Tâm lý của nhiều người tham gia giao thông là ngại mất thời gian khi làm thủ tục bảo hiểm

Tâm lý của nhiều người tham gia giao thông là ngại mất thời gian khi làm thủ tục bảo hiểm

Mua Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới chỉ vì … "bắt buộc"

(ĐTCK-online) Đã 3 năm kể từ ngày Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ra đời, song với nhiều người, loại bảo hiểm này chỉ có ý nghĩa "bắt buộc".

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới ra đời với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia giao thông, đồng thời đảm bảo chủ phương tiện phải có trách nhiệm đối với việc điều khiển xe của chính mình. Đã 3 năm kể từ ngày Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới ra đời, song với nhiều người, loại bảo hiểm này chỉ có ý nghĩa "bắt buộc".

 

Mua bảo hiểm chỉ vì bắt buộc

Nhiều người cho rằng, việc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới chỉ là việc làm bắt buộc, vì nếu không mua, khi bị cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình mà không có sẽ bị phạt và số tiền bị phạt còn lớn hơn gấp 3 lần số tiền bỏ ra mua bảo hiểm. Chính vì vậy, đối với nhiều người, việc mua bảo hiểm còn là việc làm mang tính chống đối.

"Tôi mua bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới từ nhiều năm nay rồi, nhưng nói thật, chỉ mua cho có, để khi cảnh sát giao thông hỏi đến không bị phạt, chứ tôi cũng không quan tâm nó có tác dụng gì", anh Tuân (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.

Chính sự hiểu biết chưa đầy đủ trên đã dẫn tới nhiều thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do chính sách tuyên truyền về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới mới chỉ chú trọng tới khía cạnh "bắt buộc" của loại bảo hiểm này mà ít tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của chủ xe cũng như hồ sơ, thủ tục khi gây tai nạn để được doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết.

 

"Va chạm nhẹ, tự thương lượng cho nhanh!"

Không giống như tai nạn của ô tô, va chạm đối với xe máy thường nhẹ hơn và thiệt hại nhỏ hơn nên việc gọi đến công ty bảo hiểm đa phần không được thực hiện. Chỉ khi có tai nạn gây tổn thất, thương tích nghiêm trọng, gây tắc nghẽn giao thông, đòi hỏi sự can thiệp của cảnh sát giao thông thì lúc đó, doanh nghiệp bảo hiểm mới được gọi tới.

Tâm lý của nhiều người tham gia giao thông là ngại những thủ tục rườm rà, mất thời gian khi làm thủ tục để doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường. Nhiều người còn e dè đối với cảnh sát giao thông. Bởi khi va chạm xảy ra, các chủ phương tiện sẽ được cảnh sát giao thông yêu cầu xuất trình đầy đủ giấy tờ và phân định lỗi, phần lớn một trong các bên sẽ mắc lỗi và bị phạt. Đồng thời, các bên sẽ bị đưa về trụ sở công an để tường trình. Chưa dừng lại ở đó, các bên va chạm sẽ phải hoàn tất các thủ tục mà doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu rồi mới được doanh nghiệp tiến hành giải quyết bồi thường. Như vậy, thời gian và công sức các bên bỏ ra để được giải quyết bồi thường không ít. Với những lý do kể trên, khi va chạm nhẹ, chủ xe mô tô thường "tặc lưỡi": Tự hòa giải cho nhanh.

 

Không thương lượng được thì "tự xử"

Có một thực tế đáng buồn ở Việt Nam là nhiều xe mô tô ngay sau khi gây ra tai nạn thường bỏ chạy, không bỏ chạy được mới thương lượng, giải quyết hậu quả tai nạn. Nhiều vụ va chạm giao thông xe máy gây ra không hòa giải được dẫn đến tranh cãi, đánh nhau dẫn đến thương tích, tử vong. Nhiều khi hậu quả do va chạm nhau khi lưu thông còn không nghiêm trọng bằng việc gây gổ đánh nhau. Sự việc sẽ trở nên đơn giản hơn, thậm chí ngăn chặn được những xô xát không đáng có khi có sự can thiệp của doanh nghiệp bảo hiểm và sự phân định đúng sai, cưỡng chế từ phía cảnh sát giao thông.

Rõ ràng, sau 3 năm thực hiện Nghị định 103 về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, công tác tuyên truyền đã đem tới nhiều thành quả đáng kể. Tuy nhiên, bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới mới chỉ được người dân biết tới nhiều hơn ở khía cạnh "bắt buộc", còn những hiểu biết về quyền và lợi ích và các thủ tục để giải quyết bồi thường thì ít được biết đến.

Muốn thay đổi điều này, cần có sự góp sức của nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan như Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm vận tải ô tô Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan có liên quan khác. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, các bên cần giáo dục, đào tạo cho các chủ xe (thông qua các hiệp hội vận tải địa phương). Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cũng cần có những biện pháp cưỡng chế với các chủ xe gây tai nạn bỏ chạy, chủ xe gây gổ đánh nhau, chủ xe không mua bảo hiểm.