Từ chuyện xây dựng ý thức cộng đồng
Chung cư tại các đô thị lớn tại Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, với hình thái đầu tiên là các khu tập thể của các cơ quan, đơn vị, ban ngành. Cũng vì cùng cơ quan, cùng đơn vị, nên cách cư xử ở các chung cư cũ sinh hoạt theo đúng nghĩa của môi trường tập thể với sự chan hòa, thân thiện, luôn nhìn trước ngó sau và ít xảy ra các va chạm hoặc mâu thuẫn. Ngay cả những người trong một gia đình, cũng vì ý thức nói một câu, cả tập thể đều biết, nên "lời ra tiếng vào" rất hạn chế trong các tập thể cũ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, các mô hình chung cư cũng dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn, hướng tới tính cá nhân hóa hơn. Cư dân sống trong chung cư hiện nay thuộc nhiều thành phần, trình độ, nghề nghiệp và quê quán khác nhau. Chính sự khác biệt này dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh.
Nhiều người vẫn bê nguyên văn hóa làng xã ra trình diện ở sảnh chung cư cao cấp đẹp như sảnh khách sạn 5 sao. Có người buôn chuyện rôm rả trong thang máy, hay đưa con đi ăn khắp hành lang, vừa cho ăn, vừa la mắng, hay nói chuyện điện thoại oang oang, dặn dò “Ô sin” để cả tầng nghe..., gây tiếng ồn ảnh hưởng tới nhiều nhà xung quan.
Không những vậy, tại nhiều chung cư, một số cư dân không chỉ vô tư ném rác, bỉm, cháo xuống tầng dưới, mà cả những vật dụng nguy hiểm như bát, dao, chai bia, kéo cũng bỗng dưng từ đâu bay thẳng xuống cả khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Đặc biệt, có nhiều hôm, ngay từ sáng sớm, cư dân "tá hỏa" phát hiện những bóc ni lông đầy phân, phát mùi xú uế ngay giữa hành lang đi lại phía dưới.
Được tín nhiệm làm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố cho một khu chung cư cao cấp tại Minh Khai, Hà Nội, ông Trần Việt Toản không bao giờ nghĩ sẽ vất vả đến vậy khi trở thành trung gian tiếp nhận giải quyết những mâu thuẫn giữa các hộ gia đình trong khu chung cư này.
"Cư dân sống tại các khu chung cư mới hiện nay là dân tứ xứ, có trình độ, công việc và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người một kiểu sống, mỗi người một phong tục, nên nảy sinh nhiều vấn đề", ông Toản nói và cho biết, chính lối sống ích kỷ, không quan tâm đến lợi ích chung của nhiều người đã khiến bộ mặt chung cư trở nên xấu xí. Dù đã rất nhiều lần họp hội nghị, thậm chí kêu gọi đến từng nhà về việc nâng cao nếp sống văn hóa chung cư, nhưng thực tế rất khó để các cư dân thay đổi cách sống của mình vì cộng đồng chung.
Lấy ví dụ về cách sử dụng thang máy tại khu chung cư của mình, ông Toản cho biết, nhiều người sử dụng bảng điều khiển thang máy vô tội vạ, khiến thang máy hoạt động không cần thiết, gây ảnh hưởng tới người khác cùng sử dụng thang máy, đồng thời khiến cho thang máy hoạt động hao tốn điện năng không đáng có.
Hay việc cho trẻ nhỏ ăn uống trong thang máy gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới những người xung quanh. Nhiều lúc, có những người ăn mặc thiếu tế nhị, thậm chí cả phóng uế, vẽ bậy trong thang máy, làm mất thẩm mỹ, an toàn cho thiết bị thang máy…
Mua chung cư - mua cả văn hóa ở
Trao đổi bên lề cuộc Tọa đàm "Nhà ở và văn hóa nhà ở" diễn ra mới đây, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, căn cơ của những tranh cãi trong lối sống chung cư hiện nay là do còn lỗ hổng trong quản lý chung cư. Điều kiện để ở chung cư của chúng ta đơn giản chỉ là tiền, trong khi để sống ở môi trường cộng sinh như chung cư, cần nhiều hơn thế.
“Nhìn chung, bất cứ mô hình kiến trúc nào cũng cần một văn hóa sống phù hợp với nó. Chúng ta hay nhắc tới sự khác biệt trong cách sống tại nhà phân lô và nhà chung cư mà quên rằng, bản thân những chung cư được xây dựng cách đây vài chục năm (mà ta vẫn gọi là nhà tập thể) cũng duy trì một cách sống khác với chung cư bây giờ”, ông Thông nói và cho biết, chung cư kiểu cũ chỉ cao 4, 5 tầng và sử dụng cầu thang bộ.
Đặc biệt, hành lang chung giữa các hộ trong từng tầng đều thông thoáng, mở trực tiếp ra không gian bên ngoài. Một cách tất yếu, hành lang này dần trở thành không gian sinh hoạt chung của cả tầng. Bởi lẽ, văn hóa sinh hoạt truyền thống của người Việt luôn đề cao sự tương tác, chia sẻ, gặp gỡ giữa từng cộng đồng làng xóm.
Cũng theo ông Thông, ngoài tiền, chúng ta cần cung cách hành xử tối thiểu trong môi trường tập thể. Kế đó, với những người ở những vùng nông thôn lên, họ cần những bước chuyển để trở thành dân thành thị thay vì chỉ trả tiền mua nhà. Vì khi và chỉ khi hiểu “luật chơi” phố thị, chúng ta mới cùng hướng về những giá trị chung, không gây những tranh cãi, phiền nhiễu như thời gian gần đây. Do đó, cần xác định vai trò nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn là nơi để người ta sống.
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Văn hóa nhà ở là cách sống, mô típ sống, kiểu sống, quan hệ gia đình trong ngôi nhà đó. Ở phương Tây, khi trưởng thành, cha mẹ sống tách biệt với con cái. Riêng ở Việt Nam có truyền thống ông bà, cha mẹ, con cháu sống quây quần trong môt ngôi nhà”.
Ông Vạn cũng cho biết, nếp nhà truyền thống, xuất phát từ nhu cầu trú ngụ và sinh hoạt nên rất phong phú, đa dạng, mỗi vùng miền thường có một số kiểu cấu trúc riêng. Điều này đã phản ánh một khía cạnh khác, rất đẹp của tâm tình người Việt, ấy là sự hội tụ tâm sức, tài hoa, quan niệm của nhiều thế hệ trong một kết cấu vật chất. Người kế thừa thường sống trong sự trân trọng với quan niệm thế hệ đi trước. Sự kế thừa này đã làm cho ngôi nhà truyền thống bền vững suốt hàng nghìn năm, ngay cả khi ngôi nhà được làm mới, thì quan niệm cũ vẫn được gìn giữ….
Cuộc sống hiện đại với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa đã tạo ra sự đổi thay mạnh mẽ trong lĩnh vực nhà ở. Thay vì chỉ là nơi trú ngụ đơn thuần, nhà ở còn là nơi thể hiện những thị hiếu thẩm mỹ và công năng đa dạng.
Những nhà thiết kế đứng trước những cơ hội để thể hiện tài năng của mình, nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, với vai trò là người thiết kế, sáng tạo nên các không gian ở, kiến trúc sư đang đứng trước nhu cầu cần hài hòa giữa tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng của công trình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thì bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của chủ đầu tư Khu đô thị Ecopark tại Hà Nội khi tạo dựng được một khu ở trong rừng, trong ngôi làng của người Việt. Ở đó, các không gian ở tràn ngập ánh sáng và hòa nhập với thiên nhiên. Chủ đầu tư Ecopark không chỉ bán những căn hộ mà “bán” cả một văn hóa ở.
Theo kiến trúc sư Hào, khác với văn hóa ở ở nông thôn lâu đời, văn hoá ở đô thị đang từng bước hình thành. Tại các khu đô thị như Ecopark, chủ đầu tư cùng các kiến trúc sư đang cùng tạo ra văn hóa ở đô thị.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com