MSCI cho biết, phần lớn những người tham gia thị trường xem thị trường Nga là “không thể đầu tư” và chứng khoán Nga sẽ bị xóa khỏi chỉ số thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets có hiệu lực từ ngày 9/3.
Tương tự, FTSE Russell sẽ xóa các cổ phiếu của Nga được niêm yết trên Sàn Giao dịch Moscow vào ngày 7/3. Trong khi đó, Giám đốc điều hành LSE, David Schwimmer cho biết, giao dịch của 28 chứng chỉ lưu ký (DR) của các công ty Nga đã bị đình chỉ trên LSE.
Mối liên hệ của Nga với các thị trường toàn cầu đang bị cắt giảm do dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng sau khi xảy ra xung đột vũ trang với Ukraine, trong khi các biện pháp kiểm soát vốn của Moscow và lệnh cấm người nước ngoài bán chứng khoán tại địa phương đã chặn các nhà đầu tư quốc tế bán ra. Cú đánh mới nhất xảy ra khi người mua từ chối xuất khẩu dầu của Nga, trong khi trái phiếu Nga bị hạ xếp hàng xuống “trái phiếu rác” (junk bond).
Russel Chesler, trưởng bộ phận đầu tư và thị trường vốn tại nhà quản lý quỹ VanEck Associates cho biết: “Chúng tôi không thể bán cổ phiếu Nga của mình. Ngay cả tuần trước các công ty môi giới của chúng tôi đã không bán chúng khi thị trường mở cửa và điều này sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn đối với các nhà đầu tư”.
Theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, các quỹ ETF toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định của MSCI và FTSE. Nhưng tác động sẽ ở mức “nhỏ” vì Nga chỉ chiếm chưa đến 5% trong rổ quỹ chỉ số toàn cầu.
Quỹ tài sản nhà nước 1.300 tỷ USD của Na Uy đã chứng kiến giá trị tài sản nắm giữ của họ ở Nga giảm khoảng 91% trong năm nay và họ đang vật lộn với câu hỏi về việc bán cổ phiếu Nga.
Vincent Mortier, giám đốc đầu tư của Amundi SA nói với khách hàng vào hôm thứ Năm (3/3) rằng, việc giảm tiếp xúc với chứng khoán Nga vào lúc này đang trở nên khó khăn. Trước đó, Giám đốc điều hành Peter Harrison của Schroders Plc đã nói rằng rất khó để xem Nga là bất cứ thứ gì khác ngoài không thể đầu tư.
Chỉ số Dow Jones Nga GDR theo dõi các công ty lớn của Nga như Gazprom và Sberbank đã giảm khoảng 96% trong hai tuần qua.
LSE cho biết, việc LSE đình chỉ giao dịch chứng chỉ lưu ký của Nga là "liên quan đến các sự kiện ở Ukraine, trong điều kiện thị trường và để duy trì thị trường có trật tự", LSE cho biết trong một tuyên bố. LSE cũng cho biết các hoạt động ở Nga và Ukraine chiếm dưới 1% tổng thu nhập của LSE.
Trong khi Moscow tiếp tục đóng cửa thị trường chứng khoán kể từ ngày 28/2, cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài của các công ty Nga đã lao dốc trong tuần này. Để hỗ trợ thị trường, Nga này đã thông báo hôm 1/3 rằng họ sẽ triển khai tới 10 tỷ USD từ quỹ tài sản nhà nước để mua cổ phiếu.
Marek Drimal, chiến lược gia về châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Societe Generale cho biết: “Tài sản của Nga đã trở nên rủi ro. Thị trường trong nước bị rào cản và về cơ bản là không thể đầu tư được, trong khi thị trường nước ngoài đã bị đóng băng. Tốc độ của các sự kiện khi chúng đang diễn ra chỉ khiến bạn cảm thấy bối rối”.
Ấn Độ và Trung Quốc có thể hưởng lợi
Việc cổ phiếu Nga bị loại bỏ khỏi các chỉ số có nghĩa các thị trường mới nổi khác có thể được hưởng lợi từ dòng vốn mới.
Vihnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược Mizuho Bank cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc có thể là những người hưởng lợi.
Alan Richardson, Giám đốc danh mục đầu tư tại Samsung Asset Management cho biết, dòng vốn có thể xoay quanh Indonesia và Malaysia, những quốc gia có cùng điểm giống với Nga về nền kinh tế dựa trên hàng hóa.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, Nga có tỷ trọng 1,5% trong chỉ số các thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets và 1,3% trong chỉ số các thị trường mới nổi của FTSE Russell.