Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nói về những rủi ro chính sách như là một trong những rủi ro lớn nhất đối với hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN hiện nay.
Trao đổi với ĐTCK về hoạt động mua bán nợ năm 2013, ông Quang cho biết, năm qua, DATC đã ký được 15 hợp đồng mua nợ trị giá 1.793 tỷ đồng, với giá vốn mua nợ là 537 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm và tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2012.
Lũy kế từ năm 2004 đến năm 2013, Công ty đã thực hiện tổng cộng 136 phương án mua bán nợ với giá trị khoản nợ theo mệnh giá là 10.172 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.996,6 tỷ đồng; đã thu hồi được 3.172,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi 106%.
Nhiều DN thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, sau khi được DATC tham gia tái cơ cấu đã phục hồi và phát triển mạnh, như CTCP Đường Sơn La (SLS), CTCP Đường Kontum (KTS), 2 năm gần đây luôn nằm trong Top cổ phiếu có tỷ lệ sinh lời lớn nhất trên sàn niêm yết với EPS đạt từ 6.000 - 12.000 đồng/CP.
Năm 2013, 2 đơn vị này ở trong Top 1.000 DN đóng thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam, trong khi Công ty mẹ DATC cũng đứng thứ 268 trong danh sách này.
“DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho khoảng 20 tổng công ty 100% vốn nhà nước thành CTCP, góp phần tích cực thực hiện lộ trình cổ phần hóa DNNN của Chính phủ”, ông Quang nói, nhưng cũng cho biết, những bất cập về chính sách đang là điểm nghẽn lớn nhất đối với hoạt động mua bán nợ, qua đó làm chậm quá trình cổ phần hóa.
Cụ thể, theo ông Quang, hoạt động chuyển nợ thành vốn góp của DATC mới chỉ “làm sạch” DN khách nợ, sau đó các đơn vị này cần dòng vốn lưu động để triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, cơ chế hiện hành không cho phép DATC dùng tiền nhàn rỗi để cho các DN vốn đã là DN thành viên của mình vay hoặc bảo lãnh cho vay, nhưng lại cho phép Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được triển khai hoạt động này.
“Nút thắt này khiến chúng tôi đôi khi phải ‘lách’ bằng cách gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng và đề nghị ngân hàng đó cho DN thành viên đang cần vốn vay với sự cam kết của chúng tôi. Như vậy, các DN sẽ mất chi phí trung gian từ các ngân hàng, thủ tục rườm rà hơn và do đó, hiệu quả hoạt động của DN cũng sẽ kém hơn nhiều”, ông Quang nói.
Nói cụ thể hơn, ông Phan Hoài Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý đầu tư, DATC dẫn ra 4 điểm nghẽn chính sách đang cản trở hoạt động mua bán nợ hiện nay.
Thứ nhất, cơ chế cho vay hiện chưa tạo động lực để DATC hỗ trợ các DN tái cơ cấu. Trên thực tế, các DN buộc phải bán nợ có tình hình tài chính rất bi bét, không có vốn lưu động để hoạt động. Việc chuyển nợ thành vốn góp của các nhà đầu tư, trong đó có DATC, cũng không tạo ra dòng tiền lưu động cho DN triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh. DATC không được cho các DN này vay thêm để có vốn hoạt động, nên rất nhiều trường hợp DN “sạch” rồi, nhưng vẫn không thể hoạt động.
Thứ hai, cơ chế xóa nợ tương đương lỗ lũy kế đối với những DN khách nợ không âm vốn chủ sở hữu sau khi đã được DATC chuyển nợ thành vốn góp hiện rất khó khăn. Trong khi nếu không thể xóa nợ, thì các DN này rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để phục hồi hoạt động.
Thứ ba, hiện cơ chế quy định DATC phải áp lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với đối tượng tái cơ cấu là DNNN. Đối với DN ngoài Nhà nước, mức lãi suất này sẽ được cộng thêm 1% và thường cao hơn lãi suất của ngân hàng thương mại. Các DN khách nợ thường khó chấp nhận mức lãi suất này và không chịu xác nhận công nợ, làm ảnh hưởng đến kết quả tái cơ cấu. Ông Hiệp cho rằng, mức lãi suất đầu tư nên thay đổi linh động và theo lãi suất thị trường.
Thứ tư, theo ông Hiệp, cần có cơ chế thông thoáng hơn cho phép DN giảm vốn điều lệ tương ứng với phần lỗ lũy kế. “Nếu không có cơ chế giảm quy mô DN khi thua lỗ thì DN đó cứ mãi ôm khoản lỗ để rồi đi đến phương án cuối cùng là phá sản”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính dẫn một ví dụ cụ thể là trường hợp mua bán nợ của CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) để thấy những điểm mắc chính sách ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu DN.
Nhựa Tân Hóa vốn từng niêm yết trên sàn HOSE, do thua lỗ triền miên nên phải xuống đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM. Để tái cơ cấu DN này, DATC đã bỏ ra 71 tỷ đồng cùng một số nhà đầu tư tham gia chuyển nợ thành vốn góp. Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu VKP đã giậm chân tại chỗ từ hơn 1 năm nay, DN hiện đã dừng sản xuất vì không có vốn hoạt động.
Trong khi đó, DATC và một số nhà đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, xin phép cho Nhựa Tân Hóa được phát hành cổ phần dưới mệnh giá khi DN không có thặng dư vốn. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa đồng ý do trường hợp này chưa có tiền lệ.
Trao đổi về những khúc mắc chính sách tại hội nghị tổng kết của DATC mới đây, ông Lê Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cũng thừa nhận những điểm nghẽn này đang cản trở lớn đến hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN, đồng thời làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đang rất muốn đẩy nhanh.
Đồng thời, đại diện cơ quan chuyên nghiên cứu, ban hành hành chính sách, chế độ về tài chính DN, ông Hải cho rằng, với thực tế rút ra từ quá trình triển khai hoạt động mua bán nợ, DATC cần chủ động đề xuất hướng khắc phục những điểm nghẽn chính sách để tạo thuận lợi hơn cho công tác này.
Tuy nhiên, theo ông Quang, các vướng mắc này trên thực tế DATC đã “kêu” từ lâu, nhưng vẫn chưa được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và đối với hoạt động đặc thù chuyên tiếp nhận, xử lý những DN đã quá yếu kém, bết bát của Công ty.
“Chúng tôi hoạt động vẫn hiệu quả, các năm qua đều có lãi, bảo toàn được vốn nhà nước. Nhưng quả thật, nút thắt về chính sách lâu không được tháo gỡ đôi khi khiến anh em thấy nản. Năm 2014 này, chúng tôi sẽ tập trung cao độ cho hoạt động tái cơ cấu các DN thành viên của SBIC (Vinashin trước đây) và hy vọng, cơ chế, chính sách sẽ từng bước cởi trói cho hoạt động này”, ông Quang nói.