MSB: Nhiều thay đổi trước thềm niêm yết

MSB: Nhiều thay đổi trước thềm niêm yết

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Báo lãi tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm, cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi là những điểm đáng chú ý của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Cơ cấu cổ đông thay đổi

Dự kiến vào ngày 23/12/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán trọn lô 4.031.812 cổ phần, chiếm 0,34% số lượng cổ phần của MSB do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) sở hữu. Mức giá khởi điểm của lô cổ phần này là 52,4 tỷ đồng, tương đương 13.000 đồng/cổ phần.

Thông báo của DATC cho biết, đã có hai nhà đầu tư vượt qua vòng thẩm định năng lực và đủ điều kiện tham gia đấu giá là Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh bất động sản Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần Đầu tư và quản lý khách sạn TNH.

Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư và quản lý khách sạn TNH là doanh nghiệp được thành lập năm 2015 do ông Nguyễn Việt Sơn làm người đại diện theo pháp luật.

Ông Sơn cũng đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ TNS Holdings (TN1).

Trước đợt đấu giá của DATC, ngày 4/12/2020, Hội đồng quản trị TN1 đã ra nghị quyết về việc không thực hiện giao dịch mua cổ phần MSB theo Nghị quyết Hội đồng quản trị số 23, ngày 4/11/2020, với lý do không thống nhất được điều kiện với đối tác.

Theo Nghị quyết số 23, TN1 sẽ nhận chuyển nhượng 12,2 triệu cổ phần MSB từ Công ty cổ phần Bất động sản xây dựng Hưng Thịnh với giá dự kiến 23.000 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá đang được chào mua, chào bán trên thị trường OTC (trong khoảng 13.000 - 14.000 đồng/cổ phần).

Trước đó, vào ngày 29/10/2020, TNS Holdings cũng thông qua việc nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB từ Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam, với giá 14.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị hơn 305 tỷ đồng.

Bản công bố thông tin bán cổ phần của DATC cho biết, tính đến ngày 25/9/2020, toàn bộ vốn của MSB do 4.109 nhà đầu tư trong nước sở hữu, trong đó có 66 cổ đông tổ chức sở hữu 73,45% vốn, không có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần. Ngân hàng cũng có 100,5 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,56% tổng số cổ phần.

Như vậy, nhiều khả năng đã có hoạt động chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của cổ đông ngoại tại MSB trong 9 tháng đầu năm nay. Bởi theo báo cáo thường niên 2019 của Ngân hàng, tại thời điểm 31/12/2019, Ngân hàng có 8,289% vốn do cổ đông tổ chức nước ngoài nắm giữ, cổ đông cá nhân nước ngoài sở hữu 0,004%.

Tuy nhiên, trong bản cáo bạch chào bán cổ phiếu quỹ mới được công bố, tính đến ngày 13/11/2020, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại được nâng lên 29,18%, sở hữu bởi 6 nhà đầu tư tổ chức và 1 cá nhân sở hữu 500.000 cổ phần. Trong khi sở hữu của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước giảm xuống tương ứng.

Cũng theo bản cáo bạch này, MSB hiện chỉ có một cổ đông lớn là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), với tỷ lệ sở hữu 6,09%.

Cổ đông lớn này được đánh giá sẽ khó gắn bó lâu dài với MSB, bởi VNPT từng ba lần tổ chức bán đấu giá phần vốn tại MSB nhưng không thành công. Tương tự, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng từng đấu giá không thành công 2,4 triệu cổ phần MSB đang sở hữu.

Chỉ số tài chính cải thiện

Báo cáo tài chính hợp nhất của MSB cho biết, tính đến cuối quý III/2020, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 166.489 tỷ đồng, tăng 6,06% so với đầu năm.

Động lực chủ yếu đến từ tăng trưởng dư nợ cho vay và chứng khoán đầu tư, trong khi tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và một số tài sản khác như phải thu, lãi phí phải thu có xu hướng giảm.

Tương tự các ngân hàng khác, cho vay khách hàng là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của MSB, với 72.418,6 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III, tăng 15,48% so với đầu năm.

Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân chiếm 28,32% tổng dư nợ cho vay, còn lại là khách hàng doanh nghiệp.

Khách hàng doanh nghiệp cũng chính là động lực tăng trưởng tín dụng chính trong 9 tháng đầu năm nay, với tỷ lệ tăng dư nợ đạt 18,19% so với chỉ 9,09% của các khách hàng cá nhân.

Xét theo ngành nghề cho vay, động lực tăng trưởng tín dụng của MSB chủ yếu đến từ nhóm thương mại hàng công nghiệp nhẹ, tiêu dùng và xây dựng, với mức tăng trưởng dư nợ 34,4% và 87,2% trong 9 tháng, qua đó, giữ vị trí thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu dư nợ của MSB với tỷ lệ lần lượt là 10,19% và 8,56% tổng dư nợ.

Ở chiều ngược lại, dư nợ của nhóm bất động sản và cơ sở hạ tầng, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu dư nợ cho vay lại có xu hướng giảm mạnh đến 22,2%. Tỷ trọng trong tổng dư nợ giảm từ 23,65% hồi đầu năm đến cuối tháng 9/2020 chỉ còn 15,93%.

Xét theo đối tượng khách hàng và loại hình doanh nghiệp, hoạt động cho vay của MSB tập trung vào nhóm khách hàng ngoài nhà nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của MSB đến 30/9 đã tăng lên 2,32% từ mức 2,04% đầu năm.

Tuy vậy, điểm tích cực là việc xử lý nợ xấu tại VAMC của MSB đạt kết quả khá tốt. Sau khi giảm 54% quy mô trái phiếu VAMC trong năm 2019, tính tới 30/9/2020, Ngân hàng đã hoàn tất mua lại toàn bộ số nợ đã bán cho VAMC.

Đối với khoản mục chứng khoán đầu tư, giá trị cũng đã tăng mạnh 15,3% trong 9 tháng 2020, qua đó chiếm 31,6% tổng tài sản, chủ yếu là chứng khoán nợ chính phủ và địa phương (chiếm 62,3%) và chứng khoán nợ của các tổ chức tín dụng khác (chiếm 28,66%), tăng lần lượt 21% và 28% về giá trị so với đầu năm. Trong khi đó, giá trị chứng khoán nợ của các tổ chức kinh tế khác (thường là trái phiếu doanh nghiệp) giảm 14,9% so với đầu năm.

Việc tăng đầu tư vào các chứng khoán nợ chính phủ và địa phương được đánh giá có tính an toàn cao hơn so với hoạt động đầu tư vào các loại trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn huy động có xu hướng dồi dào trong khi hoạt động giải ngân cho vay gặp khó khăn hơn dưới tác động của dịch bệnh.

Tuy vậy, việc mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ giảm khá thấp thời gian qua sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng.

Chào bán 82,5 triệu cổ phiếu quỹ trước ngày niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra văn bản chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho 1.175 triệu cổ phiếu MSB. Như vậy, MSB là cổ phiếu ngân hàng thứ 4 được chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay, sau VIB, LPB và ACB.

Thành lập năm 1991, đến cuối tháng 9/2020, MSB có 1 hội sở chính, 62 chi nhánh và 201 phòng giao dịch trên 51 tỉnh, thành phố cùng hơn 500 ATM. So sánh với các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam về mạng lưới giao dịch, quy mô tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế, MSB thuộc nhóm ngân hàng tầm trung.

Ba quý đầu năm nay, MSB đạt lợi nhuận sau thuế 1.327,8 tỷ đồng, tăng 52,9% so với cùng kỳ và sớm vượt kế hoạch cả năm.

Trong 9 tháng đầu năm, báo cáo tài chính của MSB cho biết, Ngân hàng đạt tổng thu nhập thuần trên 4.805 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 3.287,5 tỷ đồng, tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái; thu nhập từ dịch vụ đạt 497,1 tỷ đồng, tăng 41,8%. Lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và ngoại hối cũng tăng mạnh. Kết quả, Ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế 1.327,8 tỷ đồng, tăng 52,9% so với cùng kỳ và sớm vượt kế hoạch cả năm.

Trước thời điểm niêm yết, MSB công bố kế hoạch chào bán 82,5 triệu cổ phiếu quỹ (trong tổng số 100,5 triệu cổ phiếu quỹ Ngân hàng đang sở hữu, phần lớn trong số này được MSB mua vào trong năm 2018). Việc chào bán này nếu thành công sẽ đem về cho Ngân hàng hơn 825 tỷ đồng.

Tin bài liên quan