Hóa đơn trái phép nghìn tỷ
Qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. Hải Phòng phát hiện Phạm Thị Canh, Lương Thị Nữ, Vũ Thị Thủy có dấu hiệu hoạt động mua bán hóa đơn GTGT trái phép, thu lợi bất chính.
Tháng 5/2019, Cơ quan an ninh điều tra đã triệu tập lấy lời khai đối với 3 cá nhân. Các đối tượng thừa nhận việc mua bán hóa đơn, khai cất giấu con dấu, hóa đơn, tài liệu tại một khách sạn.
Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét và thu giữ các tài liệu, vật chứng gồm nhiều giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, con dấu, các quyển hóa đơn GTGT cùng các tài liệu khác.
Qua điều tra xác định, từ năm 2013, Phạm Thị Canh đã thành lập và mua lại 7 công ty gồm Công ty TNHH Thép Phương Mai, Công ty TNHH thương mại đầu tư và phát triển Hương Trường, Công ty TNHH XNK thương mại Anh Khánh, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nghĩa Hiệp, Công ty TNHH phát triển thương mại và dịch vụ Thành Luân, Công ty TNHH đầu tư và thương mại dịch vụ Trần Chung, Công ty TNHH vật tư thương mại và dịch vụ Đức Nam.
Phạm Thị Canh sử dụng các pháp nhân này để mua bán trái phép hóa đơn. Bị cáo đã thuê nhiều người làm kế toán cho các công ty.
Trong đó, Lương Thị Nữ làm kế toán Công ty Thép Phương Mai, Vũ Thị Thủy làm kế toán Công ty CH, thực hiện công việc viết hóa đơn, soạn thảo hợp đồng, chứng từ và giao dịch ngân hàng.
Các công ty này không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ nhưng Phạm Thị Canh cùng đồng phạm đã ghi khống nội dung hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn GTGT và chứng từ kèm theo để kiếm lời.
Phạm Thị Canh đã bán tổng cộng 1.596 hóa đơn GTGT với số tiền hàng hóa dịch vụ chưa thuế ghi khống là hơn 1.367 tỷ đồng. Giá bán 1% tổng số tiền trên hóa đơn khống. Số tiền bị cáo thu lợi là hơn 13 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa việc bán hóa đơn, bị cáo đã kê khai hóa đợn GTGT của nhóm 7 công ty nói trên làm đầu vào cho nhau và mua nhiều hóa đơn của các đối tượng khác.
Về việc mua hóa đơn, bị cáo khai mua của nhiều người khác nhau, không nhớ thân nhân, lai lịch.
Áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù
Cơ quan điều tra xác minh được 62 công ty đầu ra, trong đó 51 doanh nghiệp trình bày có mua hàng hóa, dịch vụ, được xuất hóa đơn và chứng từ kèm theo. Có 3 doanh nghiệp không có giao dịch với các công ty của bị cáo, và 8 công ty vắng mặt, chưa lấy được lời khai.
Có 26 công ty đầu vào. Trong đó, 9 công ty không phát sinh giao dịch với các công ty của bị cáo. Có 5 người không biết bản thân làm giám đốc, 2 người làm giám đốc thuê không biết công ty hoạt động như thế nào, có 9 giám đốc vắng mặt, chưa lấy được lời khai.
Sau khi tính toán các khoản chi phí mua, bán hóa đơn, chi phí thuê kế toán, nộp ngân sách... cơ quan công tố xác định, Phạm Thị Canh thu lợi bất chính 170 triệu đồng. Bị cáo Lương Thị Nữ đã nhận 64 triệu đồng và bị cáo Thủy nhận 26 triệu đồng.
Với hành vi này, cơ quan công tố truy tố các bị cáo tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước.
Tại phiên tòa xét xử các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội.
Theo Tòa án, hành vi của các bị cáo kéo dài từ trước đến sau khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực pháp luật.
Hành vi của các bị cáo phạm vào tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Theo Bộ luật Hình sự 1999 và 2015, thì hành vi của các bị cáo đều rơi vào khung hình phạt theo khoản 2 và đều ngang nhau, mức phạt tù từ 1 – 5 năm.
Nhưng Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn là hình phạt tiền. Mức phạt từ 200-500 triệu đồng.
Theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, Tòa án xét xử theo Bộ luật Hình sự 2015.
Sau khi xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tòa án cho rằng không cần thiết phạt tù các bị cáo mà áp dụng hình phạt chính là phạt tiền cũng đã đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Theo đó, bị cáo Phạm Thị Canh bị phạt 250 triệu đồng, bị cáo Nữ bị phạt 200 triệu đồng, bị cáo Thủy bị phạt 200 triệu đồng vì tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp Ngân sách nhà nước.
Tất cả các bị cáo đều đã nộp xong số tiền phạt.
Số tiền thu lợi bất chính các bị cáo cũng đã nộp hết.