Danh bạ cũng có thể bị theo dõi nếu điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén Ptracker

Danh bạ cũng có thể bị theo dõi nếu điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén Ptracker

Mua bán thông tin của cá nhân, pháp nhân có là phạm luật?

(ĐTCK) Vừa qua, thông tin về vụ nghe lén 14.000 điện thoại di động đã khiến dư luận chấn động. Cơ quan điều tra đã có thông tin chính thức đầu tiên về vụ việc, theo đó, đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can; trong đó, 3 bị can đã bị bắt tạm giam, 1 bị can được cho tại ngoại.

Theo kết quả điều tra, một phần mềm có tên là Ptracker đã được Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng tung ra thị trường có chức năng giám sát điện thoại di động. Đã có 14.000 điện thoại chạy trên nền hệ điều hành Android bị cài đặt phần mềm này và mọi dữ liệu của điện thoại bị cài đặt như danh bạ, tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển… được phần mềm lưu lại, đẩy lên máy chủ sau đấy chỉ khoảng 5 - 10 phút.

Những cá nhân là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Việt Hồng đã bị khởi tố. Tuy nhiên, nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự với cả những người đã trả phí cho Công ty Việt Hồng để được theo dõi điện thoại của người khác. Theo đó, những người này có dấu hiệu vi phạm Điều 125, Bộ luật Hình sự - “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”. Nếu họ dùng những thông tin lấy cắp được trên điện thoại của người khác vào mục đích thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có nguy cơ bị xử lý theo Điều 226 - Tội sử dụng mạng máy tính. 

Có thể nói, đây là một trong nhiều vụ án có hành vi trong nhóm tội phạm công nghệ cao, vốn có xu hướng gia tăng gần đây. Rất nhiều vụ án lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội, để chiếm đoạt tài sản của người khác đã xảy ra.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico nhận xét, trong xã hội công nghệ thông tin phát triển, thông tin riêng tư của con người bị ảnh hưởng ghê gớm. Trong khi đó, Điều 125 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác chỉ có khung hình phạt nặng nhất là phạt tù chỉ từ 3 tháng đến 2 năm. Đây được đánh giá là loại tội phạm ít nghiêm trọng, do đó, hình phạt cũng “nhẹ nhàng”. Do đó, với người sử dụng, tốt nhất là cần thận trọng, cân nhắc trước những tiện ích được cung cấp trên mạng internet.

Ở góc độ khác, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị làm phiền bởi những tin nhắn, email, các cuộc gọi đến từ hàng loạt nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chào mời vay vốn ngân hàng, bán nhà đất, căn hộ, sim điện thoại, mà họ chưa từng biết/giao dịch trước đó. Sở dĩ những doanh nghiệp này có được thông tin về cá nhân, tổ chức là do mua cả một cơ sở dữ liệu từ những đơn vị chuyên đi thu thập và bán lại. Có thể dễ dàng bắt gặp những thư chào bán hàng nghìn thông tin cá nhân, pháp nhân như vậy trên mạng internet.

Vậy việc trao đổi, mua bán thông tin của cá nhân, pháp nhân này có vi phạm pháp luật, có phải là xâm phạm bí mật thông tin cá nhân, bí mật đời tư?

Theo Luật sư Trần Minh Hải, quyền bảo vệ thông tin bí mật cá nhân là quyền thiêng liêng, phải được tôn trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hầu hết thông tin trên mạng chỉ là địa chỉ, điện thoại, email, những thông tin rất dễ tìm của doanh nghiệp, cá nhân. Đa phần thông tin rao bán chỉ là phương thức liên lạc, người ta chỉ tập trung, hệ thống hóa dữ liệu sơ bộ ban đầu thậm chí nhiều thông tin sai lệch, không thể sử dụng được. Do đó, không nên nhìn nhận đây là vấn đề nghiêm trọng.

“Nếu là xâm phạm thông tin gây tác hại nghiêm trọng thực sự như tiết lộ cơ sở khách hàng của một công ty hay tiết lộ quy trình sản phẩm, bí quyết kinh doanh thì đây là hành vi nguy hiểm”, luật sư Trần Minh Hải nói. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận đây là hành vi không mong muốn thì để ngăn chặn cần có quy định như cấm thư rác. Điều này hoàn toàn có thể chặn được qua việc phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ nguồn.

Ông Hải cho rằng, việc bán và cung cấp dữ liệu không phải là phạm tội và ngăn chặn việc này có thể cản trở dịch vụ sau này, những dịch vụ mang tính kết nối thông tin. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, ranh giới phân biệt thông tin được công khai và thông tin riêng tư được pháp luật công nhận quyền giữ bí mật là rất mong manh.            

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội):

Về cơ bản, việc mua bán cơ sở dữ liệu thông tin như vậy, kinh doanh ngành nghề như vậy thì không được đăng ký kinh doanh, đó là kinh doanh ngành nghề không được Nhà nước cho phép. Nếu như xử lý thì hành vi đó là kinh doanh không đúng ngành nghề theo đăng ký kinh doanh, đó là kinh doanh trái phép.

Nhưng việc mua bán đó chưa phải là tội phạm theo điều 226 bởi chưa có hậu quả. Điều 226 quy định: (i) người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật; (ii) mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai những thông tin riêng hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan khác trên mạng máy tính…mà không được phép của chủ sở hữu và gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hơn nữa, một số thông tin của doanh nghiệp được công khai trên mạng của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế nên không phải thông tin về bí mật đời tư của người khác.

Tin bài liên quan