Tính tới thời điểm tổng hợp ngày 17/7/2020 chưa ghi nhận các báo cáo chính thức của các doanh nghiệp lớn, mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong nhóm thống kê lợi nhuận quý trên 20 tỷ đồng, tăng trưởng lợi nhuận trên 16% chỉ có 19/102 mã cổ phiếu đã công bố.
Trong đó, kết quả kinh doanh tăng trưởng chủ yếu là các doanh nghiệp hưởng lợi riêng biệt và ngành khu công nghiệp có dấu hiệu vượt trội so với những ngành khác. Diễn biến này khá khác biệt so với các giai đoạn trước dịch, khi luôn có những nhóm ngành hưởng lợi nhất định.
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng giai đoạn đầu của mùa báo cáo tài chính. Theo đó, CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với doanh thu thuần là 152,98 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 71,5 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 151,26% và 134,23%.
Trong đó, phần lớn doanh thu quý II đến từ cho thuê đất và phí quản lý, chiếm 87% tổng doanh thu, tăng 219% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, chỉ mới 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 73,75% kế hoạch doanh thu và 108,5% kế hoạch lợi nhuận.
CTCP Phát triển đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) công bố doanh thu quý II/2020 là 68,2 tỷ đồng, lợi nhuận 101,5 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11,8% và 129,6% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp hoàn thành 84,1% kế hoạch lợi nhuận.
Điểm đáng chú ý, đóng góp lợi nhuận chủ yếu nhờ doanh thu tài chính từ số tiền gửi ngân hàng, tính tới 30/6/2020, số dư tiền mặt, tiền gửi kỳ hạn ngắn là 1.314,4 tỷ đồng, chiếm 63,6% tổng tài sản.
CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) công bố báo cáo quý II/2020 với doanh thu 75,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 32,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 38,8% và 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) công bố báo cáo quý II/2020 với doanh thu đạt 50,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 55,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,9% và giảm 8,1%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 79,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Được biết, đà tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ doanh thu tài chính.
Như vậy, có thể thấy, đặc điểm của nhóm doanh nghiệp khu công nghiệp có thể tăng trưởng mạnh nhờ quỹ đất còn lại và tiếp tục cho thuê mới hoặc lãi tiền gửi ngân hàng nhờ số tiền mà khách hàng ứng trước thuê 50 năm, doanh nghiệp dùng một phần tiền này để đầu tư mở rộng và phần lớn gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn.
Nhóm cổ phiếu đơn lẻ lên ngôi
Ngoài nhóm cổ phiếu khu công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng theo ngành, trên sàn ghi nhận báo cáo không có một nhóm ngành nào vượt trội ngoài câu chuyện đơn lẻ của các doanh nghiệp.
CTCP Cao su Phước Hoà (PHR) công bố báo cáo tổng doanh thu là 466,43 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 256,88 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 60,82% và 332,99% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 43% kế hoạch lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ. PHR cho biết, đối với dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, doanh nghiệp và NTC đã ký kết hợp đồng đền bù, hỗ trợ thiệt hại.
PHR đã ghi nhận một phần tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại là 456 tỷ đồng, phần còn lại theo kế hoạch sẽ ghi nhận chậm nhất trong tháng 10/2020.
Như vậy, có thể thấy, nếu so sánh kết quả kinh doanh của PHR và các doanh nghiệp cao su thiên nhiên trong ngành như CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) khi lợi nhuận quý II/2020 chỉ ghi nhận 16 tỷ đồng, giảm 43,5%.
Điều này chứng tỏ kết quả kinh doanh của ngành cao su thiên nhiên về hoạt động khai thác mủ cao su gặp khó, chỉ có lợi nhuận đột biến giúp doanh nghiệp vượt trội hơn so với ngành.
CTCP Bột giặt NET (NET) công bố báo cáo quý II/2020 với doanh thu là 369,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 41,9%, lần lượt tăng trưởng 30,9% và 116% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành tới 98,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của năm. Nhờ cung cấp dịch vụ thiết yếu, đặc biệt giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, nhu cầu sản phẩm của NET tăng đột biến, giúp doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ xu hướng ngành.
CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC) công bố báo cáo quý II/2020 với doanh thu 1.575,97 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 269,22 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19,2% và 67,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận của năm 2020.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trùng với thời điểm doanh nghiệp chuẩn bị chuyển sàn từ HNX sang HOSE. Trong khi đó, lịch sử giai đoạn 2016-2019 có diễn biến thất thường, năm 2017 và năm 2019 lợi nhuận và doanh thu đột ngột giảm khá mạnh.
CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với doanh thu là 3.127,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 545,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,6% và tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 83,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chính làm tăng lợi nhuận trước thuế là do tỷ giá USD và JPY giảm nên chi phí chênh lệch tỷ giá giảm 111,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi phí khác đều giảm đã giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận.
Như vậy, có thể thấy, bức tranh tài chính quý II và 6 tháng đầu năm với điểm sáng tiếp tục là ngành khu công nghiệp và các doanh nghiệp riêng lẻ với câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp, thay vì hưởng lợi đồng bộ theo nhóm ngành như trước đây.
Với việc còn nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn chưa công bố sớm báo cáo tài chính, điều này sẽ là dấu hỏi cho giới đầu tư với các ngành dự báo gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch như hàng không, thuỷ sản, dệt may…
Bên cạnh đó, với việc giãn nợ vay, hạ lãi suất, nhóm ngân hàng vốn hóa lớn có thể sẽ công bố báo cáo kém khả quan hơn so với cùng kỳ.