng marketing nổi bật 2017:

- Tìm kiếm cơ hội từ phân tích dữ liệu  (data khách hàng)

- Thiết kế tối giản

-Câu chuyện truyền thông khác biệt

-Tối đa hóa “điểm chạm” cảm xúc

- Thương hiệu xanh. 

Tin bài liên quan